(GLO)- Mỗi vụ tai nạn giao thông (TNGT) đều để lại nỗi đau thương, mất mát to lớn đối với gia đình nạn nhân. Do vậy, việc cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì TNGT và chung tay hỗ trợ gia đình họ vượt qua khó khăn là hoạt động rất ý nghĩa, vừa chia sẻ nỗi mất mát với những người ở lại, vừa tuyên truyền, vận động người dân tham gia giao thông đúng luật, an toàn.
Nỗi đau khôn cùng
Chiều 7-8, tại tịnh xá Ngọc Cổ (phường Yên Thế, TP. Pleiku), Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do TNGT. Trong tiếng kinh cầu siêu, bà Phạm Thị Thu Sương (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) vừa khấn vái, vừa nghẹn ngào đôi dòng nước mắt. Con trai bà mất trong vụ TNGT tại tỉnh Bình Dương cách đây chưa đầy 90 ngày. “Cháu mới 24 tuổi đầu, vừa tốt nghiệp ra trường thì gặp nạn trên đường đi làm về. Đau xót lắm em ơi. Cháu là con đầu, ngoan hiền và biết lo cho gia đình. Cầu mong con sớm được siêu thoát, an lạc, mong mọi điều tốt lành đến với con”-bà Sương vừa nói, vừa liên tục lau nước mắt.
Tai họa bất ngờ do TNGT luôn để lại nỗi đau đớn tột cùng. Bởi lẽ, không có bi kịch nào lớn hơn khi người thân của mình đột ngột ra đi vĩnh viễn; mới lành lặn đó đã thành phế nhân. Cha mẹ mất con, chồng mất vợ, vợ mất chồng, con cái mồ côi cha mẹ, bơ vơ không nơi nương tựa. Đơn cử như vụ TNGT xảy ra mới đây trên địa bàn huyện Chư Sê khiến đôi vợ chồng trẻ tử vong, để lại 3 con thơ sinh năm 2015, 2020 và 2021 phút chốc rời vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Một trường hợp khác hết sức thương tâm là chị Nguyễn Thị H. (SN 1991, tổ 4, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ). Chồng không may qua đời do tai nạn lao động, chị tần tảo nuôi 3 con nhỏ và mẹ già. Ngày 31-7 vừa qua, chị H. cũng gặp TNGT, để lại 3 con thơ dại cùng người mẹ đã qua tuổi thất thập. Nỗi đau của người ở lại không gì có thể bù đắp.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông tại Tịnh xã Ngọc Cổ (TP. Pleiku). Ảnh: Minh Nguyễn |
Theo ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh: Việc tổ chức buổi cầu siêu có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bày tỏ niềm thương tiếc đối với những người không may tử vong do TNGT cũng như chia sẻ đau thương, mất mát với người ở lại, động viên họ sớm vượt qua nỗi đau to lớn để tiếp tục xây dựng cuộc sống. Đồng thời, qua đó tiếp tục cảnh báo về thảm họa TNGT; nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông trong việc chấp hành pháp luật, phòng tránh TNGT.
“Nhân dịp này, tôi kêu gọi mỗi cá nhân luôn tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; hãy nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông. Mỗi gia đình, nhà trường cần quan tâm giáo dục con em về ý thức trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông. Các tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần, góp phần thiết thực chia sẻ nỗi đau mất mát do TNGT, giúp cho gia đình nạn nhân có động lực, cơ hội khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”-ông Hạnh nhắn nhủ.
Xây dựng ý thức văn hóa giao thông
Trước khi tổ chức lễ cầu siêu, vào sáng cùng ngày, Ban ATGT tỉnh phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã tổ chức lễ ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động tăng ni, phật tử tham gia bảo đảm trật tự, ATGT giai đoạn 2022-2025. Theo nội dung ký kết, Ban ATGT tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh thống nhất sẽ tăng cường triển khai các nội dung, giải pháp về bảo đảm trật tự, ATGT; triển khai tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về trật tự, ATGT và xây dựng ý thức văn hóa giao thông trong tăng ni, phật tử trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Ban ATGT tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động tăng ni, phật tử tham gia bảo đảm trật tự, ATGT giai đoạn 2022-2025. Ảnh: Minh Nguyễn |
Đặc biệt, vào ngày rằm tháng 7 và dịp hưởng ứng “Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT” hàng năm, 2 đơn vị sẽ tập trung tổ chức các hoạt động truyền thông để các tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần, góp phần thiết thực chia sẻ nỗi mất mát, giúp các gia đình có người thân không may bị thương vong do TNGT có động lực, cơ hội vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, vận động các cơ sở thờ tự Phật giáo tổ chức cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do TNGT trong lễ cầu siêu thường niên; vận động không lập am, miếu thờ tự tại hiện trường TNGT, gây ảnh hưởng đến hành lang ATGT đường bộ.
Thượng tọa Thích Từ Vân-Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh-nhận định: “Tai nạn giao thông diễn ra hàng ngày là hồi chuông cảnh tỉnh mọi người trong toàn xã hội. Do vậy, để bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn tỉnh cần sự đóng góp của tăng ni, phật tử. Với tinh thần từ bi, an lạc và tôn vinh giá trị văn hóa giao thông, các chư tôn, tăng ni, phật tử, trụ trì các cơ sở thờ tự cần vận động phật tử tham gia bảo đảm trật tự, ATGT”.
Để góp phần kéo giảm TNGT trong thời gian tới, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cũng đề nghị: “Các sở, ban, ngành và các đoàn thể, thành viên Ban ATGT tỉnh, các địa phương quyết tâm triển khai thực hiện công tác ATGT bằng các hành động mạnh mẽ. Mỗi cá nhân cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm để giảm thiểu số người chết và bị thương do TNGT. Hãy vì niềm thương xót những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống”.
MINH NGUYỄN