Kinh tế

Nông nghiệp

Chiến lược mới giúp hồ tiêu Việt Nam dần khôi phục vị thế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để có thể điều chỉnh được tình trạng khan hàng, thiếu nguyên liệu hồ tiêu cho chế biến và xuất khẩu, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tính đến tình huống nhập khẩu hồ tiêu từ các quốc gia lân cận.

Cây hồ tiêu. (Nguồn: TTXVN)
Cây hồ tiêu. (Nguồn: TTXVN)


Sau nhiều năm biến động đi xuống, năm 2021, ngành hồ tiêu đã có dấu hiệu phục hồi trở lại, tạo động lực và niềm tin cho người trồng tiêu, cũng như ngành hồ tiêu Việt Nam khởi sắc, lấy lại vị thế một trong những hàng hóa xuất khẩu tỷ USD như trước đây.

Trở lại cân bằng cung-cầu

Trước biến động thời tiết và dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021, nhiều người sản xuất hồ tiêu sẽ không thu được sản lượng tiêu như dự tính. Điều này xảy ra đồng loạt tại các khu vực sản xuất hồ tiêu trên cả nước.

Thêm vào đó, đại diện Hiệp hội hạt tiêu thế giới (IPC) chia sẻ ngoài Brazil đang có vụ thu hoạch tiêu trong thời gian này, các quốc gia sản xuất hồ tiêu khác như Indonesia, Ấn Độ lại đang trong tình trạng khan hiếm hàng, nguyên liệu.

Cùng với đó, việc các quốc gia đã ứng phó được phần nào dịch bệnh COVID-19, tiến hành mở cửa trở lại các nhà hàng, quán ăn,… khiến cho lượng tiêu thụ gia vị hồ tiêu tăng vọt. Trong khi đó, nông dân lại giảm sản xuất vì ứng phó dịch bệnh, cụng như ứng phó cắt lỗ khi giá hồ tiêu giảm trong thời gian qua. Hai xu hướng trái chiều là điều khiến ngành hồ tiêu được dự báo sẽ khan hiếm nguồn cung trong năm 2022.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Intimex, cho biết giá hồ tiêu nguyên liệu trong năm 2022 có thể đạt ngưỡng 100.000 đồng/kg, thậm chí có thể cao hơn khi các thị trường trường trên thế giới đồng loạt thu mua để phục vụ cho hoạt động tiêu dùng trở lại của người dân.

Dù giá hồ tiêu khó quay lại thời hoàng kim trong năm 2016, với giá 230.000 đồng/kg, nhưng ngành hồ tiêu Việt Nam kỳ vọng giá hồ tiêu có thể chạm ngưỡng 150.000 đồng/kg. Việt Nam luôn giữ vị thế số 1 về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Chính vì vậy, chỉ cần các doanh nghiệp không bán hàng thì sẽ có thể đẩy giá hồ tiêu tăng vọt. Bởi lẽ, hiện các quốc gia khác cũng đã giảm diện tích sản xuất hồ tiêu, nguồn cung thế giới cũng rơi vào tình trạng khan hàng.

Để có thể điều chỉnh được tình trạng khan hàng, thiếu nguyên liệu hồ tiêu cho chế biến và xuất khẩu, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tính đến tình huống nhập khẩu hồ tiêu từ các quốc gia lân cận.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, cho biết trong năm 2021, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, ngành hồ tiêu Việt Nam đã nhập khẩu nguyên liệu từ Campuchia cao hơn năm 2020 là 111%.

Sản lượng hồ tiêu của các tỉnh biên giới Campuchia, giáp với Việt Nam ước đạt 30.000 tấn/năm. Dù tổng số lượng này chỉ bằng 1/10 sản lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam nhưng cũng có thể giúp các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu tính toán được các đơn hàng trong thời gian tới, trước tình trạng dự báo thiếu nguồn cung hồ tiêu.

Chiến lược mới

Để ngành hồ tiêu dần dần khôi phục trở lại vị thế như trước đây, toàn ngành cần có quy hoạch rõ ràng về diện tích sản xuất, chất lượng, cũng như nắm rõ thông tin sản xuất hồ tiêu của các quốc gia khác, cân bằng được lượng cung cầu, tránh tình trạng sản xuất theo phong trào để rồi chặt bỏ, chuyển đổi như những năm qua.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, sau thời gian dài giảm giá sâu, trong giai đoạn năm 2020-2021, giá hồ tiêu chuyển biến tăng dần từ 48.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg. Tuy mức giá này chưa bằng một nửa so với thời điểm hoàng kim của ngành hồ tiêu nhưng cũng đã khiến ngành hồ tiêu nói chung, người trồng tiêu nói riêng khôi phục được thu nhập từ cây tiêu.

Ông Hoàng Phước Bính, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, chia sẻ để ngành hồ tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới trước tiên, Chính phủ, các bộ ngành và các cơ quan liên quan cần có thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời về diện tích sản xuất của Việt Nam và thế giới, về các khâu chế biến, lưu thông, tiêu thụ để từ đó có thông tin chính thống, giúp cho các thành phần trong ngành hàng biết và có chiến lược phát triển phù hợp.

Đồng thời, ngành hồ tiêu cũng cần sự hỗ trợ kịp thời từ các chính sách của Nhà nước, như các Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành.


 

Thu hoạch hồ tiêu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Thu hoạch hồ tiêu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)


Người sản xuất hồ tiêu có đầy đủ 2 điều kiện cơ bản là kiến thức trồng hồ tiêu, nắm bắt thị trường kịp thời và khả năng đầu tư, chăm sóc hồ tiêu để trồng mới vườn tiêu cũng như tiếp tục chăm sóc vườn tiêu hiện có.

Để có được vườn tiêu khỏe, chất lượng, người trồng tiêu cũng phải nắm bắt kỹ thuật trồng tiêu vững vàng, tránh được những sai sót trong quá trình chăm sóc cây tiêu như: không tái canh trên vườn tiêu cũ đã chết, phải chọn đất phù hợp với sự phát triển của cây hồ tiêu; chọn giống hồ tiêu tốt để hạn chế được bệnh trên cây tiêu, trồng xen canh với loại cây khác để tăng thu nhập trên cùng diện tích, trồng tiêu trên cây trụ sống, đắp mô ở gốc; không nên tạo bồn, phải để cỏ trong vườn tiêu, tưới nhỏ giọt và chăm bón theo hướng hữu cơ sinh học để vườn tiêu khỏe mạnh, bền vững.

Ngành hồ tiêu Việt Nam muốn khôi phục lại vị trí trên thị trường thế giới như những năm trước đây cần yếu tố chính là sự đồng lòng và nắm vững thông tin thị trường của người sản xuất, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Có như vậy, các mắt xích này mới có thể phối hợp nhịp nhàng đưa ngành hồ tiêu phát triển bền vững trở lại.

Theo Hồng Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm