Bạn đọc

Cho mướn tên làm thẻ ATM, coi chừng gánh nợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người cho thuê mướn tên để làm thẻ ATM phải gánh nợ thay cho những người thuê mở thẻ, chịu các nghĩa vụ phát sinh với ngân hàng, dính kiện tụng, khó chứng minh rằng mình "ngay thẳng".
 

Người đứng tên mở thẻ ATM thuê sẽ gặp nhiều rủi ro nếu thẻ do mình đứng tên được sử dụng vào mục đích phi pháp
Người đứng tên mở thẻ ATM thuê sẽ gặp nhiều rủi ro nếu thẻ do mình đứng tên được sử dụng vào mục đích phi pháp


Nhiều ngân hàng (NH) thông báo đã phát hiện tình trạng thuê người đứng tên làm thẻ ATM.

Các đối tượng có ý định thuê tên thường xin mượn chứng minh nhân dân của người chấp nhận cho thuê tên để mở cùng lúc nhiều thẻ của nhiều NH khác nhau.

Sau đó, với mỗi thẻ được mở, người cho thuê tên sẽ nhận được một khoản phí trả công.

Bùng nổ mở tài khoản ATM ảo

Chị Ngô Vân Anh (Đồng Tháp) cho biết: “Thời gian gần đây, tôi thường xuyên gặp trường hợp người thân, bạn bè, thậm chí là người lạ đến mời hoặc năn nỉ cho mượn giấy tờ để mở thẻ ngân hàng dù bản thân không có nhu cầu”.

Chị Vân kể, nhiều sinh viên ngành ngân hàng (trong đó phần đông là con cháu trong gia đình chị) mới tốt nghiệp ra trường đã liên hệ chị để thuyết phục mở thẻ ghi nợ.

“Các em này có chung một lý do là phải mở được số lượng thẻ quy định trong một tháng/một quý thì mới được xem xét ở lại NH làm việc. Vậy nên đứa nào cũng chạy đôn chạy đáo kêu gọi mở thẻ”-chị Vân nói.

Luật sư Lê Cao cho biết: “Chúng tôi thấy có trường hợp, vì chỉ tiêu mở thẻ của các NH nên chính cán bộ nhân viên NH cũng mượn thông tin bạn bè, người thân để mở thẻ tràn lan khiến số lượng tài khoản ảo tăng rất cao, các rủi ro phát sinh sau đó thì không kiểm soát”.

Chuyên gia kinh tế và ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng vấn đề mở tài khoản ảo, lạm dụng lòng tin của người dân để mở tài khoản ảo, phạm pháp liên quan đến thẻ ATM dưới nhiều hình thức đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, hiện nay đang trên đà bùng nổ tại VN. Các ngân hàng rất khó kiếm soát được các thẻ ATM được mở nhằm mục đích gì.

Phải gánh chịu các nghĩa vụ phát sinh

Theo luật sư Lê Cao, có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra với người đồng ý để người khác dùng thông tin nhân thân của mình để làm thẻ ATM.

Ông Cao phân tích: “Câu chuyện không phải chỉ làm một thẻ ATM mà khi thông tin cá nhân của họ (gồm: CMND, hộ khẩu…) được đưa cho người khác, họ còn ký vào các cam kết mở tài khoản thì rõ ràng họ đã xác lập giao dịch với NH và phải gánh chịu các nghĩa vụ phát sinh nếu có với NH.

Chỉ cần sơ ý, người mở thẻ có thể phải gánh nợ thay bởi có thể thẻ được mở là các loại thẻ tín dụng và được cấp hạn mức dư nợ khác nhau. Nhiều trường hợp tội phạm thường sử dụng các tài khoản này để luân chuyển tiền bạc bất minh, tài sản do phạm tội, tài sản tham nhũng…”

Nếu một người bình thường không vì mục đích mờ ám thì không cần phải sử dụng thông tin cá nhân của hàng loạt người khác để mở thẻ. Chỉ với mục đích không rõ ràng, họ mới phải sử dụng phương thức thuê mượn thông tin cá nhân để mở các loại tài khoản.

Luật sư Ngô Ngọc Trai (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, việc mở thẻ ATM giữa ngân hàng và người dân là một loại giao dịch dân sự, giữa hai bên có các quyền và nghĩa vụ với nhau.

“Tùy từng trường hợp, nếu NH bị thiệt hại thì người dân sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu người dân biết rõ người thuê tên mở thẻ để thực hiện hành vi phạm tội thì tùy từng trường hợp có thể bị xử lý về hành vi đồng phạm giúp sức”, ông Ngọc Trai khẳng định.

Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: “Người đứng tên thẻ ATM có thể bị xử lý hình sự nếu biết rõ người thuê mở thẻ sử dụng các thẻ ATM vào hành vi vi phạm pháp luật. Họ còn có thể phải liên đới chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân khi để người thuê tên mở thẻ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Khó chứng minh “trong sạch”

Luật sư Lê Cao cho biết, chính người cho mượn thông tin đã ký vào các thỏa thuận mở thẻ thì ngân hàng mới mở thẻ được. Trong khi đó, giữa người thuê mượn thông tin với người cho mượn rất hiếm khi có hợp đồng, giao kết bằng văn bản.

Những người này khi có mục đích xấu thì họ sẽ chủ động tìm mọi cách thức để phòng tránh việc bị phát hiện như khi giao dịch rút tiền sẽ bịt khẩu trang, việc chuyển tiền bất minh cũng được lên kế hoạch kỹ càng …Do đó, việc chứng minh mình không sử dụng thẻ ATM, không liên quan đến thẻ ATM trở nên rất khó.

Ông Cao cho rằng, hiện nay đã có quy định xử phạt các hành vi cho thuê mượn sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân để giả mạo tạo tài khoản ngân hàng. Chính hành vi cho thuê thông tin, ký vào các thỏa thuận với NH để người khác sử dụng thẻ ATM đã tiếp tay cho động cơ không trong sáng, trái luật của người thuê/mượn thông tin cá nhân.

Các luật sư cho rằng, trường hợp người dân “đã lỡ” cho thuê/mượn thông tin để mở thẻ thì hãy liên hệ các NH để yêu cầu đóng tài khoản ATM và nói thật với các NH là người khác đang sử dụng thẻ ATM do mình đứng tên để phòng tránh các rủi ro phát sinh.

Đồng thời người dân cần tìm hiểu rõ các thông tin liên quan đến những người thuê nhờ mở thẻ ATM và báo ngay với cơ quan chức năng để xác minh, làm rõ động cơ, mục đích của họ.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đồng tình: “Các NH cần có trách nhiện đào tạo đội ngũ nhân viên tư vấn, chuyên cảnh báo về những nguy cơ của những đối tượng lừa đảo và đề xuất cho khách hàng những phương án bảo mật. Đa số nhân viên NH hiện nay chỉ có chuyên môn trong việc bán các dịch vụ của NH mà không hề được đào tạo để hướng dẫn và khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ an toàn”.

Theo Tuoitre

Nên có chương trình giáo dục tài chính

Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã có những chương trình giáo dục quốc gia về vấn đề sử dụng thẻ ATM an toàn, hiêu quả, thông minh.

Chương trình giáo dục tài chính nhằm phổ biến các kiến thức về ngân hàng, thẻ ATM, tại sao người dân phải mở tài khoản, mở như thế nào, bảo mật ra sao, tránh bị lạm dụng như thế nào, phân biệt tiền thật tiền giả,... cho cộng đồng. VN cần có những chương trình như thế.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu

Có thể bạn quan tâm