(GLO)- Không chỉ là tấm gương sáng đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, chị Vũ Thị Hiệp-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, Gia Lai) còn được biết đến với sự nhiệt tình, năng nổ trong công tác Hội.
Đức Hưng là thôn nằm sát đường biên giới, tiếp giáp giữa xã Ia Nan (huyện Đức Cơ) và xã Pó Nhầy (huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). Thôn được thành lập từ năm 1999, và mãi đến năm 2004 chi hội Phụ nữ thôn mới ra đời; đến nay đã tập hợp được 122 hội viên, hầu hết là chị em từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung di cư đến đây lập nghiệp. Sau nhiều năm gầy dựng, từ năm 2012 trở đi, chi hội Phụ nữ thôn Đức Hưng luôn được đánh giá là một trong những chi hội phụ nữ hoạt động hiệu quả, nổi bật trong phong trào phụ nữ huyện biên giới Đức Cơ.
Chị Vũ Thị Hiệp đang chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình. Ảnh: L.H |
Theo đó, chi hội Phụ nữ thôn luôn là đơn vị dẫn đầu trong các hoạt động Hội, đặc biệt là phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. “Nhờ đất đai màu mỡ, bà con chịu thương chịu khó, năng động đưa vào sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nên cuộc sống của chị em tương đối ổn định. Hiện có khoảng 80% hộ gia đình chị em trong chi hội có điều kiện kinh tế khá, số hộ nghèo do hội viên Hội Phụ nữ làm chủ hộ chỉ còn 5 hộ. Trong năm nay, chi hội sẽ giúp đỡ 1 gia đình hội viên thoát nghèo”-chị Hiệp cho biết. Đến nay, chi hội đã thành lập được quỹ tiết kiệm với 95 triệu đồng để cho 20 chị em vay đầu tư phát triển sản xuất. Các chương trình cho vay vốn ủy thác của các ngân hàng cũng được chị em tiếp cận hiệu quả.
Ở một địa bàn vùng sâu, vùng xa, chị em hầu hết đều làm nông nghiệp nên ít có thời gian tham gia các hoạt động phong trào. Vậy nhưng, điều bất ngờ là chi hội Phụ nữ thôn Đức Hưng đã thành lập được 4 đội văn nghệ và 5 đội bóng chuyền hoạt động đều đặn hàng tuần. “Thấy các chị em sau mỗi ngày làm việc vất vả, ít có cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa-văn nghệ nên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Nan đề xuất ý tưởng thành lập đội bóng chuyền và văn nghệ. Từ ý tưởng ấy, tôi kêu gọi và tập hợp các chị em tham gia. Ban đầu chỉ một vài đội, sau quy mô tăng lên. Chị em đều rất hào hứng và tích cực tham gia, góp phần rèn luyện sức khỏe, thư giãn, giải trí sau ngày làm việc mệt nhọc”-chị Hiệp chia sẻ. Hiện nay, đội bóng chuyền nữ và đội văn nghệ thôn Đức Hưng là đối thủ “nặng ký” và luôn giành giải cao tại các hội thi, hội thao của huyện.
“Mặc dù thành lập chưa được bao lâu so với các chi hội khác nhưng chi hội Phụ nữ thôn Đức Hưng luôn là điểm sáng trong các hoạt động Hội. Có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực chung của tập thể, còn có sự đóng góp không nhỏ của chị Hiệp với vai trò là hạt nhân quy tụ được các chị em tham gia”-bà Trần Thị Thủy-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Nan đánh giá. Suốt 5 năm liền (2012-2017), chi hội Phụ nữ thôn Đức Hưng được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đức Cơ, UBND huyện Đức Cơ tặng giấy khen vì thành tích hoạt động xuất sắc.
“Bản thân mình phải làm tốt, tích cực đi đầu thì chị em mới nghe và ủng hộ”-chị Hiệp vui vẻ chia sẻ về “bí quyết” giúp chị xây dựng phong trào hiệu quả. “Miệng nói, tay làm” đó là khẩu hiệu chị đặt lên hàng đầu mỗi khi làm bất cứ công việc gì. Được chị em trong chi hội tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng, chị càng ý thức hơn trách nhiệm của mình. Khi có nhiệm vụ từ cấp trên triển khai về, chị đều nhanh chóng tiếp cận và triển khai; đồng thời, trước những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hoạt động, chị cũng nhanh nhạy nắm bắt và phản ánh lên cấp trên để có được sự hỗ trợ khi cần thiết.
Không chỉ là Chi hội trưởng Phụ nữ năng động, chị Hiệp còn là một trong những gương sáng vượt khó vươn lên làm giàu. Năm 1997, chị rời vùng quê Mỹ Hào-Hưng Yên vào Đức Cơ lập nghiệp. Vốn liếng không có, vợ chồng anh chị xin làm công nhân cho Công ty TNHH một thành viên Cao su 72 (Binh đoàn 15). Khi có được trong tay chút vốn, anh chị mua thêm đất để làm vườn rẫy. Cứ thế, hơn 20 năm chăm chỉ và cần mẫn, gia đình chị đã tạo lập được cơ ngơi khá ổn định với 4 ha cao su đang cho thu hoạch, 1 ha cà phê kinh doanh, 7 ha điều, 800 trụ hồ tiêu và nhiều cây ăn trái khác, mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng. “Mình tạo lập từ 2 bàn tay trắng nên thấu hiểu giá trị của cuộc sống hiện tại. Bởi vậy, mình luôn dạy các con phải luôn biết cố gắng thì mới có thành quả”-chị Hiệp tâm sự.
Lê Hòa