Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Chiến hạm Mỹ thách thức Trung Quốc ở Hoàng Sa lần đầu dưới thời Tổng thống Biden

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chiến hạm Mỹ USS John S.McCain ngày 5.2 củng cố quyền đi lại và tự do xung quanh quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, nhằm thách thức yêu sách phi pháp của Bắc Kinh.

 Khu trục hạm USS John S. McCain hoạt động xung quanh quần đảo Hoàng Sa ngày 5.2 - Ảnh: Hạm đội 7
Khu trục hạm USS John S. McCain hoạt động xung quanh quần đảo Hoàng Sa ngày 5.2 - Ảnh: Hạm đội 7


Hoạt động trên của chiến hạm USS John S. McCain được thông báo trên trang web của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ. Đây là đầu tiên hải quân Mỹ thông báo về hoạt động của chiến hạm Mỹ gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc ngang ngược chiếm đóng phi pháp kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hôm 20.1. Trong năm 2020, chiến hạm Mỹ được cho là có hoạt động thách thức Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa như trên ít nhất 4 lần.
 

Một thủy thủ Mỹ quan sát thông qua kính ngắm từ khu trục hạm USS John S. McCain trong lúc chiến hạm này hoạt động xung quanh quần đảo Hoàng Sa ngày 5.2 - Ảnh: Hạm đội 7
Một thủy thủ Mỹ quan sát thông qua kính ngắm từ khu trục hạm USS John S. McCain trong lúc chiến hạm này hoạt động xung quanh quần đảo Hoàng Sa ngày 5.2 - Ảnh: Hạm đội 7


“Các yêu sách biển mang tính bao quát và phi pháp ở Biển Đông tạo ra mối đe dọa đối với sự tự do ở vùng biển này, trong đó có tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và tự do về cơ hội kinh tế đối với các quốc gia ven bờ Biển Đông”, thông báo viết.

Hôm 23.1.2021, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt đã vào Biển Đông để thực hiện các hoạt động an ninh biển, một ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký sắc lệnh ban hành Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh dùng vũ khí chống tàu nước ngoài trong cái gọi là vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này. Luật mới có hiệu lực từ ngày 1.2.2021.

 

Theo VĂN KHOA (TNO)

Có thể bạn quan tâm