Du lịch

Hành trang lữ hành

Chìa khóa "mở cửa bầu trời": Thẻ thông hành xanh cho thị trường nội địa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Các chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất thí điểm áp dụng trong nước thẻ thông hành xanh đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nhằm từng bước mở cửa lại nền kinh tế
Trong lúc các hãng hàng không chờ được công nhận hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) trong lộ trình nối lại đường bay quốc tế, nhiều doanh nghiệp (DN), chuyên gia kiến nghị Việt Nam sớm xúc tiến áp dụng thẻ thông hành xanh hay "hộ chiếu vắc-xin" ngay đối với thị trường nội địa, thí điểm cho du lịch, hàng không…
Cần cơ chế rõ ràng
Ngày 3-9, đại diện Vietnam Airlines cho hay cùng với việc tiếp tục triển khai các chuyến bay thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử trong thời gian tới, hãng đề xuất với thị trường nội địa, sau khi đại dịch được khống chế và tiêm chủng vắc-xin cho thấy kết quả tốt, có thể xem xét áp dụng cơ chế thông hành như thẻ thông hành xanh.

Quảng Ninh là điểm đến đầu tiên trên cả nước thí điểm cách ly 7 ngày với khách nhập cảnh. Trong ảnh: Du thuyền chở khách tham quan vịnh Hạ Long giai đoạn trước giãn cách .Ảnh: Bình An
Quảng Ninh là điểm đến đầu tiên trên cả nước thí điểm cách ly 7 ngày với khách nhập cảnh. Trong ảnh: Du thuyền chở khách tham quan vịnh Hạ Long giai đoạn trước giãn cách. Ảnh: Bình An
Tương tự các đường bay quốc tế, ngành hàng không có thể tổ chức bay thử nghiệm nội địa, trước khi áp dụng chính thức. Việc áp dụng cơ chế này sẽ tạo cơ hội phục hồi mạnh mẽ cho du lịch, hàng không, góp phần phát triển kinh tế trong khi vẫn bảo đảm phòng chống dịch.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cho hay nhóm nghiên cứu của TAB cũng đã đề xuất chương trình thí điểm thẻ thông hành xanh ở Việt Nam. Đây là giải pháp hiệu quả không chỉ với ngành du lịch mà để triển khai cho tất cả ngành từ thương mại, hàng không, vận tải, dịch vụ, du lịch, thể thao, văn hóa…, từ đó khôi phục hoạt động kinh tế.
"Ở nhiều nước, quốc hội còn thông qua luật chương trình thẻ thông hành vắc-xin hoặc gần như vậy để ưu tiên giải quyết tính pháp lý. Các nước trong EU, Philippines... đều có luật này rồi. Do đó, tại Việt Nam, kiến nghị Chính phủ nên giao nhiệm vụ cho một bộ ngành làm đầu mối, chịu trách nhiệm nghiên cứu để triển khai thí điểm sớm, đồng bộ trên cả nước" - ông Hoàng Nhân Chính góp ý.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều chuyên gia, DN du lịch cũng kiến nghị cần sớm nghiên cứu có lộ trình thí điểm giải pháp về thẻ thông hành xanh cho thị trường nội địa. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng với tỉ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngày càng tăng, có thể di chuyển nội địa thì việc nghiên cứu áp dụng "hộ chiếu vắc-xin" cho thị trường trong nước là thiết thực. Du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là ngành kinh tế tổng hợp trong một chuỗi liên kết với tất cả ngành, lĩnh vực khác. Nhu cầu đi lại, du lịch, hàng không của người dân tăng lên sẽ là cơ hội để khôi phục hoạt động kinh tế, thương mại, dịch vụ và cả thương mại, đầu tư, xuất khẩu và xuất khẩu tại chỗ…
Để triển khai, ông Nguyễn Hữu Thọ phân tích hiện đã có sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế, xác định người dân tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Do đó, có thể sử dụng thông tin này cho khách nội địa khi di chuyển và cơ quan quản lý dễ kiểm soát. Nếu ứng dụng sổ sức khỏe điện tử này có thêm bản tiếng Anh thì có thể kết hợp với tổ chức quốc tế để sử dụng và chứng minh khách Việt đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin trong trường hợp muốn đi nước ngoài.
Ở các nước, thông tin về tiêm chủng được Bộ Y tế xác nhận sẽ được chấp nhận trong những trường hợp cần kiểm tra, kiểm soát nên cần đồng bộ thông tin của người dân về tiêm ngừa vắc-xin Covid-19.
Lộ trình, giải pháp cụ thể để doanh nghiệp nhập cuộc
Một chuyên gia của Tổng cục Du lịch nhận định đến cuối năm 2021, số người được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 và bệnh nhân khỏi bệnh sẽ tăng. Vì vậy, Việt Nam nên chuẩn bị từ bây giờ cho lộ trình mở cửa trở lại dần các hoạt động kinh tế, trong đó có du lịch, hàng không là cần thiết để cả DN và cơ quan quản lý, địa phương, điểm đến cùng nhập cuộc.
"Lúc này, triển khai thẻ thông hành xanh chứng nhận đã tiêm Covid-19 đủ 2 mũi và âm tính ở thời điểm khởi hành dạng mã QR rất cần thiết cho người dân. Giải pháp này không chỉ giúp ngành du lịch, hàng không khôi phục mà cả lưu thông hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định an sinh xã hội. Để làm được điều này, Bộ Y tế và các bộ, ngành cần hợp nhất Cổng tiêm chủng quốc gia và các phần mềm, để làm sao đi đâu người dân chỉ cần có mã QR là được cho qua" - chuyên gia của Tổng cục Du lịch đề xuất.
Hiện cả nước đã tiêm được gần 20 triệu liều vắc-xin Covid-19 nhưng hầu như chưa được cập nhật đầy đủ trên Cổng tiêm chủng quốc gia, chưa kể mỗi bệnh viện cấp một mẫu chứng nhận khác nhau, những người khỏi bệnh cũng chưa được cập nhật đầy đủ… Vì vậy, chuyên gia của Tổng cục Du lịch đề xuất cần nhanh chóng cập nhật, chuẩn bị hạ tầng, công nghệ, đồng bộ cơ sở dữ liệu về tiêm chủng, để khi triển khai là sản xuất, dịch vụ có thể vận hành, lưu thông ngay được.
Ở góc độ DN, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, cho rằng DN rất kỳ vọng có thể sớm đưa hoạt động kinh doanh trở lại. Với ngành du lịch, việc triển khai thí điểm "hộ chiếu vắc-xin" với thị trường nội địa là cần thiết lúc này, vừa chuẩn bị kế hoạch đi lại cho người dân an toàn vừa tạo cơ hội cho ngành du lịch tái khởi động sau thời gian dài "đóng băng". Có thể bắt đầu đón khách đã chích đủ 2 mũi vắc-xin, xét nghiệm âm tính tại thời điểm khởi hành tới những điểm đến an toàn, "vùng xanh" như Phú Quốc. Từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng ra những điểm đến khác khi nhu cầu của du khách tăng lên.
"Để một tour khởi hành, DN phải xây dựng sản phẩm, quảng bá, liên kết với các đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ khác, rồi điểm đến xong bán tour cho khách… Nhưng nếu trong hành trình tour xuất hiện F0 thì sẽ xử lý ra sao, không thể lại "đóng băng" như trước đây. Vì vậy, điều DN cần nhất là một lộ trình, kế hoạch rõ ràng để khởi động lại ngành du lịch của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương giúp cả DN và du khách không bị động; có giải pháp ứng phó rõ ràng trong từng tình huống" - ông Trần Thế Dũng đề xuất.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, khẳng định cần triển khai "hộ chiếu vắc-xin" để những người dân đã được tiêm đủ 2 mũi có thể dễ dàng di chuyển giữa các tỉnh mà không phải cách ly, tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu đi lại.
"Thể chế chính sách, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực và xúc tiến hiệu quả là những yếu tố giúp ngành du lịch sớm hồi phục khi Covid-19 đi qua. Đặc biệt, cần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hợp thời bởi sau dịch, du khách cần những trải nghiệm phù hợp thiên về nghỉ dưỡng, tận hưởng… nên cần thống kê, dự báo, định hướng để DN xây dựng sản phẩm du lịch thích hợp" - ông Phạm Hà nói.
Về giải pháp cụ thể, một số chuyên gia đề xuất mã QR cho thẻ thông hành xanh sẽ áp dụng cho những đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19; có xác nhận mắc Covid-19 khỏi bệnh (thế giới quy định 12 tháng từ ngày khỏi). Bộ Y tế cần quy định rõ các đối tượng trên cần chứng nhận tiêm đủ 2 mũi có giá trị bao lâu. Quy trình tiếp xúc, kiểm tra, giám sát, tiếp nhận khách tại sân bay, bến cảng, các trạm kiểm soát để lưu thông thuận tiện người, hàng hóa bảo đảm an toàn theo 5K. Giải pháp này cần được ban hành quy định song song việc cập nhật, thống nhất cơ sở dữ liệu tiêm chủng, an toàn Covid-19 quốc gia với sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
TP HCM: Doanh thu du lịch lữ hành bằng 0
Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy doanh thu du lịch lữ hành trên cả nước 8 tháng năm 2021 ước tính đạt 4.500 tỉ đồng, giảm 61,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng năm 2021 giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước như: Khánh Hòa giảm 89,1%; Quảng Nam giảm 82,4%; TP HCM giảm 52,2%; Hà Nội giảm 50,3%...
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm 2021 ước tính đạt 254.300 tỉ đồng, giảm 19,8% so với cùng kỳ. Một số địa phương có mức giảm mạnh về doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống như Hà Nội và Bình Dương cùng giảm 21,5%; TP HCM giảm 20%; Đà Nẵng giảm 14,3%... Riêng tại TP HCM, doanh thu thương mại dịch vụ trong tháng 8-2021 tiếp tục sụt giảm. Trong đó, hoạt động du lịch lữ hành tiếp tục ghi nhận không phát sinh doanh thu trong tháng 8.
THÁI PHƯƠNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm