(GLO)- Sau 4 tháng triển khai chương trình tín dụng dành cho hộ mới thoát nghèo, doanh số cho vay tính đến ngày 26-11 đã đạt 70 tỷ đồng với 2.300 hộ dư nợ. Theo ước tính của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, doanh số này sẽ đạt mức 90 tỷ đồng ở thời điểm kết thúc năm 2015.
Ảnh minh họa |
Cho vay hộ mới thoát nghèo là chính sách tín dụng mới được ban hành tại Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, hộ mới thoát nghèo là hộ gia đình đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua điều tra rà soát hàng năm có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành, được UBND cấp xã xác nhận và thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm. Bắt đầu từ ngày 5-9-2015, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội mức vay bình quân 25-30 triệu đồng/hộ, mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ, lãi suất cho vay là 8,25%/năm.
Trên địa bàn Gia Lai, tín dụng chính sách xã hội được xác định là một giải pháp giảm nghèo căn cơ và bền vững nhất. Trong những năm qua các chương trình tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có những tác động xã hội tích cực và được đánh giá là chính sách triển khai rộng rãi nhất, nằm trong nhóm quy mô tín dụng lớn nhất khi cho vay hộ nghèo chiếm tới 32,9% tổng dư nợ, hộ cận nghèo chiếm 15,1% tổng dư nợ; đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của nhóm đối tượng này và đã tác động trực tiếp mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống hộ vay, tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm cũng như hỗ trợ giảm nghèo, thoát nghèo bền vững.
Là chương trình tín dụng thứ 12 của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, cho vay hộ mới thoát nghèo được mong đợi sẽ lấp khoảng trống về tín dụng ưu đãi cũng như duy trì nguồn lực hỗ trợ cần thiết để bà con tiếp tục phát triển sản xuất, ổn định đời sống sau khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Ngay sau khi chương trình chính thức triển khai từ ngày 5-9, hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội từ tỉnh đến huyện đã đẩy mạnh công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể và mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền, phổ biến về chính sách mới, rà soát thiết lập danh sách đối tượng làm cơ sở cho vay theo kế hoạch đề ra.
Tại địa bàn Chư Sê, qua công tác khảo sát của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Sê cho thấy, tỷ lệ thoát nghèo hàng năm của toàn huyện khoảng 4,2%, riêng giai đoạn 2012-2014 có hơn 6.000 hộ mới thoát nghèo, nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống của nhóm đối tượng này rất lớn. Chỉ trong vòng 2 tháng, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Sê đã nhanh chóng triển khai giải ngân 3 tỷ đồng/2 đợt vay, bình quân mỗi hộ vay 25-30 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay, các hộ gia đình có thêm điều kiện để phát triển chăn nuôi, chăm sóc vườn tiêu, vườn cà phê đang vào mùa sản xuất.
Trao đổi thêm về chương trình, ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: Trong năm 2015, phía Ngân hàng đã tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương cũng như nguồn vốn huy động tại chỗ để mở rộng cho vay theo kế hoạch, đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đối với cho vay hộ mới thoát nghèo thực sự là chương trình giàu tính nhân văn, là cơ hội và điều kiện để bà con tiếp cận vốn chính sách.
Khi triển khai chương trình, qua khảo sát cho thấy, số hộ ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm khá cao, nhu cầu vốn rất lớn nhưng bà con lại không đủ điều kiện để tiếp cận các dòng vốn thương mại. Qua 4 tháng thực hiện, phía Ngân hàng gặp nhiều thuận lợi nhờ nguồn vốn bổ sung từ Trung ương ở thời điểm cuối năm, do đó doanh số cho vay nhanh chóng đạt mức 90 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ toàn tỉnh xấp xỉ 3.150 tỷ đồng và là một trong 7 chi nhánh có mức dư nợ trên 3.000 tỷ đồng.
Sơn Ca