Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Chính phủ thành lập Quỹ bảo tồn Di sản Huế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Quỹ bảo tồn di sản Huế là một trong các hạng mục của 6 cơ chế, chính sách đặc thù cho Thừa Thiên-Huế được Quốc hội thông qua. Quỹ quốc gia này do Chính phủ thành lập và giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế trực tiếp quản lý.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị định số 84/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế.

 Việc bảo tồn, trùng tu di sản sẽ thuận lợi hơn nhờ việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế. Ảnh: Bảo Minh/LĐO
Việc bảo tồn, trùng tu di sản sẽ thuận lợi hơn nhờ việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế. Ảnh: Bảo Minh/LĐO


Theo Nghị định, Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ quốc gia do Chính phủ thành lập và giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế trực tiếp quản lý, nhằm huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ.

Quỹ bảo tồn di sản Huế hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

Ngoài ra, Quỹ bảo tồn di sản Huế có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tiền gửi đối với nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước và mở tài khoản tiền gửi đối với nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, 6 nhiệm vụ của Quỹ bảo tồn di sản Huế gồm: Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính của Quỹ theo quy định; tài trợ cho các dự án, đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ; thực hiện chế độ báo cáo, kế toán theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật liên quan; chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, công bố công khai về Quy chế hoạt động, kết quả hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế, báo cáo tình hình thực hiện quỹ theo quy định tại Nghị đinh này và quy định của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Hội đồng quản lý Quỹ bảo tồn di sản Huế gồm có 5 thành viên, gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ là đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế; Phó Chủ tịch và các thành viên còn lại là lãnh đạo Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản lý Quỹ do Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết định.

Về nguồn tài chính của Quỹ gồm: nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (không bao gồm ngân sách của tỉnh Thừa Thiên-Huế); nguồn đóng góp, viện trợ và tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, bao gồm tự nguyện hoặc tài trợ có mục đích; nguồn lãi từ tài khoản tiền gửi (nếu có); nguồn tồn dư Quỹ hàng năm; các nguồn hợp pháp khác (nếu có).

Cùng đó, các nội dung chi của Quỹ: Thực hiện các công trình, hạng mục trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế do nhà nước quản lý và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ; thực hiện các công trình, hạng mục trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế không do nhà nước quản lý; thực hiện các công trình, hạng mục trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế cụ thể theo yêu cầu của bên tài trợ.

G.B

 

Có thể bạn quan tâm