Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Chiếc kang uống rượu của người Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có nhiều yếu tố liên quan đến việc uống rượu cần của đồng bào Bahnar. Mỗi một yếu tố đều chứa đựng giá trị riêng, trong đó, chiếc kang uống rượu là vật nhằm đảm bảo sự công bằng giữa mọi người khi uống rượu.

Rượu cần (rượu ghè) giữ vai trò quan trọng trong đời sống của người Bahnar nói riêng, cộng đồng dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn-Tây Nguyên nói chung. Đây là vật phẩm không thể thiếu trong các nghi lễ truyền thống, trong sinh hoạt hàng ngày, là phương tiện giúp con người chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và trở thành đặc trưng văn hóa được trao truyền qua bao thế hệ.

Rượu được ủ trong những chiếc ghè, khi uống cho nước vào và dùng cần để hút. Người Bahnar uống rượu cần rất công bằng. Bà con thường sử dụng kang để làm thước đo. Khi uống, đổ nước ngang miệng ché, uống hụt đầu kang thì dừng lại, sau đó tiếp tục cho nước vào đầy miệng rồi đến lượt người khác.

Kang dài hay ngắn tương ứng với lượng nước nhiều hay ít tùy thuộc vào người chủ gia đình hoặc thầy cúng (thông thường là già làng) quy định.

Khi uống, khách hay những người không phải là chủ của buổi lễ không được điều chỉnh độ dài, ngắn của kang. Vì như vậy sẽ khiến cho chủ nhà hoặc chủ lễ nghĩ rằng khách không tôn trọng, không hết lòng với gia đình, dân làng.

Già làng Đinh Vút (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) đổ nước vào ché rượu. Ảnh: X.T

Già làng Đinh Vút (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) đổ nước vào ché rượu. Ảnh: X.T

Kang được làm từ tre, gỗ có sẵn trong tự nhiên. Mỗi dịp uống rượu khác nhau, người Bahnar dùng những kang khác nhau. Ví dụ: Kang tơnol được dùng trong các lễ kiêng cữ (các nghi lễ liên quan đến những điều cấm kỵ, bệnh dịch) của làng. Loại kang này được làm từ một thanh tre hoặc gỗ nhỏ, thẳng như chiếc đũa, khi dùng người ta cắm thẳng đứng vào trong ché, lút sâu khỏi mực nước một đoạn, khi uống hút nước lộ đầu kang được tính là 1 kang.

Loại thứ 2 là kang ktonh, được dùng trong các lễ mừng lúa mới, lễ tạ ơn, đám cưới… Loại kang này thường được làm khá cầu kỳ từ một thanh gỗ hoặc tre dẹp bản uốn cong võng ở giữa, 2 đầu cong vút và được tạo hình giống ngọn rau dớn. Kang được gác qua miệng ché, khi uống mực nước rút xuống khỏi độ võng của kang là được.

Loại thứ 3 là kang gơng, thường được dùng trong các dịp có khách đến nhà. Kang được làm từ một thanh tre hoặc gỗ gác ngang qua miệng ché, một thanh tre khác ngắn hơn được gắn ở giữa theo hình chữ thập, đặt 1 trong 2 đầu thanh tre ngắn này quay xuống miệng ché để canh mực nước, khi uống nước trong miệng ché rút hổng qua đầu kang thì được tính là 1 kang.

Đôi lúc, người Bahnar uống rượu không dùng đến kang, mà chỉ canh mực nước ở miệng ché rút xuống lộ lớp lá chèn trên miệng ché cũng được tính là 1 kang. Tùy thuộc vào độ lớn nhỏ của miệng ché để làm kang dài hoặc ngắn cho phù hợp. Sau mỗi đợt uống rượu, chỉ loại kang ktonh được cất giữ cẩn thận để sử dụng cho những lần sau, các loại kang còn lại hầu như chỉ dùng 1 lần.

Các loại cang uống rượu hè của người Bahnar. Ảnh: X.T

Các loại cang uống rượu hè của người Bahnar. Ảnh: X.T

Ứng với các kang trong mỗi dịp uống rượu, người uống rượu hay đúng hơn là thứ tự người uống rượu cũng được quy định một cách rõ ràng. Trong các nghi lễ của làng, thầy cúng là người vít cần uống trước, rồi lần lượt đến bà con dân làng.

Người Bahnar ít khi uống một lần hết cả kang mà hút từng hơi, từng hơi, vừa uống vừa nói chuyện, vừa ăn, nhưng tay vẫn vịn cần, xong lại uống, uống khi nào cạn kang mới dừng lại và rót nước chuyền kang cho người khác.

Đối với không gian gia đình, thứ tự uống được quy định bắt đầu từ người cao tuổi nhất, không phân biệt nam nữ. Trong trường hợp người cao tuổi trong gia đình vì một lý do gì đó mà không trực tiếp tham dự cuộc rượu thì phải rót kang đầu tiên để dành, sau đó mới lần lượt đến những người khác. Uống rượu khi có khách đến chơi nhà thì khách sẽ là người được ưu tiên uống trước.

Ông Đinh Vút (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) cho biết: Việc quy định thứ tự người uống rượu nhằm thể hiện sự tôn trọng, kính trên nhường dưới và đồng thời cũng là thể hiện lòng mến khách của người Bahnar. Trong tất cả các dịp uống rượu, người Bahnar đều tuân thủ nguyên tắc là người uống trước xong phải đổ nước và chuyền kang cho người kế tiếp.

Vượt lên trên giá trị của một thước đo, chiếc kang chứa đựng những giá trị cốt lõi trong truyền thống uống rượu cần của người Bahnar, vừa gắn liền với những nghi thức, luật tục, vừa thể hiện cách ứng xử hài hòa, mến khách và đảm bảo sự công bằng trong việc uống rượu. Dù cầu kỳ hoặc đơn sơ, chiếc kang vẫn luôn tồn tại trong đời sống của mỗi con người Bahnar.

Có thể bạn quan tâm