Xã hội

Chỉ số PAPI năm 2022 của Gia Lai thấp nhất trong các tỉnh Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo số liệu báo cáo từ papi.org.vn về Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam năm 2022, tỉnh Gia Lai nằm trong các tỉnh, thành thuộc nhóm tứ phân vị thấp. So với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, Gia Lai nằm ở vị trí cuối bảng với 39,67 điểm.

Kết quả chỉ số PAPI năm 2022, Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước với 47,87 điểm, thứ nhì là Bình Dương với 47,45 điểm. Cao Bằng là địa phương đứng chót bảng với 38,8 điểm.

Với 39,67 điểm, Gia Lai xếp thứ 58/61/63 tỉnh, thành (tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang dữ liệu bị nhiễu do yếu tố chủ quan nên không được đưa vào báo cáo), chỉ xếp trên 3 tỉnh Cao Bằng, Điện Biên và Tây Ninh.

Theo báo cáo, tương tự như kết quả PAPI những năm trước, nhiều tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực miền Trung vẫn thuộc nhóm tứ phân vị cao. Cụ thể, trong số các tỉnh, thành phố trong nhóm tứ phân vị cao, 6 địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và 6 tỉnh, thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Bảng tổng hợp kết quả PAPI năm 2022 của các tỉnh, thành Việt Nam. Ảnh chụp màn hình

Bảng tổng hợp kết quả PAPI năm 2022 của các tỉnh, thành Việt Nam. Ảnh chụp màn hình

Trong số 14 địa phương trong nhóm tứ phân vị thấp, 4 tỉnh, thành thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc, 4 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, 5 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long và 1 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Khoảng cách trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh có xu hướng thu hẹp.

Mức chênh lệch điểm Chỉ số PAPI 2022 tổng hợp giữa điểm thấp nhất (38,8 điểm) và điểm cao nhất (47,88 điểm) là khoảng 9,07 điểm, thấp hơn khoảng cách này của Chỉ số PAPI 2021 (với khoảng cách tới 10,84 điểm). Điều này cho thấy điểm Chỉ số PAPI 2022 có xu hướng hội tụ hơn, đồng nghĩa với đánh giá về hiệu quả quản trị và hành chính cấp tỉnh của người dân trên toàn quốc ít có sự khác biệt hơn so với năm 2021.

Báo cáo PAPI 2022 phản ánh đánh giá về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền của 16.117 người dân từ 18 tuổi trở lên với đặc điểm nhân khẩu đa dạng được chọn ngẫu nhiên từ dân số Việt Nam. Trong số những người tham gia phỏng vấn trực tiếp, 14.931 người có hộ khẩu thường trú ở toàn bộ 63 tỉnh, thành và 1.186 người có hộ khẩu tạm trú ở 12 tỉnh, thành có tỉ suất di cư thuần dương trên toàn quốc theo dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

PAPI là công cụ theo dõi hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước dựa trên ý kiến phản hồi của người dân, được thực hiện từ bên ngoài khu vực nhà nước và có quy mô lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Từ khi bắt đầu khởi xướng vào năm 2009 đến nay, 178.243 lượt người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc, tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công trong nhiều lĩnh vực của tất cả các cấp chính quyền. Dữ liệu PAPI dựa trên trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp của người dân trong một năm.

Có thể bạn quan tâm