Bãi biển Cổ Thạch được bao quanh bởi một con đường sỏi kéo dài, bất kể triều lên xuống hay sóng gió thế nào, bãi sỏi với hàng triệu viên sỏi đủ mầu sắc vẫn không hề xê dịch. Chị Nhân, một người dân Cổ Thạch nói, những viên sỏi hoàn toàn do tạo hóa, nhưng chúng được sắp xếp chỉnh tề như thể có bàn tay con người. Kỳ lạ là, vẫn bờ biển đó, nhưng phía tây bắc giữa những tảng đá lớn mùa tháng 3 rêu mọc, còn chỉ cách vài trăm mét, sang phía đông nam là những viên sỏi lúc nào cũng lấp lánh, nhẵn thín. Sỏi và rêu là điểm nhấn đặc trưng của Cổ Thạch. Rêu ở Cổ Thạch chỉ có chừng một tháng, phủ xanh ngắt toàn bộ bãi đá. Còn những viên sỏi thì dù người dân vẫn nói bảy mầu, nhưng nếu tỉ mẩn đếm, thì dễ cũng phải lên tới hơn chục mầu.
Đi vài bước chân qua bãi sỏi là ra biển. Biển Cổ Thạch mịn, phẳng, bãi kéo dài ra xa tít mà không hề phải lo sợ những lần hụt chân. Ở đây, nếp sống bình dị của một làng chài cổ vẫn còn nguyên. Cổ Thạch chưa có những trò chơi thường thấy trên bãi biển như chèo thuyền, dù bay, mô-tô nước ồn ào. Nghỉ ở Cổ Thạch, buổi sáng ngắm mặt trời lên trên bãi sỏi, buổi chiều ghé qua chùa Cổ Thạch, rồi ngắm hoàng hôn ở làng chài, cùng dân làng đi cào dăm ba con chem chép, ngâm mình trong làn nước biển để “mặn mòi từ da dẻ”, buổi tối đi dạo ở chợ hải sản, nghe ngóng những câu chuyện từ những giọng nói đặc âm sắc Bình Thuận thật sự tách biệt hẳn với những khu du lịch đã quá quen.
Bởi chung quanh toàn đá và cát, nên chùa Cổ Thạch cũng được xây dựng trên những vách đá. Từ nơi cao nhất chùa Cổ Thạch, có thể nhìn thấy toàn cảnh bờ biển với những tảng đá đủ hình thù phía bãi rêu, hay những viên sỏi xếp như một tấm thảm. Nghe nói cũng có vài dự án làm du lịch, vài khu resort ngấp nghé xây dựng ở đây, rồi lại bỏ hoang. Thế nên Cổ Thạch vẫn cứ yên bình như thế.