Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Chi phí chuyển đổi đất vườn sang đất ở theo Luật mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo quy định của pháp luật, nếu đủ điều kiện, đất vườn sẽ được chuyển sang đất ở (đất thổ cư). Vậy chi phí chuyển đổi đất vườn sang đất ở thế nào theo Luật Đất đai 2013?
Chuyển đổi đất vườn sang đất ở phải xin phép
Theo khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 nhóm đất nông nghiệp gồm: Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất rừng sản xuất…
Theo đó, pháp luật hiện hành không quy định đất nào là đất vườn. Tùy vào mục đích sử dụng đất vườn có thể thuộc loại đất trồng cây hàng năm hoặc đất trồng cây lâu năm thuộc nhóm đất nông nghiệp.
Theo điểm d khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 trường hợp chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thì phải được phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong trường này, để chuyển đổi đất vườn sang đất ở, hộ gia đình, cá nhân cần phải xin phép và phải được sự đồng ý của UBND cấp huyện nơi có đất thì mới được chuyển mục đích sử dụng.
Nếu được sự đồng ý của UBND cấp huyện, người sử dụng đất cần phải nộp những khoản phí dưới đây để chuyển đổi đất vườn sang đất ở.

Nếu đủ điều kiện, người dân sẽ được chuyển đổi đất vườn sang đất ở (đất thổ cư). Ảnh minh họa
Chi phí chuyển đổi đất vườn sang đất ở
1. Tiền sử dụng đất
Cách tính dưới đây chỉ áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân.
Trường hợp 1: Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở
Điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định:
"Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở theo quy định tại Khoản 6 Điều 103 Luật Đất đai sang làm đất ở; chuyển từ đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Như vậy, 02 trường hợp sau đây sẽ nộp tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích:
- Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở sang làm đất ở.
- Đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 01/7/2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng sang đất ở.
Ví dụ: Ông A có thửa đất gồm 100m2 đất ở và 100m2 đất vườn, sau khi xác định diện tích như trên để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông A tách thửa và chuyển nhượng 100m2 đất vườn cho ông B; nếu ông B được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì số tiền sử dụng đất phải nộp bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục đích của UBND cấp huyện nơi có đất.
Tóm lại, nếu thuộc trường hợp trên thì tiền sử dụng đất tính theo công thức sau:
Tiền sử dụng đất phải nộp = 50% x (Tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở - Tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp)
Trường hợp 2: Chuyển từ đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở
Điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định như sau:
"Chuyển từ đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Như vậy, tiền sử dụng đất trong trường hợp này được tính theo công thức sau:
Tiền sử dụng đất phải nộp = (Tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở - Tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp)
Riêng đối với đất có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng hợp pháp thì căn cứ vào nguồn gốc đất đó để thu tiền sử dụng đất, cụ thể:
- Đất có nguồn gốc là đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp.
- Đất nhận chuyển nhượng có nguồn gốc là đất nông nghiệp được giao trong hạn mức sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân thì thu tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp.
Lưu ý: Mặc dù có cách tính khá phức tạp như trên nhưng số tiền cụ thể sẽ do bên cơ quan thuế tính và thông báo cho người sử dụng đất. Căn cứ vào thông báo của cơ quan thuế, người dân chỉ cần đối chiếu để kiểm tra cho chính xác là được.
2. Lệ phí trước bạ
- Đối tượng phải nộp: Áp dụng đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận mà được miễn lệ phí trước bạ, sau đó được UBND cấp huyện, cấp tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà thuộc diện phải nộp lệ phí.
- Cách tính lệ phí trước bạ:
Căn cứ Điều 5 Nghị định 140/2016/NĐ-CP và khoản 2 Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP, lệ phí trước bạ được tính theo công thức sau:
Lệ phí trước bạ = (Giá đất tại bảng giá đất x Diện tích) x 0.5%
3. Lệ phí cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận)
- Đối tượng áp dụng: Chỉ nộp lệ phí này nếu được cấp Giấy chứng nhận mới (được cấp bìa sổ mới).
- Mức nộp: Dù mỗi tỉnh thành có mức thu khác nhau nhưng hầu hết đều dưới 100.000 đồng/giấy/lần cấp.
4. Phí thẩm định hồ sơ
Phí thẩm định hồ sơ do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định; nội dung này được nêu rõ tại điểm i khoản 1 Điều 5 Thông tư 85/2019/TT-BTC quy định như sau:
"i) Phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khoản thu đối với công việc thẩm định hồ sơ, các điều kiện cần và đủ đảm bảo việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (bao gồm cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận và chứng nhận biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp) theo quy định của pháp luật".
Vì thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nên người dân phải biết 02 điều sau:
- Không phải tỉnh thành nào cũng thu loại phí này.
- Nếu có thu thì mức thu giữa các tỉnh thành là không giống nhau.
Như vậy, để chuyển đổi đất vườn sang đất ở cần phải có sự đồng ý của UBND cấp huyện. Khi thực hiện chuyển đổi đất vườn sang đất ở, người sử dụng đất cần phải nộp các khoản chi phí. Theo đó, không ấn định số tiền cụ thể cho mọi trường hợp mà phải biết giá đất của từng thửa đất và áp dụng các công thức tính như trên. Thông thường tiền sử dụng đất là khoản tiền phải nộp nhiều nhất, trừ trường hợp được miễn, giảm.
Theo Mai Lan (Dân Việt)
https://danviet.vn/nam-2021-chuyen-dat-vuon-sang-dat-o-mat-bao-nhieu-tien-theo-luat-moi-20210126204920094.htm

Có thể bạn quan tâm