Xã hội

Chiến trường xưa lưu dấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 18-4, đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thông Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) trong chuyến về thăm chiến trường xưa đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ và Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ.

Tại đây, đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thông Đại đoàn Đồng Bằng gặp lại những người cùng kề vai sát cánh, chia nhau từng nắm cơm, chút nước ít ỏi ngày chinh chiến. Tham dự lễ dâng hương có đồng chí Vũ Mạnh Định-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cùng các tổ chức đoàn thể khác trên địa bàn huyện, lãnh đạo Sư Đoàn 320 cùng đoàn cựu chiến binh. Cùng đi với đoàn còn có những người thân trong lần về thăm lại chiến trường xưa này.

Cựu chiến binh dâng hương tại Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ. Ảnh: T.D

Cựu chiến binh dâng hương tại Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ. Ảnh: T.D

Những chiến công và cả sự hi sinh mất mát trong chiến thắng Chư Bồ (Đức Cơ) vẫn còn hằn in trong tâm thức của những cựu chiến binh ngày ấy. Đây được xem là một trong những chiến công vang dội của Sư đoàn 320.

Trong tài liệu lịch sử của đơn vị nêu rõ: Lúc 16 giờ ngày 18-1-1973 các đơn vị của Sư đoàn 320 đã tiến đánh căn cứ Chư Bồ. Sau gần 2 giờ chiến đấu, bộ đội chủ lực cộng với lực lượng địa phương đã làm chủ trận địa, tiêu diệt 220 tên địch, bắt 37 tên, bắn rơi 4 máy bay, thu 91 súng các loại, 12 máy vô tuyến điện và một số phương tiện chiến tranh khác. Tiếp đó, trong thời gian từ ngày 20 đến 21-1-1973, quân ta tiến công tiêu diệt cứ điểm Đức Cơ.

Hai chiến thắng này đã góp phần rất quan trọng nhằm mở rộng vùng giải phóng, mở thông đường biên giới Việt Nam-Campuchia, tạo thế thuận lợi trên chiến trường Tây Nguyên và góp phần quan trọng trong quá trình thống nhất đất nước (30-4-1975). Để “nhổ” được căn cứ Chư Bồ và cứ điểm Đức Cơ, đã có gần 100 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị anh dũng hy sinh.

Ngày 16-1-2021, UBND tỉnh Gia Lai đã có quyết định xếp hạng di tích Chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ là di tích lịch sử cấp tỉnh. Khu vực di tích có diện tích 594 m2 thuộc thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện biên giới Đức Cơ. Tại đây, Ban Liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng, Sư đoàn 320 đã đầu tư xây dựng Nhà bia di tích lịch sử Chư Bồ-Đức Cơ với diện tích 269 m2, bao gồm các hạng mục như tường bao, nhà bia, bia di tích… Công trình được khánh thành nhân dịp 45 năm kỷ niệm chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ (18/1/1973-18/1/2018). Đây là công trình có ý nghĩa văn hoá, nhân văn sâu sắc lẫn giá trị lịch sử.

Niềm vui gặp lại của các cựu chiến binh. Ảnh: T.D

Niềm vui gặp lại của các cựu chiến binh. Ảnh: T.D

Tại huyện Đức Cơ trong lần trở về này, đoàn cựu binh cũng dành những phần quà thăm hỏi những cựu binh, những hoàn cảnh khó khăn ở 2 xã Ia Kla và Ia Pnôn.

Có mặt từ sáng sớm, ánh mắt ngóng trông của già làng làng Bua là Rơ Châm Trom (82 tuổi, trú tại xã Ia Pnôn) thi thoảng lại nhìn quanh. Ông hỏi: “Có bộ đội Hải đến không?”. Mọi người xác tín với ông là có nhưng có lẽ khi nhìn tận mắt người lính năm xưa, ông mới tin là thật. 2 cựu binh già cùng chiến đấu năm xưa sau mấy mươi năm gặp lại, rưng rưng. Họ nắm chặt tay nhau, giọng ông nghẹn lại, nước mắt chảy trên gương mặt nhăn nheo của thời gian sương gió.

Trong hành trình về chiến trường xưa, đoàn cũng có mặt tại 2 điểm cao Charlie (1015) hay còn gọi là đội Sạc Ly và điểm cao 1049 (Delta) thuộc xã Rờ Kơi và Hơ Moong, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum). Những địa danh nơi họ cùng đồng đội bền gan vững chí, kề vai chiến đấu giành từng tấc đất tổ quốc. Nơi đó, đồng đội của họ đã ngã xuống. Và, trong số trở lại chiến trường xưa, nhiều người đã từng bỏ lại nơi đây một phần xương máu. 2 nhà bia được các cựu binh tâm huyết dựng lên cũng phần nào giải toả những nhớ thương đồng đội nằm xuống nơi đất này khi tuổi mới đôi mươi. Họ nói rằng nén nhang đó cũng thắp cho những tử sĩ ở phía bên kia. Bởi đã thời bình, non sông đã nối liền một dải. Ở đâu cũng là đất nước mình!

Có thể bạn quan tâm