Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Chiến dịch Tây Nguyên qua tư liệu của những người ở hai bên chiến tuyến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiến dịch Tây Nguyên là sự khởi đầu hoàn hảo, để chỉ sau đó gần 2 tháng, đất nước ta có “Đại thắng mùa xuân”, kết thúc 21 năm 2 miền bị chia cắt. Sau 49 năm, tư liệu từ nhiều nguồn cho phép chúng ta nhìn lại Chiến dịch Tây Nguyên một cách trọn vẹn hơn.

Cùng với nguồn sử liệu đã công bố, trong bài viết này, chúng tôi sử dụng tư liệu của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp-nguyên Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên; và bên kia là tư liệu của nhà báo Phạm Huấn-người cận kề tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II của chính quyền Sài Gòn trong mùa xuân năm 1975 lịch sử.

Tháng 7-1973, trước tình hình cách mạng miền Nam chuyển biến nhanh chóng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiến hành Hội nghị lần thứ 21 về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn trước mắt”. Những thắng lợi của phong trào cách mạng ở miền Nam cuối năm 1973 đã tạo ra thời cơ mới để đưa cách mạng miền Nam đến những bước ngoặt quyết định. Tháng 10-1974, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta trong 2 năm 1975-1976; thông qua phương án chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công có ý nghĩa chiến lược trong năm 1975.

Cuối tháng 10-1974, Tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Thước được Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên cử ra Hà Nội báo cáo tình hình và nhận chỉ thị của cấp trên.

Sau chiến thắng Phước Long (tháng 1-1975), thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị: “... hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc”, Hội nghị Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tấn công chủ yếu, trong đó, Buôn Ma Thuột là mục tiêu tấn công đầu tiên. Đại tướng Văn Tiến Dũng-Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam được Bộ Chính trị cử vào Tây Nguyên thành lập cơ quan đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên khẩn trương được thành lập do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy.

Trong khi lực lượng của ta khẩn trương chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên thì ở phía bên kia, đầu tháng 11-1974, chính quyền Sài Gòn bổ nhiệm Phạm Văn Phú làm Tư lệnh Quân đoàn II (Vùng II chiến thuật) nhằm rút vị tướng này ra khỏi “cái ổ tham nhũng” (Trung tâm Huấn luyện Quang Trung-lời Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Hương lúc ấy). Tư lệnh Quân đoàn II luôn được mệnh danh là “Tướng Biên Khu”-một nơi khó khăn. Đối với tướng Phú, đây còn là địa bàn lạ lẫm.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa tháo chạy khỏi Tây Nguyên trên đường 7 (ảnh tư liệu).

Quân đội Việt Nam Cộng hòa tháo chạy khỏi Tây Nguyên trên đường 7 (ảnh tư liệu).

Đầu tháng 2-1975, các đơn vị quân chủ lực của ta tăng cường cho Chiến dịch Tây Nguyên đã đến các vị trí tập kết. Ta tiến hành hoạt động nghi binh ngày càng mạnh ở Bắc Tây Nguyên. Thế nhưng, đến giữa tháng 2, Phạm Văn Phú và thuộc hạ của ông ta vẫn nhận định: Nếu quân Giải phóng đánh vào Tây Nguyên thì nơi ấy là Pleiku-đại bản doanh của Bộ Tư lệnh Quân đoàn II. Từ nhận định này, lực lượng chính yếu của Quân đoàn đều được bố trí tập trung ở Pleiku, dù lúc đó cũng có người nhắc tướng Phú hãy chú ý Buôn Ma Thuột.

Từ ngày 4 đến 9-3, quân ta đánh địch trên nhiều địa điểm ở Bắc Tây Nguyên. Ngày 9-3-1975, thế chiến lược bao vây, chia cắt Buôn Ma Thuột đã được quân ta cài xong. Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đánh quận lỵ Đức Lập, căn cứ Núi Lửa, cứ điểm 22 của địch.

Trước tình hình khẩn cấp, Phạm Văn Phú bay từ Nha Trang lên Buôn Ma Thuột, họp với Tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh, các tiểu khu trưởng Buôn Ma Thuột và Quảng Đức từ 12 giờ đến 17 giờ để đánh giá tình hình. Theo lệnh Phạm Văn Phú, Liên đoàn 2 Biệt động quân của mặt trận Kon Tum được đổ bằng máy bay xuống Buôn Hồ ngay chiều 9-3. Khoảng 18 giờ ngày 9-3, Phạm Văn Phú bay từ Buôn Ma Thuột về thẳng Pleiku trong tâm trạng bồn chồn, lo lắng, hút thuốc lá liên miên. Đến 21 giờ, khi nhận được báo cáo Liên đoàn 21 Biệt động quân tăng cường cho mặt trận Buôn Ma Thuột đã được trực thăng bốc từ Bắc Kon Tum thả xuống Buôn Hồ, Phạm Văn Phú mới thở phào và nói một mình: “May ra thì... còn kịp!”.

Từ 1 giờ 55 phút ngày 10-3-1975, quân ta đồng loạt tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Đến 11 giờ ngày 11-3, quân ta đánh chiếm Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, mục tiêu cuối cùng trong thị xã này.

Tư liệu của Phạm Huấn cho biết, theo lệnh của Tổng thống Thiệu, ngày 12-3, tướng Phú quyết định đổ quân tăng viện tái chiếm Buôn Ma Thuột. 8 giờ sáng, một lực lượng trực thăng khổng lồ gồm 46 chiếc HU1B và Chinook được sử dụng để bốc Trung đoàn 45 bộ binh và bộ phận Sư đoàn 23 từ căn cứ Hàm Rồng (Pleiku) sang Buôn Ma Thuột. Ngày 13-3, cuộc đổ quân của địch sang ngày thứ hai. Toàn bộ các phi đoàn trực thăng ở Đà Nẵng và Cần Thơ với khoảng hơn 100 chiếc đủ loại được đưa vào phục vụ hoạt động này. Ngay đợt đầu ngày của ngày 13-3, Bộ Chỉ huy nhẹ của Sư đoàn 23 bộ binh và Trung đoàn 45 được đổ xuống Phước An. Theo lệnh của Sài Gòn, tòa Hành chánh lưu động Buôn Ma Thuột do Đại tá Trịnh Tiếu-Trưởng phòng nhì Quân đoàn II tình nguyện làm Tỉnh trưởng Buôn Ma Thuột cũng được thả xuống Phước An cùng đoàn quân tăng viện tái chiếm Buôn Ma Thuột. Trong cuốn sách của mình, Phạm Huấn viết: Việc bổ nhiệm Tỉnh trưởng Buôn Ma Thuột lần này khá đặc biệt, vì theo dư luận, “giá” để mua chức tỉnh trưởng qua đường dây bà Thiệu, bà Khiêm thường từ 10 đến 20 triệu. Nhưng lần này, ông tỉnh trưởng lưu động may mắn không bị quý bà gửi người đến “thu hụi”.

Việc địch tập trung lực lượng tái chiếm Buôn Ma Thuột không nằm ngoài dự kiến của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên. Từ ngày 12 đến 18-3, quân ta đã đập tan hoàn toàn cuộc phản kích của địch, tiêu diệt toàn bộ Sư đoàn 23-đơn vị được quân đội Sài Gòn suy tôn là “Nam bình, Bắc phạt, Cao nguyên trấn”.

Ở Pleiku, ngày 14-3-1975, tin tức đầu tiên đến với Phạm Văn Phú là Liên đoàn 4 Biệt động quân phòng thủ mặt trận Nam Pleiku đêm hôm trước bị đánh, thiệt hại khá nặng. Từ mờ sáng, phi trường Cù Hanh bị pháo kích. 9 giờ sáng, Phạm Văn Phú nhận được điện từ Văn phòng Tổng thống Thiệu triệu tập khẩn Tư lệnh Quân đoàn II xuống họp tại Cam Ranh. 9 giờ 30 phút, Phạm Văn Phú bay trên chiếc C47 từ Pleiku đi Cam Ranh. Cuộc họp tại tòa Bạch Dinh (Cam Ranh) từ 11 giờ 32 phút đến 13 giờ 29 phút cùng ngày, Phạm Văn Phú được lệnh của Tổng thống Thiệu cho lực lượng quân sự của Quân đoàn II rút bỏ Pleiku và Kon Tum theo đường số 7 (tạo thế bất ngờ) để rút về phòng thủ và bảo vệ những tỉnh đông dân cư vùng duyên hải. Đây là mật lệnh mà từ tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng trở xuống không được biết. Có nghĩa là các lực lượng địa phương quân, các cơ sở hành chính của 3 tỉnh Kon Tum, Pleiku, Phú Bổn vẫn tiếp tục làm việc với các tỉnh trưởng, quận trưởng như thường lệ.

Trong đêm 14 ngày 15-3, Sư đoàn 6 không quân liên tục vận chuyển số sĩ quan và gia đình họ về Nha Trang. Pleiku hỗn loạn. Sáng chủ nhật ngày 16-3, binh lính địch mới được lệnh rút khỏi thị xã.

Về phía ta, chiều 15-3, cơ quan đại diện Bộ Tổng Tư lệnh tại Mặt trận thông báo cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên: “Khả năng địch rút chạy khỏi Kon Tum và Pleiku”. 19 giờ ngày 16-3, đồng chí Văn Tiến Dũng chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên: “Địch đã rút chạy theo đường số 7, tổ chức truy kích ngay”. Đêm 16-3, lực lượng của Sư đoàn 320 đốt nứa khô soi đường, chạy bộ cùng xe cơ giới khẩn trương triển khai địa hình chiến đấu chặn đánh địch trên đường số 7.

Ngày 3-4-1975, toàn bộ Tây Nguyên được giải phóng. Với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Có thể bạn quan tâm