Du lịch

Hành trang lữ hành

Chính sách thông thoáng hơn có giúp du lịch Việt tạo sự khác biệt?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ cũng như chính sách visa thông thoáng mà Quốc hội mới ban hành sẽ mở ra cơ hội phát triển mới. Song, để tăng tốc phát triển, du lịch Việt cần nhiều hơn thế.
Đà Lạt là điểm dừng chân yêu thích của không những khách nội địa mà ngày càng hấp dẫn đông du khách quốc tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)






Đà Lạt là điểm dừng chân yêu thích của không những khách nội địa mà ngày càng hấp dẫn đông du khách quốc tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chính sách thị thực thông thoáng mà Quốc hội vừa thông qua ngày 24/6 vừa qua thực sự khiến không khí du lịch Việt sôi động hơn hẳn, các doanh nghiệp hào hứng, hồ hởi đón nhận tin vui.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng gần như ngay lập tức ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững thời gian tới. Dẫu vậy, lãnh đạo ngành thừa nhận du lịch nước nhà vẫn còn đó nhiều khó khăn.

Đòn bẩy để tháo gỡ những "điểm nghẽn"

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình đánh giá chính sách visa mới mà Quốc hội vừa thông qua là động lực quan trọng cho du lịch Việt Nam phát triển. Song, chính sách mới ban hành cũng chưa thể ngay lập tức mang đến lượng khách tăng vọt được.

Bởi du lịch vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn mới có thể triển khai luật mới sửa đổi cũng như cần chuẩn bị truyền thông, quảng bá về những đổi mới này tới các thị trường khách, xây dựng sản phẩm mới phù hợp với từng thị trường trọng điểm… Quá trình này sẽ kéo theo độ trễ trong tăng trưởng lượng khách đến. Nhưng dẫu vậy, theo các chuyên gia trong ngành nhận định, điều quan trọng là chính sách mới sẽ mở ra cho du lịch một giai đoạn khởi sắc, trong 5 năm tới lượng khách sẽ tăng cao.

Nếu “miếng trầu là đầu câu chuyện” như nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam thì visa trong du lịch theo cách ví của ông Vũ Thế Bình là "chính sách visa thông thoáng giống như lời mời du khách đến với Việt Nam. Câu chuyện sau đó mới là quan trọng, khách đến sẽ thưởng thức gì, sản phẩm du lịch có gì mới thú vị, họ có cảm thấy thích thú để chi nhiều tiền, ở lâu không…? Đó mới là mục tiêu thực sự của ngành du lịch.”

Giám đốc điều hành AZA Travel, ông Nguyễn Tiến Đạt. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Giám đốc điều hành AZA Travel, ông Nguyễn Tiến Đạt. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Câu trả lời là trách nhiệm đó thuộc về cấp quản lý ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch và những người cung cấp dịch vụ. Du lịch cũng không thể “đơn thương độc mã” trên hành trình này, mà cần các ngành nghề liên quan cùng đồng hành để khai thác tốt nhất những lợi thế mà chính sách mới mang lại.

Giám đốc điều hành AZA Travel, ông Nguyễn Tiến Đạt, cho rằng việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (trong đó đồng ý kéo dài thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày, có hiệu lực từ ngày 15/8/2023), chính là “đòn bẩy” để tháo gỡ những “điểm nghẽn” của ngành, góp phần thu hút du khách quốc tế.

Theo ông Đạt, chính sách visa “dễ thở” sẽ kéo du khách nước ngoài đến Việt Nam ngày càng đông, trong đó khách quốc tế thường chọn Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... làm nơi dừng chân trên hành trình khám phá Việt Nam.

“Do những điểm đến này nắng ấm, thuận tiện cho việc di chuyển sang các quốc gia khác lân cận đồng thời là các địa phương có lượng phòng lưu trú lớn, mức giá thuê phòng và chi phí sinh hoạt hợp lý,” ông Đạt nói.

Trong khi đó, CEO Lux Group, ông Phạm Hà cho rằng yếu tố để hấp dẫn khách quốc tế hậu câu chuyện visa chính là giá trị văn hóa khác biệt, hãy mang đến cho văn hóa bản địa một đời sống mới thông qua du lịch.

Một trong những yếu tố để hấp dẫn khách quốc tế hậu câu chuyện visa chính là giá trị văn hóa, ẩm thực, di sản khác biệt. Hãy mang đến cho du lịch một đời sống mới thông qua những giá trị bản địa độc đáo đó. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Một trong những yếu tố để hấp dẫn khách quốc tế hậu câu chuyện visa chính là giá trị văn hóa, ẩm thực, di sản khác biệt. Hãy mang đến cho du lịch một đời sống mới thông qua những giá trị bản địa độc đáo đó. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

“Bốn thế mạnh nhất của du lịch Việt Nam là văn hóa, thiên nhiên, con người và ẩm thực. So với các nước trong khu vực, tôi nghĩ chúng ta nên lấy văn hóa làm thế mạnh cũng như động lực phát triển du lịch; tạo ra những sản phẩm mới từ gia tài văn hóa khác biệt và giá trị di sản nổi trội để du khách tìm hiểu, khám phá những nét đẹp độc đáo của chúng ta. Tôi cho rằng ngành du lịch có thể định vị văn hóa di sản là thương hiệu quốc gia để thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam,” ông Hà chia sẻ.

Cần tổng hòa các giải pháp đồng bộ

Nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi, tạo đột phá trong phát triển du lịch cũng như khắc phục những bất cập của ngành, Thứ Trưởng Đoàn Văn Việt cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhanh chóng ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP.

Kế hoạch hướng tới mục tiêu phát triển trọng tâm, trọng điểm cho ngành du lịch theo tiêu chí “Sản phẩm đặc sắc-Dịch vụ chuyên nghiệp-Thủ tục thuận tiện, đơn gian-Giá cả cạnh tranh-Môi trường vệ sinh sạch, đẹp-Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì thực hiện các nhóm nhiệm vụ: Phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 82; đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia…; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực…

Bộ cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch (trong đó tập trung triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; xây dựng, phát triển sản phẩm chủ lực), nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài...

Ngành du lịch sẽ tích cực xúc tiến quảng bá trong thời gian tới. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Ngành du lịch sẽ tích cực xúc tiến quảng bá trong thời gian tới. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Song song đó, bộ sẽ đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh bao gồm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia, phát triển trang mạng du lịch quốc gia, ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam-Vietnam Travel,” Thẻ Việt-Thẻ du lịch quốc gia phục vụ khách du lịch, phát triển nền tảng số “Quản trị và kinh doanh du lịch”.

Là đơn vị trực tiếp tham vấn cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Trưởng Cục Du lịch Quốc gia, ông Nguyễn Trùng Khánh đánh giá: “Chính sách visa thông thoáng hơn mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn, nâng cao tính cạnh tranh cũng như tạo sức hút mạnh mẽ hơn đối với các thị trường quốc tế là cần phải có một loạt giải pháp đồng bộ hơn nữa.”

Theo ông Khánh, những giải pháp xuyên suốt cần triển khai thời gian tới xuất phát ngay từ việc tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; triển khai công tác xúc tiến quảng bá mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn; đặc biệt là đảm bảo an ninh an toàn trong công tác quản lý điểm đến; cả những chính sách liên quan đến tạo điều kiện thuận lợi cho khách khi du lịch tại Việt Nam cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả mọi mặt của ngành…

Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực vừa đáp ứng nhu cầu đủ về số lượng vừa đảm bảo chất lượng cũng là việc làm quan trọng để “xốc” lại chất lượng dịch vụ du lịch Việt.

Lãnh đạo ngành du lịch nhấn mạnh việc cần thiết phải triển khai đồng bộ và tổng hòa tất cả các nội dung đó mới tạo được những sản phẩm và dịch vụ độc đáo, hấp dẫn, nâng cao vị thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng như tạo sức hút lớn cho ngành du lịch thời gian tới./.

Có thể bạn quan tâm