Sống trẻ - Sống đẹp

Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh 2018: Trải nghiệm và trưởng thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hòa cùng không khí chiến dịch thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh cả nước, 169 sinh viên của các trường đại học, cao đẳng đã lên đường thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa giúp bà con dân làng tại 8 điểm khó khăn của tỉnh.
Nhiều phần việc ý nghĩa
Hiện có 5 trường đại học, cao đẳng đang tham gia chiến dịch thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh tại tỉnh ta. Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh có 69 thành viên tham gia chiến dịch tại các xã Ia Hlốp, Ia Ko (huyện Chư Sê), Ia Piar (huyện Phú Thiện). Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai có 40 thành viên tham gia chiến dịch tại các xã Ia Phí, Đak Tơ Ve (huyện Chư Pah), Ia Mơr (huyện Chư Prông). Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh có 25 thành viên tham gia chiến dịch tại xã Ayun (huyện Mang Yang). 15 thành viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai tổ chức chiến dịch tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh. 20 thành viên của Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tham gia tình nguyện tại xã Ia Le (huyện Chư Pưh).
Thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh giúp các em học sinh vùng sâu ôn tập hè. Ảnh: Đ.T
Thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh giúp các em học sinh vùng sâu ôn tập hè. Ảnh: Đ.T
Nhiệt huyết là điều thể hiện rõ nhất ở các sinh viên tình nguyện. Nhiều sinh viên lần đầu đến Gia Lai còn bỡ ngỡ nhưng luôn hào hứng, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các đội tình nguyện đã chủ động liên hệ với chính quyền địa phương lên kế hoạch những phần việc phù hợp với thực tiễn như: làm sân bóng chuyền, sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách, thăm và tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ; dọn dẹp vệ sinh tại các nghĩa trang, phát quang đường làng ngõ xóm, xây dựng điểm vui chơi cho các em thiếu nhi, hướng dẫn người dân xây nhà vệ sinh, tập huấn kỹ thuật canh tác cây điều và cây lúa nước. Ngoài ra, các chiến sĩ còn đảm nhận việc sơn vẽ điểm trường, sửa chữa điện… Một hoạt động sôi nổi khác của các đội tình nguyện là mở lớp ôn tập hè cho thiếu nhi, dạy các kiến thức tin học căn bản nhằm giúp các em vững bước vào năm học mới. Trong mỗi buổi học, sinh viên thường tổ chức những trò chơi tập thể đan xen giữa giờ để tạo hứng thú cho các em. Đặc biệt, một chương trình ý nghĩa trong chiến dịch hè năm nay của đội tình nguyện Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh là tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Phú Thiện với sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng tại TP. Hồ Chí Minh. Sinh viên Nguyễn Thúy Đoan-Chỉ huy trưởng đội tình nguyện Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh-chia sẻ: “Dù thời tiết trong những ngày diễn ra đợt tình nguyện không thuận lợi nhưng chúng em đều cố gắng triển khai các phần việc theo đúng kế hoạch. Đội tình nguyện của trường cũng may mắn đón anh Lê Quốc Phong-Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đến thăm và động viên tinh thần nên các chiến sĩ rất phấn khởi, có động lực để làm việc”.
Đi để trải nghiệm
Thời tiết thất thường ở Gia Lai dường như không làm nản lòng các sinh viên tình nguyện. Dù màu áo xanh tình nguyện có lúc ướt đẫm mồ hôi khi trời hửng nắng và sũng nước khi trời mưa nhưng ai cũng hào hứng, quyết tâm ngay từ lúc bắt đầu chiến dịch. Có chiến sĩ chưa từng quen với công việc nặng nhọc giờ cầm cuốc, cầm xẻng vẫn hăng hái, xông pha. Nhiều bạn không quen với thời tiết nên bị cảm nhưng vẫn nhanh chóng gắng gượng vượt qua. Nhiều bạn trưởng thành hơn khi tham gia chiến dịch, không ít sinh viên của Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh được kết nạp vào Đảng ngay tại nơi tổ chức chiến dịch trước sự chứng kiến của đại diện trường, lãnh đạo Tỉnh Đoàn.
Các sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin TP. Hồ Chí Minh ôn tập hè cho các em học sinh ở xã Ia Le (huyện Chư Pưh). Ảnh: PHAN LÀI
Các sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin TP. Hồ Chí Minh ôn tập hè cho các em học sinh ở xã Ia Le (huyện Chư Pưh). Ảnh: Phan Lài
Tình nguyện, tự lập là bí quyết để trưởng thành. Các bạn trẻ đã tự phân chia công việc, luân phiên nhau đi chợ, nấu ăn. Cũng có những bữa cơm nhão, cơm khê, canh mặn nhưng không hề chi, vẫn rất ngon miệng. Chính nhờ những hoạt động này mà tình cảm giữa các chiến sĩ cũng gắn kết nhiều hơn. Khối lượng công việc mỗi ngày khá nhiều nhưng những nụ cười vẫn nở trên môi của từng chiến sĩ tình nguyện. Sinh viên Huỳnh Ngọc Đủ (Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai) chia sẻ: “Em thấy cuộc sống của bà con ở xã Đak Tơ Ve và Ia Mơr còn khổ lắm. Vì thế, mọi người động viên nhau cố gắng làm việc, hỗ trợ một phần nào đó để giúp bà con bớt khó khăn và tạo niềm vui cho các em nhỏ. Tham gia chiến dịch, em đã có thêm nhiều kinh nghiệm sống bổ ích cho bản thân”.
“Đi bà con nhớ, ở bà con thương”
Lúc mới đến điểm tình nguyện, sự có mặt của các sinh viên đã phần nào gây ra sự tò mò, ngại ngần của dân làng. Nhưng khi chứng kiến những việc làm thiết thực của thanh niên tình nguyện, bà con đã trở nên thân thiện và gần gũi hơn. Không khí ở các điểm tình nguyện cũng rộn ràng bởi tiếng cười nói rôm rả của thanh niên và dân làng, các em nhỏ lúc nào cũng quấn quýt các anh chị sinh viên. Bà con ai cũng vui mừng vì đội tình nguyện đã giúp đỡ nhiều phần việc cho làng nên thường mang tặng những món quà “cây nhà lá vườn” như: bơ, sầu riêng, măng rừng, mít… Bà con còn hỗ trợ các chiến sĩ những vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Khi cả đội cần di chuyển đến địa điểm tổ chức hoạt động tình nguyện, làng còn hỗ trợ xe công nông chở đến tận nơi. Bà Rơ Mah HBlup (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) phấn khởi nói: “Có các cháu đến đây, làng mình vui lắm. Mong rằng những mùa hè sau các cháu sẽ lại tiếp tục về tình nguyện tại xã”.
Những công trình, phần việc ý nghĩa của các đội tình nguyện đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân, được Tỉnh Đoàn Gia Lai ghi nhận. “Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã trực tiếp đến từng địa điểm tình nguyện để xem chỗ ăn, ở của các chiến sĩ đã ổn chưa và kiểm tra tiến độ. Hàng tuần, các đơn vị sẽ trực tiếp báo cáo tình hình công việc, trình bày những khó khăn trong quá trình tình nguyện để Tỉnh Đoàn có phương án hỗ trợ. Những tập thể, cá nhân xuất sắc sẽ được khen thưởng khi kết thúc chiến dịch”-anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn-chia sẻ.
Chiến dịch Mùa hè xanh rồi sẽ kết thúc nhưng những kỷ niệm vui buồn trong những ngày tình nguyện sẽ là hành trang bổ ích để các sinh viên vững vàng tiến bước trong chặng đường sắp tới. Đi tình nguyện để được trải nghiệm và trưởng thành hơn; những công trình, phần việc mang đậm dấu ấn thanh niên sẽ mãi để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân địa phương.
 
* Lê Trung Nam-Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, tham gia chiến dịch tại xã Ayun, huyện Mang Yang: Mùa hè là thời gian nghỉ ngơi sau những ngày học tập căng thẳng, thế nhưng em vẫn thích đi tình nguyện. Nhờ đó, em đã phát huy được những kiến thức học từ nhà trường, có thêm nhiều người bạn mới ở những khoa, những ngành khác nhau, biết cách sống hòa nhập với tập thể và đoàn kết để thực hiện nhiều phần việc thiết thực.
 
* Trần Ngọc Diễm Quyên-Trường Đại học Công nghệ Thông tin TP. Hồ Chí Minh-Chỉ huy trưởng chiến dịch Mùa hè xanh tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh: Sinh ra ở Nha Trang và học ở TP. Hồ Chí Minh, em chỉ biết đến Gia Lai qua mạng internet. Vì vậy, em rất háo hức khi tham gia đợt tình nguyện lần này. Tại đây, chúng em nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương. Đồng thời, được giao lưu với đoàn viên thanh niên của làng, hiểu thêm về văn hóa cồng chiêng đặc sắc của bà con dân tộc Jrai. Thấy được hoàn cảnh khó khăn của bà con, chúng em học được cách cảm thông, chia sẻ và tự hứa sẽ nỗ lực học tập thật tốt, tiếp tục tham gia thêm nhiều chiến dịch tình nguyện để xây dựng đất nước ngày càng phát triển hơn.
Đến nay, các đội thanh niên tình nguyện đã thực hiện được những phần việc trọng tâm như: Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh đã hoàn tất 75 trụ bê tông và đào hố để triển khai công trình “Thắp sáng đường quê” tại xã Ia Piar (huyện Phú Thiện), duy trì 11 lớp ôn tập hè cho hơn 500 học sinh tại 5 điểm trường thuộc xã Ia Ko, Ia Hlốp (huyện Chư Sê) và Ia Piar; tặng 3 dàn máy vi tính cho 3 Đoàn xã nơi đội tình nguyện đóng quân; thăm và tặng quà 30 gia đình chính sách. Trường Đại học Công nghệ Thông tin TP. Hồ Chí Minh đã trồng 400 cây xanh, khai giảng 3 lớp tin học, kỹ năng sống, ôn tập hè cho thiếu nhi xã Ia Le (huyện Chư Pưh). Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tổ chức ôn tập hè cho 40 học sinh; phát quang 1 km đường làng; xây dựng 1 điểm vui chơi cho thiếu nhi trị giá 20 triệu đồng tại xã Ayun (huyện Mang Yang). Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai tập huấn bơi cho 184 thiếu nhi, ôn tập hè cho 48 em ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh. Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai xây dựng 2 điểm vui chơi cho trẻ em ở xã Đak Tơ Ve và xã Ia Phí (huyện Chư Pah); trồng mới 500 cây xanh, đào 3 hố rác, sửa chữa 5 giọt nước cho người dân xã Đak Tơ Ve.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm