(GLO)- Ngày 29 Tết, nhiều phiên chợ vùng quê vẫn có đông người đến mua sắm. Không khí tất bật, rộn ràng xen lẫn vội vã tràn ngập khắp các gian hàng. Dù vậy, ở vùng biên viễn, phiên chợ cũng bắt đầu thưa thớt, ảm đạm.
Chợ Trung tâm huyện Đak Đoa ngày 29 Tết khá nhộn nhịp. Trên khắp các ngả đường dẫn vào chợ, hàng hóa được bày bán chật kín. Cùng với các sạp hàng cố định, người dân bày bán rau, củ, quả, thịt lợn, buồng cau, nải chuối... được thu hoạch từ vườn nhà. Bà Nguyễn Thị Huyền (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) cho biết: "Nhà tôi có 10 cây cau. Gần Tết, thương lái vào vườn thu mua nhưng tôi vẫn giữ lại một buồng để ngày giáp Tết mang ra chợ bán. Giá cau bán cho thương lái tính theo kilogam, còn bán ở chợ ngày Tết thì giá từ 8.000-10.000 đồng/quả. Hơn nữa, tôi đi chợ bán cau để được thấy không khí nhộn nhịp ngày Tết. Năm nào tôi cũng bán đến hết phiên chợ cuối cùng của năm rồi mới về nhà chuẩn bị đón Giao thừa cùng con cháu”.
Bà Cù Thị An (bìa trái) bán rau ở chợ huyện Chư Prông đã 20 năm. Ảnh: Đinh Yến |
Bà Cù Thị An buôn bán ở chợ huyện Chư Prông đã 20 năm. Những thứ bà An bán là mớ rau, con gà, quả trứng do bà trồng và chăn nuôi được. Bà An chia sẻ: “Nhà tôi gần chợ. Mùa nào thức nấy. Khi thì bán rau cải, rau lang, khi thì bán gà, trứng. Riêng vào dịp Tết, tôi trồng thêm rau xà lách, su hào, cải bắp. Những người bán cùng tôi ở đây đều là hàng xóm, khách mua cũng là người quen. Vì thế, dù cả năm gặp nhau nhưng phiên chợ cuối cùng của năm rất ý nghĩa. Ngoài chuyện bán mua, mọi người còn kể những chuyện vui buồn của một năm và chúc nhau năm mới sức khỏe, bình an, làm ăn phát đạt hơn năm cũ”.
Anh Hon (làng Groi Wết, xã Glar, huyện Đak Đoa) chở vợ con đi sắm Tết. Ảnh: Đinh Yến |
Có lẽ vì thế nên dù bận rộn thế nào, phiên chợ cuối năm bao giờ cũng đông đúc, tấp nập. Theo anh Hon (làng Groi Wết, xã Glar, huyện Đak Đoa), đi chợ ngày cuối năm mới cảm nhận được không khí Tết đang về. “Mình mua cho 2 con những bộ đồ mới đi chơi xuân. Tâm hồn thư thái, mình càng yêu thương gia đình, con cái để có động lực cố gắng hơn trong năm mới”-anh Hon chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Oanh (thị trấn Chư Prông) mua cúc về cúng ông bà. Ảnh: Đinh Yến |
Còn bà Hoàng Thị Oanh (thị trấn Chư Prông) cho hay: “Ngày cuối năm đi chợ thích lắm. Tất cả những thứ bán ở chợ đều do nông dân trong vùng làm ra. Nhiều người mang đến chợ những thứ mình có, mua thứ mình cần. Vì thế, hàng hóa ở chợ quê cuối năm đều đảm bảo. Hơn nữa, mình được hòa mình vào dòng người đi chợ Tết, chợt thấy lòng mình như lắng lại. Cảm nhận Tết đang đến thật gần...".
Dù vậy, ở vùng biên xa xôi, phiên chợ cuối năm khá đìu hiu. Thời điểm này, nhiều tiểu thương bán hoa dọc đường Hùng Vương (thị trấn Chư Prông) đứng ngồi không yên khi sức mua một số loại hoa chậm, không như kỳ vọng.
Hoa cát tường và vạn thọ lùn được người tiêu dùng Chư Prông mua nhiều. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Nhìn 150 cây mai cảnh bày bán nhiều ngày trên đường Hùng Vương (thị trấn Chư Prông), anh Đặng Văn Thừa (thôn 1, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) buồn bã nói: Tôi xuống tỉnh Bình Định mua 200 chậu hoa mai thuê xe vận chuyển về thị trấn Chư Prông bán trong dịp Tết này với hy vọng có chút lợi nhuận. Tuy nhiên, sau 10 ngày ăn, ngủ và thức cùng cây mai, đến nay tôi mới chỉ bán được 50 chậu. Số còn lại này chưa biết có bán hết trong ngày cuối cùng này hay không. Mỗi chậu hoa mai mua từ Bình Định vận chuyển lên thị trấn Chư Prông giá xấp xỉ 500 ngàn đồng/chậu, giờ bán lấy vốn cũng khó.
Cách đó không xa, ông Trần Văn Khánh (tổ dân phố 2, thị trấn Chư Prông) vẫn đang mời gọi khách đến tham quan mua quất cảnh. Ông Khánh-thông tin “Tôi mua 220 chậu quất cảnh từ nhà vườn Phú Yên cộng tiền vận chuyển tới đây giá xấp xỉ hơn 300 ngàn đồng/chậu. Những ngày đầu tiên bán 400 ngàn đồng/chậu. Tuy nhiên, sau 9 ngày bán ròng rã ngày, đêm cũng chỉ bán được 120 chậu. Đến giờ thị trường tiêu thụ ảm đạm, sức mua giảm có lẽ do ảnh hưởng của dịch Covid-19".
Người dân thị trấn Chư Prông mua hoa cúc về chơi Tết. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Trong khi một số cây cảnh như quất, mai vàng tiêu thụ chậm thì một số loại hoa cảnh mini như hoa cát tường, vạn thọ lại được người tiêu dùng Chư Prông lựa chọn nhiều. Bà Nguyễn Thị Nga (thôn 6, thị trấn Chư Prông) cho biết: "Gia đình tôi đầu tư trồng 200 chậu hoa cúc cùng 200 chậu hoa cát tường và vạn thọ thấp, thường dùng để tảo mộ. Cũng may trong 2 ngày 27-28 tháng chạp người mua tìm đến mua nhiều. Với đà này trong chiều tối cuối cùng của năm cũ, tôi hy vọng sẽ tiêu thụ hết lượng hoa đã trồng trong vụ hoa Tết này.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thiện (tổ dân phố 1, thị trấn Chư Prông) chia sẻ: "Mùa Tết tôi nhập hoa từ nơi khác về bán cho người tiêu dùng thị trấn và các xã lân cận của huyện. Tôi lựa chọn các loại hoa cúc đẹp, chân lá xanh để thu hút người mua. Năm nay sức mua của người dân trong vùng cũng bình thường. Cũng may 160 chậu hoa cúc của tôi đầu tư hơn 50 triệu đồng đã bán gần hết và thu hồi vốn rồi. Số ít còn lại hy vọng sẽ bán hết trong chiều tối 29 tháng Chạp này để về sớm đón Giao thừa cùng gia đình".
ĐINH YẾN - NGUYỄN DIỆP