Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Chọn nghề mùa tuyển sinh 2019: Không còn "xu hướng đám đông"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 20-4 tới đây, khoảng 14.000 thí sinh trên toàn tỉnh sẽ hoàn thành thủ tục đăng ký tham dự kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp năm 2019. Theo ghi nhận của P.V, năm nay, các thí sinh đã cân nhắc kỹ lưỡng hơn về việc chọn ngành học phù hợp và có cơ hội việc làm cao trong tương lai.
Chọn ngành học phù hợp
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các thí sinh bắt đầu làm thủ tục đăng ký dự thi THPT Quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp năm 2019 từ ngày 1-4 và kết thúc vào ngày 20-4. Sau thời gian này, thí sinh không được quyền thay đổi mọi thông tin đã đăng ký. Theo ghi nhận tại các trường khối THPT và các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm này, 100% thí sinh đã hoàn thành thủ tục đăng ký. Năm nay, về xu hướng chọn ngành học, các thí sinh vẫn ưu tiên những ngành gắn với sở thích và phù hợp với năng lực học bản thân. Là học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn nhưng em Phạm Thị Huyền (lớp 12A6, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Ia Grai) không “học lệch” mà giỏi đều các môn khác. Dù vậy, em vẫn chọn đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Sư phạm Ngữ văn. Huyền bày tỏ: “Khi đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Sư phạm Ngữ văn có nghĩa là em đã ưu tiên cho mơ ước của mình. Em nghĩ rằng được làm điều mình thích là hạnh phúc trong suốt quá trình làm việc sau này”.
 Học sinh lớp 12 toàn tỉnh đang tập trung ôn tập cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6 tới. Ảnh: N.G
Học sinh lớp 12 toàn tỉnh đang tập trung ôn tập cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6 tới. Ảnh: N.G
Ngoài ưu tiên sở thích thì chọn ngành học phù hợp năng lực bản thân cũng được các thí sinh cân nhắc kỹ càng. Đa số học sinh cho biết các em không còn bị áp lực từ phía bố mẹ khi chọn ngành nghề. Trái lại, nhiều phụ huynh đã tích cực tư vấn để con có lựa chọn đúng đắn hơn. Em Nguyễn Thị Nhã Phương (lớp 12B4, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, huyện Đức Cơ) cho biết, là người hoạt ngôn, có duyên và thích tìm hiểu về ngôn ngữ, học tốt môn Tiếng Anh nên em đã quyết định chọn ngành phiên dịch. Phương kể: “Không bị áp lực từ phía gia đình nên em có nhiều cơ hội nhận định năng lực, ngành học phù hợp. Em chỉ nghĩ đơn giản là những gì phù hợp sẽ khiến mình tự tin. Em sẽ cố gắng đạt kết quả cao ở kỳ thi quan trọng sắp tới”. Trong khi đó, em Ksor HLan (lớp 12A, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh) thì bày tỏ: “Em chọn nghề cắt may thời trang vì em thấy đây là nghề có tương lai; đặc biệt, khi trở về địa phương em sẽ mở cửa hàng thời trang do chính mình thiết kế”.
Không còn “xu hướng đám đông”           
Việc một bộ phận lớn thí sinh ý thức chọn nghề theo đúng năng lực, sở thích thay vì lựa chọn theo “xu hướng đám đông” như trước đây là tín hiệu đáng mừng, là thành công lớn về công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông. Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-trao đổi: “Điều chúng tôi hướng đến trong công tác hướng nghiệp là giúp các em học sinh tìm được hướng đi phù hợp sau 12 năm đèn sách chứ không phải là chạy theo người khác. Thực tế nhiều năm qua đã cho thấy, nhiều trường hợp bỏ học giữa chừng do nhận thấy ngành học không phù hợp với bản thân. Mùa tuyển sinh năm nay, dù chưa có báo cáo chính thức nhưng thông tin từ các đơn vị đều nhận định học sinh đã chú trọng lựa chọn ngành học phù hợp, đúng sở trường khiến những người làm giáo dục như chúng tôi cảm thấy rất vui mừng”.
Thầy Nguyễn Ngọc Chương-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Gần 160 học sinh lớp 12 của nhà trường năm nay đã có sự lựa chọn đăng ký xét tuyển riêng, không chạy theo số đông. Có được kết quả này là nhờ công tác hướng nghiệp được đẩy mạnh ngay từ năm lớp 10 với chủ đề, chủ điểm rõ ràng theo đúng chỉ đạo của Sở GD-ĐT. Nhờ đó đã hình thành trong học sinh ý thức đúng đắn về ngành học gắn với việc làm về sau”.
Tại chương trình “Tiếp bước trường thi” do Báo Giáo dục TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Gia Lai hồi tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Cường-Phó Trưởng ban Đào tạo Hội giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao hiệu quả trong công tác hướng nghiệp của ngành GD-ĐT tỉnh Gia Lai. Ông Cường nhận định: “Ý thức chọn ngành học gắn với nghề nghiệp đã thay đổi rõ ràng. Các em không còn tập trung vào ngành “hot” nhưng đã bão hòa về nhân lực mà chuyển hướng sang những nhóm ngành dịch vụ, sản xuất và chế biến-những nhóm ngành có đầu ra tốt. Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng đang siết chặt chất lượng sinh viên trong quá trình học, sinh viên không đáp ứng sẽ buộc bị thôi học. Do đó, lựa chọn ngành học theo đúng sở thích, sở trường như hiện nay là điều đúng đắn của thí sinh”.
 NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm