TN - Đất & Người

Chiến thắng Măng Bút - Ký ức khó phai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau 50 năm giải phóng Măng Bút, những ký ức về cuộc chiến luôn còn đọng mãi trong tâm trí những người lính trực tiếp tham gia tại mặt trận đầy gian khó này.

Trực tiếp tham gia vào chiến dịch giải phóng Măng Bút với vai trò là Đại đội trưởng C109, Huyện đội H29, ông Đinh Đầm (sinh năm 1946, hiện đang sống ở thị trấn Măng Đen, Kon Tum) nhớ lại: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, căn cứ địch ở Măng Bút có số lượng quân đông đảo, hệ thống phòng ngự khá kiên cố với nhiều lớp lô cốt, hàng rào kẽm gai, bãi mìn dày đặc.

Tháng 2/1972, quân đội ta tiến hành bao vây, đánh địch ở căn cứ Măng Bút nhưng không thành công; sau đó rút lui để củng cố lực lượng, tìm kiếm yếu điểm của địch để lên kế hoạch cho các trận đánh tiếp theo. Tháng 2/1974, lực lượng của ta bước đầu mở các trận chiến lớn nhằm mục tiêu giải phóng Măng Bút. Các trận chiến giữa ta và địch diễn ra thường xuyên từ tháng 2/1974 đến tháng 8/1974. Quân ta dùng chiến thuật đánh chậm mà chắc, từng bước bao vây, uy hiếp địch ở khu vực sân bay Măng Bút; ngăn chặn thành công đường tiếp tế bằng máy bay quân sự của địch, khiến địch không thể bổ sung lực lượng, lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược. Cùng với đó, pháo của bộ đội ta từ trong rừng bắn thẳng vào trận địa, khiến quân địch hoảng loạn, rút chạy khỏi căn cứ để thoát thân. Đến ngày 20/8/1974, quân ta tiến vào giải phóng hoàn toàn Măng Bút.

Ông Đinh Đầm cùng vợ bày tỏ phấn khởi trước những đổi thay của đất nước. Ảnh: TL

Ông Đinh Đầm cùng vợ bày tỏ phấn khởi trước những đổi thay của đất nước. Ảnh: TL

Ông Đinh Đầm tâm sự: Điểm nhấn trong Chiến thắng Măng Bút là có sự tham gia hiệp đồng tác chiến rất nhịp nhàng giữa các lực lượng, lối đánh du kích nhằm bao vây, tiêu diệt sinh lực địch phát huy hiệu quả. Sau khi giành chiến thắng Măng Bút, bộ đội ta rất vui mừng và phấn khởi. Tuy nhiên, các chiến sĩ nhanh chóng củng cố lại lực lượng, tiếp tục hành quân đến Măng Đen để chiến đấu, hướng đến mục tiêu giải phóng Măng Đen, tạo tiền đề để giải phóng hoàn toàn khu vực phía Bắc Tây Nguyên.

Cùng tham gia chiến dịch giải phóng Măng Bút có ông Đinh Thái (sinh 1952, dân tộc Xơ Đăng), hiện đang ở thôn Rô Xia, xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông). Với chức vụ Trung đội trưởng C9, Huyện đội H29, ông Đinh Thái cùng các chiến sĩ trong đơn vị trải qua nhiều gian khó nhưng vẫn luôn chắc tay súng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Với những đóng góp của mình, ông vinh dự được Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì.

Ông Đinh Thái tâm sự: Tháng 8/1974, đơn vị của tôi băng rừng, từng bước bao vây địch ở căn cứ Măng Bút từ hướng Tây. Khi đó, địch rất sợ lối đánh du kích của ta nên không dám tiến công. Chúng điên cuồng ném bom, bắn pháo để mở vòng vây, nhưng nhờ có rừng cây rộng lớn bao phủ, che chở bộ đội ta nên chiến thuật của địch không thành công. Sau các trận chiến, địch dần mất đi ý chí, nghị lực chiến đấu, rút chạy khỏi căn cứ Măng Bút.

Ông Đinh Thái (bên phải) vinh dự được Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Ảnh: T.L

Ông Đinh Thái (bên phải) vinh dự được Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Ảnh: T.L

Nhớ về chiến thắng Măng Bút, ông A Ní (dân tộc Xơ Đăng, sinh năm 1948, hiện đang sống ở thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, Kon Tum) bồi hồi kể lại: Tôi sinh ra ở làng Đăk Chờ, xã Đăk Ring, huyện Kon Plông. Ngay từ nhỏ, tôi cảm nhận được tình cảm của người dân dành cho bộ đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuộc sống của bà con trong làng khi đó còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, tuy vậy, các hộ dân đã tự nguyện gom góp gạo, bắp, mì để gửi đến các chiến sĩ cách mạng, tất cả vì mục tiêu chung tay giải phóng đất nước, mang lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Năm 15 tuổi, ông A Ní tham gia vào du kích địa phương, nhiệm vụ chính là dẫn đường, bảo vệ cán bộ thuộc Huyện đội H29. Nhờ thông thuộc địa hình trong rừng, ông A Ní nhiều lần đưa các nhóm chiến sĩ cách mạng tránh khỏi bom đạn của kẻ thù, di chuyển đến vị trí tập kết an toàn, sẵn sàng cho chiến dịch giải phóng Măng Bút.

Ông A Ní chia sẻ: Tháng 8/1974, khi Măng Bút giải phóng, tôi và bà con nhân dân rất vui mừng. Chúng tôi càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quyết tâm lao động sản xuất để cung ứng và hỗ trợ nhiều lương thực, thực phẩm hơn cho bộ đội, hướng đến mục tiêu giải phóng hoàn toàn đất nước.

Phấn khởi trước những đổi thay, khởi sắc của đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, những người lính Cụ Hồ tham gia trận đánh Măng Bút năm xưa đang tích cực tuyên truyền các thế hệ con cháu phát huy truyền thống yêu nước, nỗ lực lao động, sản xuất để chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Theo Tấn Lộc (baokontum)

Có thể bạn quan tâm