Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Chơi nhạc cổ điển bằng đàn tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khác với những loại nhạc cụ khác xuất hiện trên mạng trong mùa dịch Covid-19, tiếng đàn tranh réo rắt của Giáo sư Hồ Thụy Trang từ Pháp - một trong những “tâm dịch” của thế giới, đã mang đến ý nghĩa rất đặc biệt.

 

 Giáo sư Hồ Thụy Trang biểu diễn đàn tranh trước bạn bè quốc tế - Ảnh: Phạm Tử Trước
Giáo sư Hồ Thụy Trang biểu diễn đàn tranh trước bạn bè quốc tế - Ảnh: Phạm Tử Trước



Giáo sư Hồ Thụy Trang (đang định cư ở Pháp) là một trong số ít nghệ sĩ Việt được chính phủ Pháp công nhận và cấp bằng giáo sư dạy âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Trong những ngày khi nhiều nước áp dụng lệnh giới nghiêm nhằm chống dịch Covid-19 lây lan, tiếng đàn tranh réo rắt của bà đã mang đến cảm xúc rất khác lạ cùng niềm hy vọng mới.

Tiếng đàn tranh Việt giữa giờ giới nghiêm trên đất Pháp

Nếu không ít các nghệ sĩ Ý được hoan nghênh với những màn trình diễn nhạc cụ trên ban công trong lúc ở nhà tuân thủ lệnh giới nghiêm, Giáo sư Hồ Thụy Trang lại nghĩ ra sáng kiến dùng Facebook để gửi đi những giai điệu đầy cảm xúc với hy vọng có thể lan truyền tinh thần đồng cảm và tương thân tương ái với những người cùng cảnh ngộ. Tác phẩm đầu tiên mà bà chọn sau khi Pháp ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc là Turkish March (tức Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ), một tác phẩm cổ điển bất hủ của nhà soạn nhạc tài ba Mozart. Viết trên trang Facebook cá nhân, nữ giáo sư gọi đây là một thách thức cho đàn tranh Việt Nam. Chia sẻ với Thanh Niên, Giáo sư Hồ Thụy Trang cho biết: “Đây là lần đầu tôi đàn bài Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ trên đàn tranh, với cách lên dây hoàn toàn mới theo hệ thống bình quân luật (tức hệ thống dây 7 nốt) chứ không theo ngũ cung như truyền thống. Điều này thật không dễ dàng, vì sau 50 năm sử dụng đàn tranh dây ngũ cung, lần đầu tiên tôi quyết định sắp xếp hệ thống dây mới, nên cần có sự tập luyện và thời gian để làm quen”.

Bài biểu diễn qua mạng kế tiếp là Bella Ciao, bài hát của phong trào kháng chiến Ý chống phát xít Đức hồi Thế chiến thứ hai. Những ai từng thưởng thức Bella Ciao qua kèn saxophone hẳn cảm thấy ngạc nhiên với sự phối hợp đầy mới lạ giữa đàn tranh và đàn nhị, mang đến âm hưởng da diết nhưng không kém phần hào hùng. Điểm thú vị nữa là chính con trai Duy Anh của Giáo sư Hồ Thụy Trang đích thân chọn tác phẩm này và cùng mẹ tập đàn để quay clip đưa lên mạng. “Chúng tôi rất vui khi những bạn bè người Ý bày tỏ sự cảm động và chia sẻ đoạn nhạc này cho bạn bè của họ”, nữ giáo sư cho biết. Vào thời điểm bài hát được đưa lên mạng, nước Ý đang hứng chịu tổn thất nặng nề vì dịch Covid-19. Và nhạc phẩm xuất hiện gần đây nhất trên trang Facebook của bà là Spanish Romance, gửi đến Tây Ban Nha cũng đang bị dịch bệnh hoành hành. Một lần nữa, Giáo sư Hồ Thụy Trang tiếp tục thách thức bản thân khi trình bày một nhạc phẩm chủ yếu chơi bằng đàn guitar trên đàn tranh Việt.


 

Quảng bá nhạc cổ truyền Việt ra thế giới
Quảng bá nhạc cổ truyền Việt ra thế giới



Đối với Giáo sư Hồ Thụy Trang, âm nhạc chính là nguồn năng lượng mang đến sức mạnh kỳ diệu vô cùng cần thiết trong giai đoạn thế giới đang ảm đạm do đại dịch Covid-19: “Dù ít hay nhiều, âm nhạc mang đến cho người nghe lẫn người chơi những khoảnh khắc khác lạ trong một thế giới khác, làm người ta quên đi hiện tại”. Việc phải ở nhà toàn thời gian, ngoài chuyện tập trung cho sáng tác và luyện tập nâng cao ngón đàn, Giáo sư Hồ Thụy Trang không quên truyền thụ kiến thức về âm nhạc cho thế hệ trẻ đang sinh sống xa quê hương. Mỗi ngày, Giáo sư Hồ Thụy Trang lên mạng, kết nối với học trò và cần mẫn chỉ dạy từng nốt nhạc, bất chấp khoảng cách về không gian và nhịp sống dường như ngừng lại ở bên ngoài. Giáo sư cho hay trong giai đoạn này, bà có nhiều thời gian hơn để soạn bài mới, cải cách giáo trình giảng dạy và chuẩn bị chương trình biểu diễn trong tương lai.

Từ năm 2000, bà đã cùng những người bạn thành lập nhóm Tiếng Tơ Đồng tại Paris, và những buổi biểu diễn của nhóm suốt 20 năm qua luôn mang đến sức hút khó cưỡng nhờ vào phong cách trình diễn và phối âm đầy sáng tạo của Giáo sư Hồ Thụy Trang. Những tiết mục của Tiếng Tơ Đồng bao gồm múa dân gian, hòa tấu nhạc cụ cổ truyền, gõ trống, ca cổ và vũ đạo cải lương. Kể từ lúc thành lập, Tiếng Tơ Đồng thường được mời đi biểu diễn trong các sự kiện quan trọng như: Ngày hội Pháp ngữ năm 2013, kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Pháp - Việt…

“Từ hơn 20 năm qua, tôi luôn ấp ủ một mơ ước: làm sao cải tạo đàn tranh để có hệ thống dây đầy đủ nốt như cây đàn dương cầm, cho phép nhạc sĩ có thể chơi tất cả những bài nhạc nước ngoài nhưng vẫn biểu diễn được nhạc cổ truyền Việt Nam mà không bị ảnh hưởng và không mất đi tính năng đặc thù của nó”, nữ giáo sư chia sẻ. Giờ đây, mơ ước của bà sắp thành hiện thực khi giáo sư gặp được một nhà làm đàn ở TP.HCM, với cùng tâm huyết phát triển và giới thiệu nhạc Việt ra nước ngoài. “Tôi tin rằng sẽ không lâu nữa, quý vị sẽ được thưởng thức buổi biểu diễn với tiêu đề Đàn tranh Việt & nhạc cổ điển thế giới”, nữ giáo sư thổ lộ về niềm tự hào khi có thể chứng tỏ đàn tranh Việt tự thân vẫn chơi được nhiều thể loại nhạc và có tính năng như các nhạc cụ phương Tây khác. Bà cũng ấp ủ dự án giới thiệu kỹ thuật đàn tranh bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh trong thời gian tới để bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn, góp phần quảng bá nhạc cổ truyền Việt Nam ra thế giới.

 


Giáo sư Hồ Thụy Trang sinh năm 1964 tại TP.HCM; tốt nghiệp loại ưu Nhạc viện TP.HCM năm 1986 và bắt đầu sự nghiệp giảng dạy từ đó. Sau thời gian tham gia các liên hoan âm nhạc trên thế giới, từ năm 2003, nữ giáo sư chính thức định cư tại Créteil (Pháp). Bà đã trải qua cuộc thi khó khăn để trở thành người Việt thứ ba được chính phủ Pháp chính thức công nhận là giáo sư âm nhạc Việt Nam tại nước này.



Theo Thụy Miên (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm