Kinh tế

Doanh nghiệp

Chính sách kinh tế được dư luận quan tâm có hiệu lực từ tháng 1/2024

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một số hàng hóa được giảm thuế giá trị gia tăng 2% chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2024; từ ngày 15/1, Việt Nam áp dụng quy định mới về phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ.





Giảm thuế VAT sẽ tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu. Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Giảm thuế VAT sẽ tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu. Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức

Một số hàng hóa được giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%

Hàng hóa, dịch vụ, trừ một số nhóm như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, được giảm VAT 2% kể từ ngày 1/1 đến giữa năm 2024.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết trước đó của Quốc hội. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ, sẽ được duy trì mức thuế VAT ưu đãi 8% (tức giảm 2%) đến giữa năm sau. Tuy nhiên, một số mặt hàng gồm: viễn thông; tài chính - ngân hàng; chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản; kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than) không thuộc nhóm được ưu đãi thuế.

Cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ (người nộp thuế sẽ không trực tiếp đi nộp mà tiền thuế sẽ được trừ vào thu nhập hoặc chi phí mua hàng của người nộp thuế) được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định.

Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% trên tỷ lệ % để tính thuế khi xuất hóa đơn.

Bộ Tài chính ước tính, việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng. Như vậy, đây là năm thứ 3 Quốc hội, Chính phủ quyết định giảm thuế VAT hỗ trợ nền kinh tế, tăng kích cầu tiêu dùng.

Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Nhật Bản có gần 5.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 70 tỷ USD. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN.
Nhật Bản có gần 5.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 70 tỷ USD. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN.

Từ ngày 1/1, Việt Nam chính thức áp thuế tối thiểu toàn cầu và Quốc hội giao Chính phủ trong năm nay nghiên cứu lập Quỹ hỗ trợ đầu tư lĩnh vực công nghệ cao. Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại các Tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế.

Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Tức là ưu đãi về thuế của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp ngoại sẽ không còn tác dụng nên có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Trong khi đó, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chưa được sửa đổi nên các tập đoàn đa quốc gia đầu tư mới vào Việt Nam sẽ bị điều chỉnh bởi Luật TNDN và Nghị quyết này. Tức là, với nhà đầu tư nước ngoài tới đây khi vào Việt Nam vẫn được hưởng ưu đãi giảm thuế, sau đó họ phải nộp lại khoản ưu đãi giảm thuế này, và có thể được hỗ trợ bổ sung ngoài thuế.

Quốc hội đã giao Chính phủ năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác nhằm ổn định môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong một số lĩnh vực cần khuyến khích.

Tuy nhiên về lâu dài, Chính phủ cần đánh giá tổng thể các chính sách ưu đãi thuế hiện nay và sớm sửa Luật thuế TNDN cùng với phương án điều chỉnh hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế.

Quy định mới về phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1.

Phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua hoặc lựa chọn ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý phân phối và thanh toán trái phiếu Chính phủ (đại lý phân phối) cho đối tượng mua.

Giá dịch vụ khám chữa bệnh, tự chủ trong cơ sở y tế

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) hiệu lực từ ngày 1/1, cho phép cơ sở y tế được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, phát triển các hoạt động chuyên môn và phục vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bệnh viện được quyết định mức thu dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, trừ trường hợp do Nhà nước định giá.

Bệnh viện cũng được quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám chữa bệnh; được quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh nhưng không vượt quá giá do Bộ trưởng Y tế quy định, trừ giá dịch vụ theo yêu cầu và giá hình thành từ hoạt động hợp tác công tư.

Về giá dịch vụ khám bệnh, Bộ trưởng Y tế phối hợp Bộ trưởng Tài chính quy định phương pháp định giá với dịch vụ khám, chữa bệnh. Bộ trưởng Y tế quy định giá dịch vụ thuộc danh mục Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, giá dịch vụ do ngân sách nhà nước thanh toán, giá dịch vụ không phải do BHYT thanh toán cũng không phải dịch vụ theo yêu cầu.

Cho phép đấu thầu tập trung thuốc hiếm

Luật Đấu thầu (sửa đổi) hiệu lực từ ngày 1/1, bổ sung quy định có thể mua sắm tập trung với thuốc hiếm, thuốc cần mua số lượng ít, nhằm bảo đảm khả thi trong đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp.

Trường hợp hàng hóa thuộc danh mục tập trung nếu đáp ứng điều kiện, được áp dụng hình thức đàm phán giá. Luật thông qua cũng bổ sung quy định, nhiều cơ quan, tổ chức có nhu cầu mua sắm cùng loại, có thể gộp thành gói thầu để một cơ quan mua sắm tập trung. Mua sắm tập trung phải qua đấu thầu rộng rãi. Hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng cần mua để phòng, chống dịch bệnh, được chỉ định thầu.

Luật cũng bổ sung quy định cho bệnh viện có thể lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế. Bên trúng thầu chịu trách nhiệm cung cấp hóa chất, thiết bị y tế, nhưng chỉ được chuyển giao quyền sử dụng, không được chuyển giao quyền sở hữu thiết bị y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh. Luật cũng quy định thời hạn thực hiện sẽ theo hợp đồng nhưng không quá 5 năm.

Đây là phương thức mới được đưa vào luật để khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện mua hóa chất gắn với "máy đặt, máy mượn", đảm bảo tính khả thi, minh bạch, hiệu quả trong thực hiện. Ngoài ra, thời hạn áp dụng 5 năm là phù hợp với thực tiễn, đủ đảm bảo thời gian để chuyển sang hình thức khác công khai, minh bạch hơn.

Có thể bạn quan tâm