Kinh tế

Doanh nghiệp

Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 7-3, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp đầu năm 2019. Tham dự hội nghị có đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; đại diện các hiệp hội ngành nghề cùng 350 doanh nghiệp, hợp tác xã đại diện cho hơn 5.000 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, tỉnh đã nghiêm túc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; thực hiện nghiêm kế hoạch thanh-kiểm tra doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo nội dung, danh sách đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã phê duyệt và triển khai Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2020; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Kế hoạch phát triển doanh nghiệp đến năm 2020… Từ tháng 9-2018, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh đã đi vào hoạt động, làm đầu mối tập trung để các sở, ban, ngành tiếp nhận và phối hợp giải quyết thủ tục hành chính một cách có hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành trao đổi với các nữ doanh nhân nhân dịp gặp mặt doanh nghiệp đầu năm 2019. Ảnh: Đ.T
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành trao đổi với các nữ doanh nhân nhân dịp gặp mặt doanh nghiệp đầu năm 2019. Ảnh: Đ.T
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên với những kết quả hết sức khiêm tốn. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước, bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, những vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp đã dần được tháo gỡ. Tỉnh cũng mong muốn làm thế nào tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Doanh nghiệp phát triển thì kinh tế trên địa bàn mới phát triển, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động.  
Đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho rằng, cần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vì đây là con đường đem đến sự phát triển bền vững. Do đó, cần giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo điều kiện, môi trường thông thoáng để doanh nghiệp phát triển. Để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó việc xây dựng chính quyền điện tử đã có bước tiến mới. Cụ thể, mạng xã hội Zalo được xây dựng để doanh nghiệp và người dân trao đổi thông tin và làm các thủ tục dịch vụ công trực tuyến. Cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn tỉnh tạo điều kiện hơn nữa, có những cải cách hơn nữa để tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Trong khi đó, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4.893 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng số vốn 89.998 tỷ đồng. Hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn thuộc loại vừa và nhỏ, siêu nhỏ (chiếm đến 97,5%). Toàn tỉnh hiện có 201 hợp tác xã đang hoạt động với 16.584 thành viên, giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.700 người lao động. Trong thời gian qua, việc triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp được quan tâm, công tác cải cách thủ tục hành chính được triển khai tích cực. Cụ thể, thời gian đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đầu tư, làm thủ tục hải quan, thuế… được rút ngắn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đồng hành cùng doanh nghiệp 
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, những nỗ lực của tỉnh trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều rào cản trong quá trình phát triển. Việc ưu tiên phát triển ngành nghề, sản phẩm cạnh tranh; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp chế biến, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương; việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm được doanh nghiệp triển khai tích cực nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính, vốn vay, thuế, chi phí doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, các vấn đề liên quan đến việc giải quyết pháp lý cho doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… vẫn đang là những điểm nghẽn ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Sen (thứ 2 từ phải qua)-Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh trò chuyện với các nữ doanh nhân thành đạt. Ảnh: Đ.T
Bà Nguyễn Thị Sen (thứ 2 từ phải qua)-Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh trò chuyện với các nữ doanh nhân thành đạt. Ảnh: Đ.T
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, mục tiêu của tỉnh là bứt phá trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ. Do đó, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp, nhanh chóng chuyển từ quản lý hành chính cứng nhắc sang mô hình phục vụ, kiến tạo cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; phải công khai đầy đủ, kịp thời thông tin về quy hoạch, kế hoạch của địa phương, các quy định thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp cũng như quá trình xử lý, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Đồng thời, phải công khai minh bạch các quy định về lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức đấu thầu, góp phần tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trên địa bàn tới các thị trường trong và ngoài nước. Triển khai thực hiện các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, trao đổi sản phẩm hàng hóa giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong nước và quốc tế; xây dựng chuỗi phân phối sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, người tiêu dùng.
 
* Bà Bùi Thị Quy-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Thương mại Chế biến Nông-Lâm sản Đường Vạn Phát: 
Hiện nay, các nhà máy đường ở một số tỉnh lân cận xảy ra tình trạng cạnh tranh nguồn nguyên liệu. Nếu doanh nghiệp không đủ vốn liên tục để nhập nguyên liệu thì chắc chắn không có nguồn hàng để đưa vào sản xuất. Vì vậy, chúng tôi rất mong được vay vốn để dự trữ nguồn hàng, ổn định sản xuất. Khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sẽ mang lại nguồn thu ngân sách cho địa phương, tạo việc làm ổn định cho người lao động tại địa phương.
 
* Ông Lingaiah Veluswamy-Giám đốc Công ty Trường Thịnh Olam: 
Công ty đã trồng được hơn 110 ha hồ tiêu tại huyện Chư Pưh. Mục tiêu của Công ty là xây dựng cánh đồng lớn sản xuất hồ tiêu quy mô 300 ha tại xã Ia Hrú, Ia Le và thị trấn Nhơn Hòa với quy trình kỹ thuật theo hướng nông nghiệp bền vững, thông qua hình thức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, trước tình hình sâu bệnh ảnh hưởng đến sản xuất, Công ty đang nỗ lực và rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương để ổn định sản xuất và tạo việc làm cho người dân.
 
* Ông Hoàng Văn Trung-Phó Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức: 
Công ty rất mong muốn tỉnh ban hành, hướng dẫn các chính sách liên quan đến đầu tư, trong đó có chính sách hỗ trợ đối với dự án về đất đai, hạ tầng, đào tạo nhân lực. Những vướng mắc trong việc cấp giấy phép, các thủ tục đầu tư dự án nếu được giải quyết kịp thời sẽ tạo cho doanh nghiệp có nhiều cơ hội để thực hiện dự án, phát triển quy mô hoạt động.
 THẢO NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm