Bạn đọc

Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Đak Pơ có phạm luật?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù ngoài tuổi 70 nhưng muốn vơi đi nỗi buồn khi chồng mất, bà Trần Thị Nhàn, Thôn Tân Bình, xã Tân An, huyện Đak Pơ, Gia Lai đã tham gia buôn bán hải sản hấp. Nhưng tuổi già, sức yếu, việc buôn bán của bà liên tục thua lỗ, dẫn đến bà nợ bạn hàng một số tiền.
 

Mặc dù, những người con sẵn sàng trả nợ thay cho mẹ để giữ lại nơi hương hỏa thờ cha nhưng trước cách xử lý của Chi Cục thi hành án dân sự (THA DS) huyện Đak Pơ, căn nhà duy nhất làm nơi thờ tự đã không giữ được…

Tuổi già lâm nợ

 

Căn nhà chung của gia đình bà Nhàn bị cơ quan THADS huyện Đak Pơ cưỡng chế mà không thông báo cho những chủ sở hữu. Ảnh: Thanh Luận
Căn nhà chung của gia đình bà Nhàn bị cơ quan THADS huyện Đak Pơ cưỡng chế mà không thông báo cho những chủ sở hữu. Ảnh: Thanh Luận

Đầu năm 2004, 3 năm sau khi người chồng là ông Diệp Sanh Tài mất, bà Trần Thị Nhàn, thôn Tân Bình, xã Tân An, huyện Đak Pơ muốn đi làm nhằm khoây khoả nỗi buồn. Bất chấp căn ngăn của các con khi tuổi đã lớn, lại không biết chữ, bà Nhàn thoả thuận miệng với Lê Thị Mỹ Loan, phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn (Bình Định) mua hải sản hấp chủ yếu là cá, ghẹ, mực để bỏ sỉ lại cho tiểu thương chợ Đồn, xã Tân An.

Theo thỏa thuận của 2 người, hàng ngày bà Loan gửi hải sản hấp theo xe từ Quy Nhơn lên huyện Đak Pơ giao cho bà Nhàn. Khoảng 10 đến 20 ngày, bà Nhàn sẽ gửi tiền thanh toán cho bà Loan. Mỗi lần chuyển hàng như vậy, bà Loan đều ghi rõ số lượng hải sản, giá cả từng loại ra giấy và chuyển theo xe.

 

Và ngược lại, mỗi lần chuyển tiền trả cho bà Loan, bà Nhàn nhờ tài xế xe vận chuyển cá đưa giúp. Việc mua bán giữa 2 người dù không trực tiếp với nhau mà phải thông qua tài xế, phụ xe chở cá nhưng thực hiện rất nghiêm túc bằng niềm tin tưởng lẫn nhau. Thông thường mỗi dịp cuối năm, bà Nhàn và bà Loan gặp nhau để tính toán sổ sách, bàn bạc những mặt hàng mới.

Nhưng từ năm 2007 đến đầu năm 2008, 2 bên đã xảy ra tranh chấp khi bà Nhàn chậm thanh toán cho bà Loan. Theo bà Nhàn, do thời gian này bà Loan cung cấp nhiều đợt hàng hải sản chất lượng kém, mỗi lần gửi hàng lên lại gửi nhiều hơn mỗi lần bà đặt hàng. Và vì vậy, nhiều người mua hàng của bà không bán được phải khất nợ lại.

 

Bà Nhàn trong căn nhà thuê làm chỗ trú thân lúc tuổi già. Ảnh: Thanh Luận
Bà Nhàn trong căn nhà thuê làm chỗ trú thân lúc tuổi già. Ảnh: Thanh Luận

Ngày 6-3-2008, bà Loan ngừng cung cấp hải sản hấp đồng thời viết đơn khởi kiện bà Nhàn ra TAND huyện Đak Pơ và yêu cầu bà trả cho bà Loan khoản nợ 96,6 triệu đồng tiền mua hải sản.


Những tưởng mọi việc chỉ dừng lại trong các khoản làm ăn, buôn bán nên khi người bạn hàng kiện bà Nhàn sợ sệt, cứ trốn chui nhủi trong nhà.

Ngày 14-2-2008, TAND huyện Đak Pơ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi tiền nợ của nguyên đơn là bà Lê Thị Mỹ Loan, phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn (Bình Định), bị đơn là bà Trần Thị Nhàn, thôn Tân Bình, xã Tân An, huyện Đak Pơ (Gia Lai).

Trong quá trình xét xử, bà Loan cung cấp cho HĐXX chứng cứ là giấy ký nhận nợ của bà Nhàn với số tiền 89 triệu đồng và cuốn sổ mà bà Loan ghi một khoản nợ phát sinh từ ngày 15-1-2008 (Âm lịch) đến ngày 6-3-2008 (Âm lịch). Về khoản nợ tiền hàng của mình, bà Nhàn thừa nhận giấy xác nhận nợ bà ký là đúng nhưng khi viết giấy nợ này, bà Loan đã cầm tay bà viết khi bà… run tay! Nhưng trên thực tế, do bà Nhàn không biết chữ nên giấy nhận nợ hoàn toàn do bà Loan viết và bà chỉ biết ngoệt ngoặc ký tên mình.

Theo bà Nhàn, trước khi ký vào giấy nhận nợ, bà đã trả cho bà Loan  61 triệu đồng tiền vào 3 đợt vào ngày 11-12-2007: 25 triệu đồng; ngày 15-12-2007: 14 triệu đồng và ngày 19-12-2007 là 22 triệu đồng. Việc làm ăn lâu nay giữa 2 người vẫn tôn trọng niềm tin là chính nên bà không hề nghi ngờ khi đưa tiền cho tài xế xe vận chuyển hải sản nhưng không được bà Loan trừ trong sổ ghi nợ.

 

Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận lời khai này và dựa vào sổ ghi nợ, lời khai, giấy nhận nợ mà bà Loan cung cấp đã tuyên bản án số 18/2008/DSST buộc bà Trần Thị Nhàn phải trả cho Loan số tiền 95,881 triệu đồng và gần 4,8 triệu đồng án phí.    

Cơ quan thực thi pháp luật có xem thường luật?

Căn cứ bản án số 18/2008/DSST của TAND huyện Đak Pơ, ngày 25-12-2008 THA dân sự huyện Đak Pơ ra Quyết định số 55 về việc thi hành án theo đơn yêu cầu của bà Lê Thị Mỹ Loan.

 

Chợ Đồn, xã Tân An, huyện Đak Pơ (Gia Lai) nơi bà Nhàn buôn bán hải sản hấp và mang nợ hàng chục triệu của Loan khiến cả thôn Tân Bình rúng động. Ảnh: Thanh Luận
Chợ Đồn, xã Tân An, huyện Đak Pơ (Gia Lai) nơi bà Nhàn buôn bán hải sản hấp và mang nợ hàng chục triệu của bà Loan khiến cả thôn Tân Bình rúng động. Ảnh: Thanh Luận

Trao đổi với chúng tôi, bà Diệp Thị Lan, người con gái lớn của bà Nhàn cho biết: “Ngày 17-3-2009, tại buổi làm việc với Chi cục THA DS huyện Đak Pơ với ông Đoàn Ngọc Thạch, Chấp hành viên trực tiếp thụ lý và giải quyết vụ án của bà Nhàn tiếp tôi. Vì lúc mẹ tôi đang xuất gia tu hành tại chùa Linh Sơn, điều kiện kinh tế khó khăn không có khả năng trả nợ nên bà tự nguyện giao số tài sản của bà cho Chi cục THA DS huyện Đak Pơ để đảm bảo nghĩa vụ THA.

Tuy nhiên toàn bộ tài sản của bà Nhàn chính là tài sản thừa kế của chúng tôi đồng thời chúng tôi là con của bà Nhàn hiện không có chỗ ở nên chúng tôi đề nghị THA DS huyện Đak Pơ giải quyết cho chúng tôi mua lại tài sản là căn nhà và đất do bà Nhàn đứng tên theo giá quy định của Nhà nước, nhằm giữ lại nhà và đất hương hoả, nơi thờ phụng ông bà, cha chúng tôi. Như vậy chúng tôi cũng được giải quyết nhu cầu về chỗ ở. Nhưng ông Thạch không chấp nhận”.

Ngày 3-9-2009 Chi cục THADS huyện Đak Pơ ra quyết định số 03/QĐ-THA cưỡng chế, kê biên nhà ở và quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở của gia đình bà Nhàn. Mặc dù đây là tài sản chung của cả gia đình nhưng Chi cục THADS huyện Đak Pơ đã hợp đồng với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Gia Lai bán toàn bộ tài sản kê biên của gia đình bà Nhàn cho ông Phạm Đình Danh, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước (Bình Định) với giá là 165.567.000đồng.     

Khi biết sự việc, những người con của bà Nhàn là chị Diệp Thị Lan (TP. Quy Nhơn) cùng các em Diệp Thị Nhung, Diệp Thị Huệ, Diệp Năng Bình, Diệp Tiến Nam, Diệp Sanh An, Diệp Thị Huyền cùng trú tại thôn Tân Bình, xã Tân An, huyện Đak Pơ (Gia Lai) liên tục gửi đơn khiếu nại đến Chi cục trưởng Chi cục THA DS huyện Đak Pơ; Cục trưởng, Cục THADS tỉnh Gia Lai phản ánh sự việc. Nhưng cho đến hiện nay, họ vẫn nhận được những văn bản trả lời khái quát của cơ quan chức năng cho rằng: Việc kê biên cưỡng chế của Chi cục THADS huyện Đak Pơ là đúng pháp luật.

Theo chị Diệp Thị Huệ, một trong 7 người con của bà Nhàn: “Trước thời điểm THADS huyện Đak Pơ tổ chức bán đấu giá căn nhà nói trên, tất cả chúng tôi đều có đơn khiếu nại về việc cho dừng việc THA đối với căn nhà, đất ở của bà Nhàn; Đồng thời chúng tôi còn gửi đơn khởi kiện đến Tòa án Nhân dân huyện Đak Pơ để yêu cầu giải quyết “tranh chấp chia thừa kế” là căn nhà và đất ở đứng tên bà Nhàn.

Nhưng thêm một lần nữa Chi cục THADS huyện ĐakPơ phớt lờ không cho dừng việc bán căn nhà của bà Nhàn mà tiếp tục tiến hành ký hợp đồng uỷ quyền cho Trung tâm bán đấu giá rồi bán hẳn căn nhà nêu trên cho ông Phạm Đình Danh mặc dù biết rất rõ căn nhà, đất ở này không phải cấp cho riêng mẹ tôi mà UBND thị xã An Khê cấp cho hộ bà Nhàn vào thời điểm năm 2000.

 

Ngày 7-4-2012, ông Đoàn Ngọc Thạch- Chi cục Trưởng Chi cục THADS huyện Đak Pơ thừa nhận với báo chí, việc kê biên cưỡng chế căn nhà của hộ Trần Thị Nhàn đã quá vội vã khi chưa xác định chủ sở hữu tài sản này dẫn đến khiếu kiện của những người con của vợ chồng ông Tài, bà Nhàn.

Ông Thạch thừa nhận: “Đáng lý ra trước khi kê biên, cưỡng chế ngôi nhà này, chúng tôi phải căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hộ khẩu của bà Nhàn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa xem.”(!)

Và cũng vì lý do “chưa xem” này, nên đã biến khối tài sản chung thành tài sản cá nhân và ký kết hợp đồng với Trung tâm bán đấu giá Gia Lai để bán cho người khác.

Thanh Luận
 

Có thể bạn quan tâm