Bạn đọc

Chiêu vay tiền kỳ lạ của đôi vợ chồng giám đốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thượng tá Nguyễn Lộc Oanh-Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Pleiku cho biết: Công an TP. Pleiku đã nhận được nhiều đơn trình báo, tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Phi Hùng và bà Trần Thị Kim Hồng. Hiện Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Pleiku đang thụ lý đơn để giải quyết.

Dùng cả con dấu công ty đi vay tiền

Bà Hoàng Thị Sáu (trú tại phường Phù Đổng, TP. Pleiku) bức xúc làm đơn tố giác trò “ảo thuật” của ông Nguyễn Phi Hùng (SN 1965) cùng vợ là bà Trần Thị Kim Hồng (SN 1971, trú tại phường Hội Thương, TP. Pleiku) để “ẵm” 700 triệu đồng của bà. Theo đó, do quen biết nên giữa tháng 6-2016, vợ chồng ông Hùng ngỏ ý mượn bà Sáu 1 tỷ đồng để đáo nợ ngân hàng. Ngày 20-6-2016, bà Sáu và vợ chồng ông Hùng đã lập giấy mượn tiền và hẹn sau 6 ngày sẽ hoàn trả đủ số tiền gốc cùng tiền lãi như thỏa thuận. Để tạo lòng tin với bà Sáu, ông Nguyễn Phi Hùng còn mang cả con dấu của Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại và Xây lắp Điện Gia Lai-nơi ông Hùng làm Giám đốc để đóng vào giấy mượn tiền.

 

 

Sau khi thỏa thuận, ngay trong ngày 20-6, bà Sáu mang 980 triệu đồng nộp vào tài khoản của bà Hồng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển-Chi nhánh Gia Lai (BIDV Gia Lai); 20 triệu đồng còn lại, bà Hồng bảo “trả lãi trước” cho bà Sáu. Chỉ vài giờ sau, tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Du (TP. Pleiku), bà Hồng trả lại cho bà Sáu số tiền 300 triệu đồng và cho biết ngân hàng đã giải ngân một phần. Thực chất, bà Hồng đã rút toàn bộ số tiền bà Sáu vừa nộp cho chứ không phải BIDV Gia Lai cho vay.

Do nghi ngờ, bà Sáu đến ngân hàng tìm hiểu mới biết chiêu thức “lấy mỡ nó rán nó” của đôi vợ chồng này! Cụ thể, số tài khoản của bà Hồng tại BIDV Gia Lai chỉ mới được lập vào ngày 20-6-2016 và ngay sau khi bà Sáu nộp tiền vào tài khoản này, toàn bộ số tiền đã được bà Hồng rút sạch. Trao đổi với chúng tôi, phía ngân hàng xác nhận sự việc trên là chính xác. “Không những thế, bà Hồng còn nhắn tin cho tôi với nội dung: Tao lừa mày trắng trợn đó mày làm gì được tao, xã hội bây giờ lừa đầy!”-bà Sáu cho biết.

Không chỉ bà Sáu, qua tìm hiểu chúng tôi được biết còn nhiều người là nạn nhân trong trò “đáo hạn ngân hàng” bị vợ chồng ông Hùng chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Đơn cử, vợ chồng ông Hùng “vay” của bà Vũ Thị Hòa (trú tại phường Hoa Lư, TP. Pleiku) 4,5 tỷ đồng để đáo hạn ngân hàng và xây dựng nhà xưởng rồi sau đó mất hút…

Dùng tài sản người khác mang đi thế chấp

Thậm chí cả đồng nghiệp của mình, vợ chồng ông Hùng cũng huy động tiền rồi “lẩn như chạch”. Như ông Phùng Anh Minh (SN 1965, trú tại TP. Pleiku, làm cùng công ty với ông Hùng) góp vốn 400 triệu đồng để làm ăn với ông Hùng. Thế nhưng, sau đó số tiền trên được chuyển vào tài khoản của Công ty TNHH Vạn Thành Hưng (do bà Trần Thị Kim Hồng làm Giám đốc) rồi sử dụng vào việc cá nhân của đôi vợ chồng này. Dù ông Minh nhiều lần yêu cầu rút vốn nhưng ông Hùng, bà Hồng không trả và tìm cách lánh mặt.

Không chỉ dùng thủ đoạn “đáo hạn ngân hàng”, “góp vốn làm ăn”, vợ chồng ông Hùng còn mang cả tài sản của người này thế chấp cho người kia. Sau khi dùng chiêu thức “đáo hạn ngân hàng”, vợ chồng ông Hùng đã “vay” của bà Ngô Thị H. (SN 1962, trú tại TP. Pleiku) số tiền 3,1 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12-2015. Để tạo niềm tin, ông Hùng, bà Hồng đã thế chấp 1 bộ hồ sơ nhà đất lô số L1-32 Tạ Quang Bửu (TP. Pleiku). Tuy nhiên, sau đó ông Hùng, bà Hồng đã đến xin mượn lại hồ sơ lô đất nói trên với lý do làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ), 2 bên có giấy cam kết khi hoàn thành sẽ đưa lại GCN QSDĐ cho bà H. Thế nhưng, chờ mãi không thấy vợ chồng ông Hùng đưa lại GCN QSDĐ như cam kết cũng như trả nợ, bà H. tìm hiểu thì mới biết đôi vợ chồng này đã mang GCN QSDĐ lô đất L1-32 Tạ Quang Bửu thế chấp tại một ngân hàng trên địa bàn TP. Pleiku vào ngày 26-12-2015 để vay 2 tỷ đồng.

Trước tình thế trên, bà H. ráo riết đòi nợ và được vợ chồng ông Hùng hứa hẹn trả nhiều lần trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 10-2016. Thế nhưng, vợ chồng ông Hùng chỉ trả được 60 triệu đồng và tìm cách xin khất. Sau đó, do không trả nợ nên ông Hùng, bà Hồng mang theo bộ hồ sơ góp vốn Dự án làng sinh thái du lịch ven sông tại phường Long Bình (quận 9, TP. Hồ Chí Minh) mang tên Nguyễn Phi Hùng thế chấp cho bà H. và hứa hẹn sẽ sang tên cho bà H.

Oái ăm thay, lần này, bà H. lại dính thêm một cú lừa ngoạn mục. Bởi ngày 7-11 mới đây, 18 người ở Gia Lai, Bình Định, Hà Nội đã làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của ông Hùng liên quan đến hồ sơ góp vốn Dự án làng sinh thái du lịch ven sông tại phường Long Bình nói trên. Theo đó, năm 2008, những người này góp vốn với số tiền 6,75 tỷ đồng cùng ông Hùng để mua nền đất tại dự án nói trên (22 nền) và ủy quyền cho ông Hùng một mình đứng tên ký hợp đồng. Thế nhưng, ông Hùng đã mang toàn bộ hồ sơ góp vốn để thế chấp cho bà H.

Trong đơn tố cáo của những người này đến các cơ quan chức năng, ngoài việc tố cáo ông Hùng mang tài sản của họ đi thế chấp cho người khác thì các bị hại còn cho biết, vào ngày 12-9-2016, vợ chồng ông Hùng đã xin được visa xuất cảnh ra nước ngoài. Thế nên, nhiều nạn nhân giờ đây như ngồi trên đống lửa!

P.V

Có thể bạn quan tâm