Kinh tế

Doanh nghiệp

Chính sách miễn giảm thuế - "cần câu" để doanh nghiệp, cá nhân vực dậy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Các chuyên gia đánh giá, việc miễn giảm các loại thuế, phí thời gian qua có thể tạo nguồn lực tài chính để doanh nghiệp, cá nhân duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021.

Việc miễn giảm các loại thuế, phí có thể tạo nguồn lực tài chính để doanh nghiệp, cá nhân duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. (Ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại). Ảnh: Hải Nguyễn
Việc miễn giảm các loại thuế, phí có thể tạo nguồn lực tài chính để doanh nghiệp, cá nhân duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. (Ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại). Ảnh: Hải Nguyễn


Theo đó, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã có nhiều đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành nhằm triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ liên quan đến các loại thuế, phí.

Sẽ gia hạn nhiều loại thuế, phí

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng thực tế cho thấy, diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc ở trong nước và trên thế giới. Tình trạng sụt giảm doanh số và các giao dịch thương mại bị gián đoạn dẫn đến doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong cân đối nguồn tài chính để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ của nhà nước thông qua cơ chế giãn, hoãn nộp các khoản thuế phát sinh sẽ giúp các DN, cá nhân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở đó, mới đây, Bộ Tài chính đã có tờ trình trình Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Đối với thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng. Dự kiến, số thu ngân sách của các tháng đó giảm khoảng 68.800 tỉ đồng.

Đối với thuế thu nhập DN, đề nghị gia hạn 3 tháng. Ước tính, số thuế thu nhập DN được gia hạn khoảng 40.500 tỉ đồng. Dự kiến, số thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn là khoảng 1.300 tỉ đồng.

Đối với các hộ, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 trong các ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn.

Đối với tiền thuê đất, bộ đề nghị gia hạn đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng được giảm. Dự kiến, số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.400 tỉ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021 không giảm do các DN và hộ cá nhân kinh doanh phải nộp đủ số thuế được gia hạn trước ngày 31.12.2021.

Chia sẻ với PV Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói rằng, trong bối cảnh việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách có nhiều yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen, việc đề ra những giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cho cộng đồng DN, đảm bảo an sinh xã hội là rất cần thiết. Đây cũng là “cần câu” để DN, cá nhân vực dậy trong thời điểm khó khăn.

Tuy nhiên, vị này cho rằng, cần tăng cường công tác thẩm định đối tượng hộ kinh doanh được hưởng chính sách hỗ trợ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện, không để lợi dụng để trục lợi chính sách, tham ô, tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, ngay từ đầu năm 2021, ngành Thuế đã chủ động nắm bắt kịp thời mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình thu NSNN. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế tiếp tục tăng cường công tác đánh giá tác động của COVID-19 đến hoạt động của các DN đến tình hình thu NSNN tại cơ quan thuế các cấp.

Đồng thời, Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế địa phương tiếp tục khẩn trương thực hiện rà soát toàn bộ người nộp thuế (NNT) trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch của dịch COVID-19; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sản xuất - kinh doanh của NNT thuộc phạm vi ảnh hưởng; đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng đến từng ngành, lĩnh vực, từng NNT; tổng hợp mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến thu ngân sách.

Đặc biệt, ngay từ tháng 2.2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, ngành Thuế đã kích hoạt và đưa vào vận hành 479 kênh thông tin hỗ trợ NNT thống nhất từ Tổng cục Thuế đến 63 cục thuế trên cả nước và 415 chi cục thuế.

Để tiếp tục thực hiện cải cách hệ thống thuế, cũng như đồng hành hỗ trợ DN, NNT vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2021, Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo các cục thuế địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ NNT. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đẩy mạnh quản lý thuế theo rủi ro, từ đó hỗ trợ NNT ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục triển khai trên diện rộng ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, từ đó đẩy mạnh công tác hiện đại hóa ngành Thuế. Đồng thời, ngành Thuế tập trung cải cách quản lý thuế, cắt giảm thủ tục hành chính thuế, mạnh dạn đề xuất các giải pháp đột phá, giảm thiểu khó khăn và tạo thuận lợi nhất cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài sớm vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, khôi phục sản xuất - kinh doanh.

https://laodong.vn/kinh-te/chinh-sach-mien-giam-thue-can-cau-de-doanh-nghiep-ca-nhan-vuc-day-882281.ldo
 

Theo Cao Nguyên (LĐO)

Có thể bạn quan tâm