Du lịch

Tin tức

Chính sách mới cho du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phải đi trước một bước để ngành du lịch phát triển xứng với tiềm năng và đúng hướng.

Nghị quyết 01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 vừa được ban hành với nhiều kỳ vọng. Với riêng ngành du lịch, để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, rất cần động lực mới từ việc kiến tạo cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).

Không thể chậm chân hơn

Sự thành công của du lịch nội địa trong năm 2022 với trên 101 triệu lượt khách, vượt mức trước dịch COVID-19, cho thấy nhận định về xu hướng phục hồi là đúng. Từ dự báo nhu cầu tăng trở lại cao cùng sức nén lớn, ngành du lịch đã mở cửa sớm từ tháng 3-2022 trong bối cảnh Việt Nam chuyển từ chống dịch sang thích ứng linh hoạt. Tuy nhiên, đa phần khách du lịch nội địa có nhu cầu tự phát, nếu không được "nắn dòng" sẽ phát sinh nhiều mặt tiêu cực như: ô nhiễm môi trường, chi tiêu ít, chất lượng chuyến đi không cao, tính bền vững thấp...

Với thị trường khách quốc tế, năm 2022, ngành du lịch đón 3,66 triệu lượt khách đến, đạt khoảng 70% chỉ tiêu đề ra. Con số thể hiện sự nỗ lực rất lớn nhưng nếu so sánh với một số nước bạn như Thái Lan, Singapore... đều đạt chỉ tiêu đón khách quốc tế thì rõ ràng chúng ta mở cửa sớm nhưng không về đích. Ngay cả khách outbound (du lịch nước ngoài) cũng vẫn khó khai thác dù nhu cầu rất lớn sau mấy năm bị kìm hãm bởi dịch COVID-19, mà đôi khi chỉ bởi câu chuyện trục trặc hộ chiếu.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách chung của nhà nước. Nếu chính sách lạc hậu thì ngành du lịch sẽ tụt hậu. Sự thay đổi chính sách hiện rất chậm dù DN liên tục kiến nghị. Chính sách visa vẫn giữ nguyên từ thời điểm Việt Nam mở cửa du lịch hồi tháng 3-2022 đến nay trong khi diễn biến thị trường, nhu cầu của khách thay đổi rất nhanh. Tại sao cứ giữ quy định khách chỉ được lưu trú 15 ngày cho một lần nhập cảnh trong khi các nước trong khu vực đã cho phép lưu trú 60-90 ngày, thậm chí đến 6 tháng, để thu hút khách đến và ở lại lâu hơn? Đây thật sự là điều đáng tiếc! Việc đón khách quốc tế năm 2022 chậm dẫn tới ngành du lịch trong năm 2023 mất lợi thế, cơ hội và tốc độ tiếp cận bởi nhiều nước xung quanh đã chiếm lĩnh thị trường. Cần nghiêm túc, thẳng thắn rút kinh nghiệm cho năm nay cũng như thời gian tới.

Không riêng khó khăn trong thủ tục visa, hoạt động xúc tiến du lịch của Việt Nam ở nước ngoài cũng rất chậm và ít. Năm ngoái, Việt Nam chỉ có một đợt xúc tiến quảng bá du lịch ở nước ngoài, cụ thể là tại Anh. Xúc tiến du lịch bao gồm rất nhiều nội dung, trong đó có "chuyến đi kỹ thuật" - những chuyến đi thường xuyên, liên tục để "nhắc" du khách nhớ tới du lịch Việt Nam và cung cấp thông tin về tình hình thị trường, những điều chỉnh chính sách. Sự kiện truyền thông được ví như con sóng, sóng sau đè sóng trước. Vì vậy, nếu không thường gợi nhớ, nhắc nhớ, khách sẽ quên. Đáng buồn là chúng ta đang rất thiếu những hoạt động này. Về phía DN, vai trò tự quảng bá cũng hạn chế bởi khó khăn về tài chính cùng nhiều vấn đề khác. Chúng ta dự hội chợ quốc tế quá ít, làm sao cạnh tranh với các điểm đến khác?

Một vấn đề khác là cơ quan ngoại giao ở nước ngoài kiêm nhiệm nhiều công việc, trong khi chưa có tham tán du lịch. Mô hình Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp có thể được xem như cơ quan xúc tiến du lịch với điều kiện được đầu tư xứng tầm.

Đoàn khách của công ty du lịch khởi hành du xuân dịp Tết Quý Mão 2023. Ảnh: Bình An

Đoàn khách của công ty du lịch khởi hành du xuân dịp Tết Quý Mão 2023. Ảnh: Bình An

Đổi mới chính sách

Như đã nói trên, cả 3 thị trường du lịch nội địa, quốc tế và du lịch nước ngoài đều đang tồn tại nhiều điểm nghẽn cần giải quyết.

Về nút thắt visa, hiện rất cần một công văn liên tịch giữa Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao để tháo gỡ. Chính sách về visa điện tử cũng cần đột phá hơn nữa. Bộ Công an thông tin hiện mỗi ngày có khoảng 2.000 hồ sơ xin cấp visa điện tử được giải quyết. Như vậy, một năm tối đa giải quyết 730.000 - 750.000 lượt cấp visa điện tử, chưa đạt 1/10 mục tiêu khách quốc tế đến. Cần đẩy mạnh cấp visa cửa khẩu; miễn visa có thời hạn cho từng thị trường trọng điểm cụ thể, trong từng thời gian cụ thể - chẳng hạn trong 3 tháng, để tạo cú hích mạnh mẽ cho hoạt động đón khách quốc tế. Thương trường như "chiến trường", khách không đứng ở cửa để chờ mình mở. Cần quyết liệt đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách thu hút khách du lịch cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt đi du lịch nước ngoài bằng hộ chiếu mới.

Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao cũng cần phối hợp giải quyết điểm nghẽn xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chúng ta không thể không có cơ quan xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Trong khi chờ đợi thay đổi ở Luật Ngoại giao, có thể đẩy mạnh mô hình trung tâm văn hóa ở nước bạn để khai thác tiềm năng quảng bá, xúc tiến du lịch.

Nhiều ý kiến cho rằng DN cần đóng góp kinh phí tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch. Đề xuất này có phần hợp lý song mức độ đóng góp của DN chỉ có hạn. Mục tiêu xúc tiến du lịch quốc gia không thể thực hiện bằng ngân sách của mỗi DN mà cần được chi trả bằng ngân sách nhà nước. Quốc gia có mục tiêu chung và mỗi DN có mục tiêu riêng trong hoạt động xúc tiến du lịch.

Củng cố "sức khỏe" doanh nghiệp

Du lịch Việt Nam đã chậm chân so với các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á và hiện chỉ còn kỳ vọng vào thị trường Đông Bắc Á. Trong đó, Trung Quốc là thị trường khách tiềm năng của Việt Nam trong khoảng tháng 3 đến hết tháng 10-2023. Chính phủ và cơ quan quản lý ngay từ bây giờ cần chủ động xây dựng chiến lược, chính sách để đón dòng khách này. Đừng thấy một vài DN đón được vài chục khách Trung Quốc đến mà nghĩ khách sẽ tự vào! Thể chế, cơ chế và chính sách phải đi trước; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch phải quyết liệt song song với chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu.

Rất nhiều DN, nhiều khách sạn đã mở cửa hoạt động nhưng công suất chỉ đạt 60%-65%. Không ít khách sạn vẫn đóng cửa trong dịp Tết này vì nhiều nguyên nhân, mà một nguyên nhân quan trọng là thiếu nguồn nhân lực. Do đó, cần tổ chức lại nguồn nhân lực của khối sản xuất, du lịch và dịch vụ bởi nếu không tổ chức sớm sẽ không thể điều tiết dòng khách, thị trường theo một dòng chảy đúng hướng.

Quan trọng hơn cả trong lúc này là củng cố sức khỏe của DN, nhất là về tài chính và lực lượng lao động. DN du lịch cần vốn rất lớn mới có thể hoạt động sau 2 năm kiệt quệ vì dịch COVID-19. Họ cần vốn để giữ được thị trường, lượng khách; tái tạo hoạt động và có nguồn thu trở lại. Trong năm 2022, nhà nước đã đưa ra một số chính sách hỗ trợ nhưng hầu như DN không tiếp cận được. Năm nay, chính sách hỗ trợ về vốn tín dụng, lãi suất, thuế, phí... cần được thay đổi theo hướng dễ tiếp cận hơn, nếu không muốn DN mất động lực.

Du lịch và hàng không giống như 2 cánh của chiếc máy bay, nhất là trong thu hút khách du lịch quốc tế. Nếu du lịch không phục hồi sẽ rất khó để hàng không bứt phá và ngược lại. Thực tế là 5 hãng hàng không của Việt Nam đều đang lỗ và sức khỏe tài chính rất yếu. Dòng tiền hiện tại chỉ đủ duy trì hoạt động kinh doanh, rất khó để tính tới việc chiếm lĩnh đường bay. Đây là vấn đề rất lớn, có tính hệ quả. Nếu có cơ chế hỗ trợ hàng không phục hồi thì cũng góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Theo tôi, có thể nghiên cứu cơ chế hoàn thuế GTGT cho lĩnh vực hàng không, du lịch để tạo trợ lực mạnh mẽ, giống như chính sách hoàn thuế GTGT cho lĩnh vực thương mại vẫn được áp dụng lâu nay.

Tại Nghị quyết 01/2023, Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tập trung khai thác thị trường khách du lịch truyền thống; tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi về xuất nhập cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế; tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở đường bay mới, đường bay trực tiếp kết nối với thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng. Đồng thời, có giải pháp phù hợp hỗ trợ DN du lịch trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực...

Có thể bạn quan tâm