Kinh tế

Tài chính

Cho vay nhà ở xã hội: Vốn chính sách thiếu, nguồn thương mại dôi dư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu như nguồn vốn tín dụng chính sách thuộc chương trình cho vay nhà ở xã hội luôn trong trạng thái “cung không đủ cầu” thì chương trình cho vay nhà ở xã hội quy mô 140 tỷ đồng nguồn vốn thương mại lại chưa giải ngân được vì không có danh mục dự án để cho vay.

Đầu năm 2024, ông Võ Thành Hưng (thôn Hòa Tín, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã đăng ký nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội nguồn vốn tín dụng chính sách. Đến nay, gia đình ông vẫn chưa có vốn để thực hiện kế hoạch xây nhà ở.

cho-vay-nha-o-xa-hoi-von-chinh-sach-thieu-nguon-thuong-mai-doi-du-6506-1740.jpg
Đại diện Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Kông Chro trao đổi với hộ vay vốn nhà ở xã hội. Ảnh: S.C

Ông Hưng chia sẻ: “Tôi dự tính xây nhà trong năm nay nên chủ động chuẩn bị tài chính, hoàn thiện thủ tục liên quan đến đất đai, lên thiết kế bản vẽ xây dựng. Tôi cũng đã đăng ký vay 400 triệu đồng tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để khởi công xây dựng nhà trong tháng 6-2024.

Tuy nhiên, Ngân hàng vẫn chưa được phân bổ vốn để cho vay. Chỉ hơn 2 tháng là kết thúc năm, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội qua kênh Ngân hàng Chính sách Xã hội vẫn chưa được Trung ương phân bổ nên kế hoạch xây nhà của tôi trong năm nay đành tạm hoãn”.

Cũng với tâm trạng mong chờ nguồn vốn nhà ở xã hội, ông Nguyễn Văn Nghĩa (thôn Hòa Hiệp, thị trấn Nhơn Hòa) cho hay: “Dự định xây nhà trong năm nay của gia đình tôi chắc chắn bị ảnh hưởng rồi. Khoảng nửa tháng nữa, nếu vẫn chưa có nguồn vốn vay tín dụng chính sách thì tôi vẫn khởi công vì đã xem ngày giờ, tuổi gia chủ. Phần gia đình cũng đã chuẩn bị sẵn một khoản tài chính. Khi nào ngân hàng thông báo có vốn thì tôi sẽ tiếp tục đăng ký vay 400 triệu đồng”.

Trên cơ sở rà soát nhu cầu vốn vay nhà ở xã hội của các đối tượng thụ hưởng, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pưh đăng ký kế hoạch vốn năm 2024 là 4 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Khắc Lê-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pưh-cho biết: “Hàng năm, nhu cầu vốn vay nhà ở xã hội rất nhiều nhưng nguồn vốn phân bổ có hạn nên chúng tôi cân đối, giải ngân cho vay theo mức quy định.

Trong khi chờ nguồn vốn Trung ương giao, Phòng Giao dịch chủ động hướng dẫn hộ vay chuẩn bị sẵn về hồ sơ, thủ tục liên quan. Nguồn vốn giao đến đâu thì chúng tôi sẽ khẩn trương giải ngân đến đó”.

Hiện nay, mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội kênh vốn tín dụng chính sách là 6,6%/năm, mức cho vay tối đa 70% giá trị dự toán, thời hạn cho vay không quá 25 năm. Năm 2024, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đăng ký nhu cầu vốn vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ là 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, nguồn vốn này vẫn chưa được Trung ương phân bổ.

Ông Nguyễn Triều Quang-Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh-thông tin: “Các năm trước đây, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội được phân bổ khá hạn hẹp. Cho đến năm 2022-2023, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Chi nhánh được Trung ương ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội. Năm 2022, doanh số cho vay nhà ở xã hội đạt 77 tỷ đồng với 194 hộ vay. Năm 2023, doanh số cho vay nhà ở xã hội đạt 163 tỷ đồng với 395 hộ vay. Lũy kế đến thời điểm hiện nay, tổng dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt 274 tỷ đồng với 699 hộ vay”.

2von-1526-6651.jpg
Thông qua nguồn vốn vay nhà ở xã hội, người dân có thêm điều kiện để xây nhà ở khang trang, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

Nếu như chương trình cho vay nhà ở xã hội nguồn vốn tín dụng chính sách ở trong trạng thái “cung không đủ cầu” thì ngược lại, chương trình cho vay nhà ở xã hội quy mô 140 tỷ đồng do các ngân hàng thương mại triển khai chưa giải ngân được vì không có danh mục dự án, đối tượng đủ điều kiện để cho vay.

Theo công bố mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, quy mô chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ từ 120 ngàn tỷ đồng đã tăng lên 140 ngàn tỷ đồng. Ngoài 4 ngân hàng thương mại là BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank thì cả nước có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đăng ký tham gia.

Đến nay, 34/63 tỉnh, thành phố gửi văn bản tới Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng hoặc công bố công khai trên cổng thông tin điện tử 83 dự án thuộc danh mục vay vốn chương trình. Về phía các ngân hàng thương mại đã giải ngân 2.037 tỷ đồng, bao gồm 1.920 tỷ đồng cho chủ đầu tư và 117 tỷ đồng cho người mua nhà.

Còn tại Gia Lai, theo thông tin từ Sở Xây dựng, các dự án nhà ở xã hội dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2030 theo Công văn số 1267/UBND-CNXD ngày 30-5-2023 của UBND tỉnh về việc triển khai Đề án “Đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh chưa đủ các điều kiện pháp lý để công bố theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-cho rằng: “Các ngân hàng thương mại rất mong muốn có danh mục dự án, đối tượng đủ điều kiện để cho vay nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Sở Xây dựng theo dõi tình hình triển khai các dự án đầu tư nhà ở xã hội. Đây cũng là một trong số nội dung nhiệm vụ xuyên suốt của ngành Ngân hàng”.

Có thể bạn quan tâm