Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Chống bạo lực học đường: Dạy học sinh cách tha thứ để biết yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong quá trình dạy kỹ năng sống hay sinh hoạt đầu tuần, thầy cô thường xuyên nhắc nhở, dạy học sinh sống đẹp, sống tử tế, cách tha thứ để biết yêu thương thông qua những câu chuyện giáo dục có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống. Đây cũng là cách để giáo dục phòng chống bạo lực học đường.

Với bộ môn kỹ năng sống, thầy cô thường lồng vào những bài học về đạo đức thông qua các bài báo, những câu chuyện giáo dục, những thước phim lay động tình người nhằm giúp học sinh xây dựng tình bạn đẹp và cách tha thứ để biết yêu thương.

Đối với việc biết tha thứ cho người khác, chúng tôi càng đề cao để gieo vào tâm hồn học trò sống đẹp, sống cao thượng.

Giáo viên nên lồng ghép những câu chuyện giáo dục có ý nghĩa thiết thực trong giờ học. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Giáo viên nên lồng ghép những câu chuyện giáo dục có ý nghĩa thiết thực trong giờ học. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trong cuộc sống, không phải ai cũng thấy bao dung, tha thứ cho người khác là việc dễ dàng. Vì thế, tha thứ cho người khác cũng cần phải học, phải "rèn luyện". Học tha thứ để biết yêu thương là điều cần thiết đối với mỗi con người.

Thời gian gần đây, trước tình trạng bạo lực học đường đáng báo động, khi dạy kỹ năng sống cho học sinh, chúng tôi cũng dành một số tiết để dạy các em về: tác hại của cơn tức giận, học cách kiềm chế cơn tức giận, công dụng của nụ cười, học cách tha thứ để biết yêu thương…

Trong tiết học về kỹ năng sống, học sinh rất thích thú, hăng say vì không phải "đụng" kiến thức sách giáo khoa. Các em được học nhiều điều bổ ích trong thực tế. Những tiết học như vậy thường đem đến cho học sinh nhiều cung bậc cảm xúc, gieo vào tâm hồn các em sống đẹp, trao cho các em những bài học quý áp dụng vào cuộc sống.

Tác hại của cơn tức giận

Giáo viên nêu lên những tác hại dễ hiểu, dễ nhận biết nhất và đưa ra dẫn chứng cụ thể, từ đó giúp học sinh hiểu được tức giận sẽ hại bản thân mình đầu tiên và gây ảnh hưởng không tốt tới những người xung quanh, thậm chí gây ra án mạng.

Trong tiết học, chính học sinh đưa ra những dẫn chứng rất cụ thể và thiết thực về tác hại của cơn tức giận như: bạo lực gia đình, bạo lực học đường, ẩu đả nơi công cộng… Từ đó rút ra bài học cho riêng mình.

Học cách kiềm chế cơn tức giận

Cuộc sống hằng ngày, chúng ta khó tránh khỏi được những cơn tức giận. Biết được tác hại của sự tức giận, học sinh cũng cần học cách kiềm chế cơn tức giận.

Khi được hỏi làm thế nào kiềm chế được cơn tức giận, về mặt lý thuyết, học sinh trả lời khá tốt, nhưng trong thực tế, nhiều em vẫn chưa làm được.

Thông qua sự chia sẻ của chúng tôi cũng như các thành viên trong lớp, tiết học dù chỉ diễn ra trong vòng 45 phút nhưng các em ít nhiều cũng đã học được cách kiềm chế tức giận. Biết kiềm chế cơn tức giận cũng dễ biết tha thứ khi người khác có lỗi với mình.

Thầy cô nên dạy học trò biết cười nhiều để đón nhận những công dụng tuyệt vời từ những nụ cười này. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thầy cô nên dạy học trò biết cười nhiều để đón nhận những công dụng tuyệt vời từ những nụ cười này. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Công dụng của nụ cười

Nụ cười có rất nhiều công dụng nên giáo viên thường dạy học trò biết cười nhiều để đón nhận những giá trị tuyệt vời từ nụ cười.

Người xưa đã đúc kết: "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ" để nói đến giá trị của nụ cười trong đời sống tinh thần con người. Người vui vẻ, hài hước, lạc quan (cười nhiều) mỗi ngày sẽ nhận được nhiều công dụng từ nụ cười như: xoa dịu cơn đau, xua đi căng thẳng, chống cảm cúm, bảo vệ trái tim, dễ kết bạn, nâng cao tuổi thọ… Những người cười nhiều thường rất thân thiện, gần gũi và luôn biết cách chia sẻ, tha thứ cho người khác.

Thông điệp từ việc học cách tha thứ

Đây là tiết học đem đến cho thầy trò nhiều cung bậc cảm xúc. Chúng tôi đã sưu tầm những câu nói nổi tiếng và thước phim xúc động về việc tha thứ.

Người ta nói rằng, sự tha thứ không thể làm thay đổi quá khứ, nhưng nó có thể mở rộng tương lai. Điều đó rất chí lý.

Tha thứ, trước hết đó là hành động làm cho chính bản thân mình chứ không phải người khác vì khi tha thứ, trong mình không còn tức giận, mình sẽ nhẹ nhàng hơn, vui vẻ hơn và lạc quan hơn. Người được mình tha thứ cũng vì thế mà vui vẻ hơn. Mối quan hệ của mọi người trở nên tốt hơn. Khi mình biết tha thứ cho ai đó, bản thân sẽ nhận lại được niềm vui.

Cái nôi để "ươm mầm" sống đẹp, biết tha thứ để yêu thương nhiều hơn chính là gia đình và nhà trường. Ảnh: Nhật Thịnh

Cái nôi để "ươm mầm" sống đẹp, biết tha thứ để yêu thương nhiều hơn chính là gia đình và nhà trường. Ảnh: Nhật Thịnh

Khi xem các thước phim về sự tha thứ lỗi lầm của người khác, học sinh đã rút ra được những bài học quý báu.

Chẳng hạn, video "Lỗi lầm và sự biết ơn" gửi tới người xem một thông điệp: "Hãy học cách viết lỗi lầm lên cát và khắc ơn lên đá. Lỗi lầm được viết lên cát thì sóng, gió sẽ sớm xóa nhòa theo thời gian - tức là quên đi lỗi lầm của người khác. Ơn nghĩa được khắc lên đá - tức là luôn ghi nhớ công ơn của người khác trong lòng mình".

Để cuộc sống này, thế giới này tốt đẹp hơn thì con người cần biết bao dung, yêu thương nhau. Cái nôi để "ươm mầm" sống đẹp, biết tha thứ để yêu thương nhiều hơn chính là gia đình và nhà trường. Cha mẹ, thầy cô hãy là tấm gương sáng để gieo vào tâm hồn con cái, học trò cách sống đẹp, luôn biết tha thứ lỗi lầm cho người khác.

Có thể bạn quan tâm