Xã hội

Chiếc bánh mì thuở ấy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày nay, bánh mì hay bánh bao đã trở thành món ăn quen thuộc của nhiều người, thường là bữa sáng hay điểm tâm lúc xế chiều. Lại nhớ ngày trước, tôi được thưởng thức chiếc bánh mì và bánh bao do anh Trung làm. Hồi ấy, Trung đảm nhận vị trí “hỏa đầu quân” ở Trung đoàn 332-đơn vị mà tôi có khoảng thời gian công tác để hỗ trợ kỹ thuật làm công trình thủy lợi Đak Hnir (xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai).
Anh Trung có dáng người nhỏ thó, quê ở Bình Định, là một trong những anh nuôi vui tính, vui chuyện cả ngày. Từ chuyện đồng áng đến nội trợ, anh đều rành rọt, kể tất tần tật như một người nông dân, người thợ chuyên nghiệp.
Một lần, sau đợt phép trở lại đơn vị, mới bước vào lán trại, anh đã cười vui thông báo: “Sáng mai, mời anh em món bánh bao mang thương hiệu Trung choắt nhé”. Nghe anh nói, tôi thầm nghĩ, giữa rừng núi thâm u này, lán trại chưa phai màu lá, tìm đâu ra nguyên liệu làm bánh mì, bánh bao. Hơn nữa, mấy sáng trước, chúng tôi cũng có ăn nhưng chỉ là loại bánh làm bằng bột củ mì luộc, vậy tìm đâu ra bột lúa mì để làm bánh mì đúng nghĩa. Vậy nên, tôi háo hức theo dõi.
Chiều hôm ấy, anh Trung xuống làng đồng bào dân tộc thiểu số, lúc về xách tòng teng 2 chiếc bánh men làm rượu to như bàn tay và lưng gùi 2 chiếc ghè rỗng. Về trại, anh bỏ bánh men vào chiếc xoong nhôm lấy khúc gỗ ngồi tán nhỏ rồi hốt bột mì ra trộn, đổ nước lã và chén nước đường loãng khuấy đều rồi sớt vào gần đầy 2 chiếc ghè, lấy lá chuối bịt kín nắp. Anh em chúng tôi tưởng anh đang làm rượu nên nói vui: “Anh tính cho anh em say à?”. Anh Trung ngẩng lên cười: “Làm bánh bao. Anh em cứ đợi đấy nhé!”.
Qua 3 ngày, men trong ghè đã dậy. Đến ngày thứ 4, mới khoảng hơn 3 giờ sáng đã thấy ánh đèn trong khu nhà bếp, tôi bật dậy, tò mò đến xem. Anh Trung và một số anh em nhà bếp múc nước men trong 2 chiếc ghè ra rưới chung với nước đường loãng rồi hì hục nhồi bột. Một lát sau, 2 chiếc bàn ăn đan bằng tre lót lá chuối đã đầy ắp những cục bột tròn như nắm tay trẻ em. Khi những cục bột trên bàn đã nở ra lớn hơn, anh Trung gọi anh em bắt tay vào việc. Những củ mì mua của bà con hôm trước cũng được gọt vỏ, nạo thành những sợi nhỏ như sợi bún, phi dầu hành, nêm gia vị, xào lên thơm phức để làm nhân bánh.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Những cục bột được anh em dùng đoạn le tròn cán dẹt và bỏ nhân bánh vào gói lại. Một chiếc xoong to, lót vào giữa xoong là chiếc vỉ đan bằng le cật. Sau khoảng 15 phút, những chiếc bánh bao nở phồng trong nồi hấp, mở vung ra, hơi bay thơm ngào ngạt.
Buổi sáng hôm ấy, tất cả mọi người trong nhà chỉ huy Trung đoàn vui vẻ, phấn khởi vì được một bữa bánh ngon. Tôi nhẩn nha thưởng thức cái hương vị vừa lạ lẫm vừa đậm đà. Chiếc bánh nở phồng to như cái bát. Bẻ một miếng vỏ bánh màu trắng đục ra mềm xốp, nếm vào có vị ngọt lợ, đưa lên mũi không còn mùi hăng của củ mì. Nhón tay thêm vào nhân bánh, những sợi mì bào đã mềm, quấn chặt vào nhau như những sợi bún, trộn lẫn mùi hành, mùi gia vị, dậy lên một hương vị thơm ngon đậm đà khó tả.
Những ngày sau, anh Trung cũng dùng bột đó nhồi thành hình bầu dục bằng ngón chân cái để cho bột nở ra, chọc chiếc que vào giữa đem hơ lửa nướng thành chiếc bánh mì vàng ươm ngon lành. Sau thì anh tận dụng thùng thiếc đựng mắm đã hết làm lò nướng, xuyên thanh sắt làm tầng, xếp bánh vào trong đốt lửa xung quanh để nướng, chiếc bánh nở phồng, vàng rộm. Những ngày sau này, tôi thường bắt gặp những chiếc bánh bao, bánh mì ăn giữa buổi sáng của bộ đội trên bờ mương. Hỏi thì được biết, sau đợt bánh của anh Trung, Trung đoàn đã phát động các đại đội làm bánh để cải thiện.
Những chiếc bánh mì, bánh bao tuy đơn sơ nhưng cũng nói lên được sự sáng tạo “cái khó ló cái khôn” một thời mà những người lính Cụ Hồ đã sống và làm việc.
AN SINH

Có thể bạn quan tâm