Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Chiếc ngai vàng của hoàng đế triều Nguyễn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngai vàng là biểu tượng quyền lực của triều đại. Chiếc ngai của hoàng đế triều Nguyễn do các nghệ nhân tài giỏi bậc nhất thời ấy thiết kế, hội đủ các yếu tố tốt lành dành cho hoàng đế và cả triều đình.

 Mặt trời ở lăng vua Khải Định. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh
Mặt trời ở lăng vua Khải Định. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh


Đầu tiên, chiếc ngai vàng trong thiết kế và chế tác được sự xét duyệt và giám sát nghiệm thu chặt chẽ của phủ Nội vụ cùng với Nội các và Thị vệ. Ở bài viết này, tác giả chỉ dám lạm bàn về một vài điểm ở chiếc ngai hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.
 

Ngai vàng của hoàng đế triều Nguyễn.
Ngai vàng của hoàng đế triều Nguyễn.


Sơ bộ về chiếc ngai này cho thấy có thể chia làm 3 phần: trên, giữa, dưới.

Phần trên là hình tượng mặt trời được phối cùng những dải mây cách điệu.

Phần giữa gồm có lưng ngai và tay ngai, trong đó lưng ngai có 2 đồ án trang trí là chữ thọ. Còn tay ngai 2 bên là 2 hình rồng đầu hướng về phía trước trong tư thế đạp mây.

Phần dưới là đế, xung quanh phía trên được trang trí hoa văn chữ vạn cùng những hàng cánh sen và đồ án lưỡng long chầu chữ thọ ở 4 cạnh. Phía dưới, tại 4 chân ngai, mỗi chân là một mặt hổ phù, còn 4 diềm xung quanh thì 2 diềm trước sau mỗi diềm một mặt hổ phù lớn theo kiểu long hàm thọ, 2 diềm 2 bên là 2 chim phượng.

Bí ẩn mặt trời trang trí trên ngai vàng

Nhìn chung toàn cảnh của ngai trông thật uy nghi và vững chãi. Thế nhưng, điều đáng quan tâm nhất ở ngai là hình tượng mặt trời và 2 chữ thọ ở lưng ngai.

Ảnh: Tư liệu của Vũ Kim Lộc
Ảnh: Tư liệu của Vũ Kim Lộc

Chiếc ngai đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế có chất liệu bằng gỗ được sơn son thếp vàng (ảnh). Ngai cao 94 cm, rộng 52 cm, dài 59 cm, năm 1996 được tu sửa sơn son thếp vàng lại, năm 2011 được mang sang triển lãm tại Hàn Quốc. Về niên đại, cho đến nay vẫn chưa có thông tin gì cụ thể. Sự khác nhau giữa chiếc ngai này và ngai vàng ở điện Thái Hòa là ở mức độ… hoành tráng. Ngai vàng ở điện Thái Hòa có kích thước lớn hơn: cao 101 cm, rộng 72 cm, dài 87 cm. Về đồ án trang trí, ngai ở điện Thái Hòa không có hình tượng mặt trời và chữ thọ.


Về mặt trời, điều đáng nói là được đặt ở vị trí cao nhất. Với vị trí này, khi nhà vua ngự tọa, mặt trời sẽ ở trên đầu như vầng hào quang tỏa sáng. Điểm đặc sắc là nó được phối cùng với mây rồi được bố cục trông cũng không khác gì một chiếc ngai với trung tâm là hình mặt trời ngự trị. Điều thú vị nữa, bao quanh mặt trời là các họa tiết xoáy ở chân các tia lửa, rồi phía sau các chân tia là mây có hình cánh hoa và lại có 2 lớp to nhỏ chồng lên nhau trông như 2 lớp cánh. Nhìn chung là giống với trang sức, vừa là mặt trời vừa hoa cúc ở trên mũ miện cũng của hoàng đế triều Nguyễn (các mũ này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia). Riêng về kiểu thức các tia mặt trời và mây cho thấy rất giống với cùng thể loại ở bia tiến sĩ khoa thi hội năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 7 (1847).

Tiếp đến là 2 chữ thọ ở lưng ngai, qua xem xét cho thấy chữ thọ ở trên được viền bằng những dây lá lật kiểu tay mướp rất giống dây lá ở diềm bia tiến sĩ nêu trên. Đặc biệt là giống dây lá ở các hoa cúc bằng vàng trang trí trên hệ thống mũ miện cùng ở triều Nguyễn, và đây có lẽ là dây lá cúc. Còn chữ thọ ở dưới cho thấy có 2 hình dơi cách điệu chầu vào, nhưng vấn đề là ở chỗ chúng được cách điệu từ những dây lá cúc (cúc hóa dơi). Như vậy, chữ thọ ở trên sẽ có đồ án là “cúc cài thọ” mang ý ngĩa trường thọ, còn chữ thọ ở dưới sẽ là đồ án “phúc thọ”.

Nhìn chung, sẽ còn rất nhiều vấn đề ở trên ngai cần được giải mã, như về số lượng rồng trang trí, chim phượng, kích thước, niên đại... Tuy nhiên, với 3 đặc điểm là tia mặt trời, mây và dây lá giống với ở bia tiến sĩ nêu trên cũng cho phép gợi mở đến vấn đề niên đại. Nhưng cũng cần nói thêm là trong tất cả 34 bia tiến sĩ của triều Nguyễn, chỉ bia nêu trên có hoa văn mang tính riêng biệt và gần như là đột phá; kế đến là bia tiến sĩ khoa thi hội năm Mậu Thân, niên hiệu Tự Đức năm thứ nhất (1848), còn có nét tiếp nối nhưng không được giống lắm và đẹp bằng. Còn mặt hổ phù ở ngai cũng đã được đối chiếu với mặt hổ phù trên các trán bia ngự chế, nhất là bia khắc bài thơ ngự chế Quá Hoành Sơn quan của vua Thiệu Trị (ở Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh), nhưng tất cả đều không có nét tương đồng.

Cuối cùng, vấn đề được quan tâm nhất ở đây là: mặt trời được đưa vào trang trí trên ngai mang hàm ý gì? Để trả lời cho vấn đề trên và cũng là lời kết cho bài này, đó là xét về vị trí của mặt trời được đặt ở vị trí cao nhất trên ngai, tất nhiên sẽ được hiểu đây là hình thức tôn vinh để nói lên sự tương ứng giữa mặt trời với ngôi vị của hoàng đế. Điều này cũng giống việc hoàng đế Minh Mạng đã chọn các chữ trong bộ 日 (nhật: mặt trời) làm tự danh cho các vua khi lên nối ngôi. Như vậy, mặc dầu sử sách của triều Nguyễn không có chuyện nào đề cập đến sự liên quan giữa hoàng đế và mặt trời, nhưng với chứng cứ chiếc ngai ở đây và việc vua Minh Mạng chọn chữ trong bộ 日 nêu trên, đã chỉ ra rằng ở triều Nguyễn, mặt trời còn được ngầm hiểu là tượng trưng cho hoàng đế.

Rất có thể ở đây còn liên quan đến câu chuyện mẹ của Hán Vũ đế (vua nhà Hán) sinh ra ông sau khi nằm mơ thấy mặt trời chui vào bụng, nên mặt trời là biểu tượng của đế vương rất được phổ biến (từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, trang 577 - 578). Ngoài ra còn một bằng chứng liên quan đến vấn đề này thật ấn tượng, đó là hình ảnh mặt trời ở lăng vua Khải Định đã được thể hiện trong lúc đang lặn với hàm ý hoàng đế đã băng hà.

Theo Vũ Kim Lộc (TNO)

Có thể bạn quan tâm