Bạn đọc

Chiếc khẩu trang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vừa rồi, tôi có ít nhất hai kỷ niệm đáng nhớ liên quan đến chiếc khẩu trang.
Chuyện thứ nhất: Tôi đang ngồi trước màn hình máy tính thì có tiếng chuông ngoài cổng. Ngoái ra và lên tiếng chào thì nhận được câu chào lại: “Chào chú! Có cô ở nhà không ạ?”. Vợ là giáo viên, nghĩ bụng là học sinh đến tìm nên tôi bảo: “Đẩy cổng vào đi cháu. Cô ở trong nhà”. Sau khi khách trao đổi công việc và ra về thì tôi mới biết đó là một cô giáo rất thân quen. Do chiếc khẩu trang che kín khuôn mặt nên tôi không nhận ra. Ôi, thế thì cách ứng xử của tôi lúc nãy bất nhã quá!
Chuyện thứ hai: “Dạo này, chú mày hơi chảnh đấy nhá!”-bà chị vốn thân thiết với tôi có ý trách móc. Chột dạ, tôi hỏi vì sao chị lại đánh giá mình như thế. Hóa ra, nguyên nhân sự việc là do chiếc khẩu trang. Số là trước đó gặp nhau trên đường, chị gật đầu chào tôi. Không rõ là ai nên tôi chỉ gật đầu chào lại mà không có cử chỉ và lời hỏi thăm thân thiện như trước đây. Vậy là bị xếp vào loại chảnh!
Ảnh minh họa: Trần Dung
Ảnh minh họa: Trần Dung
Những mẩu chuyện kể trên có lẽ không chỉ riêng tôi mà nhiều người cũng gặp phải. Từ khi mọi người thực hiện nguyên tắc 5K để phòng-chống dịch Covid-19, trong đó có việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m thì việc giao tiếp trở nên khó khăn, bất tiện. Nhiều trường hợp gật đầu chào nhau nhưng không biết người đối diện là ai. Thậm chí có không ít người bị hiểu nhầm về thái độ ứng xử như trường hợp của tôi chẳng hạn.
Vậy nên, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì mọi người cần thể tất cho những bất tiện không mong muốn khi giao tiếp, ứng xử hàng ngày. Nếu có chuyện cần trao đổi, tâm tình thì người chủ động cần có tín hiệu để người đối diện nhận ra mình. Tất nhiên, khi trò chuyện, hai bên cũng cần nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K để phòng ngừa dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Mai này dịch bệnh bị đẩy lùi thì mọi người sẽ được xích lại gần nhau hơn!
DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm