Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Chống dịch trên biên giới Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Giữa cái nắng nóng đến ngột ngạt trên vùng biên giới những ngày đầu tháng 4, mọi sinh hoạt đều trở nên khó khăn. Thế nhưng, tất cả lực lượng Biên phòng, Công an, dân quân đang làm nhiệm vụ phòng-chống dịch tại các chốt, trạm đều nêu cao quyết tâm, siết chặt công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín biên giới nhằm ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập.
Không ngại khó khăn
Trên tuyến biên giới của tỉnh hiện có gần 200 cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng: Biên phòng, Công an, dân quân đang thực hiện nhiệm vụ tại gần 30 chốt, trạm kiểm soát chống dịch Covid-19. Hầu hết các chốt, trạm kiểm soát đều được lập trên tuyến đường mòn, lối tắt do đó luôn ở trong tình trạng “nhiều không”: không điện, không nước sinh hoạt, không sóng điện thoại, không giường chiếu... Chốt, trạm đóng quân xa địa bàn dân cư, xa các đồn Biên phòng nên cán bộ, chiến sĩ vừa phải thực hiện nhiệm vụ, vừa phải tự đảm bảo mọi sinh hoạt, ăn uống.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra công tác tuần tra, chốt chặn trên tuyến biên giới. Ảnh: A.H
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra công tác tuần tra, chốt chặn trên tuyến biên giới. Ảnh: A.H
Để có nước sinh hoạt, cán bộ, chiến sĩ phải thay phiên nhau đi chở, thậm chí đi vác từng thùng loại 20 lít từ dưới suối hoặc khu dân cư lên khu vực trạm, chốt. Nước khan hiếm nên việc sử dụng phải hết sức tiết kiệm. Còn các bếp ăn dã chiến đơn giản là những hòn đá bên đường được kê tạm. Nhóm lửa bắc nồi nước rồi thả 10 quả trứng gà vào luộc, quay sang chúng tôi, chiến sĩ Rơ Châm Su (Đồn Biên phòng Ia Nan) đang làm nhiệm vụ tại tổ kiểm soát khu vực đường Siu Nhân-bộc bạch: “Ở đây mọi thứ đều thiếu. Nhưng dù có khó khăn hơn thế, chúng tôi cũng luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.
Không chỉ việc ăn uống, sinh hoạt, ngay cả chuyện ngủ nghỉ của các cán bộ, chiến sĩ cũng gặp khó khăn. Họ phải mắc tạm những chiếc tăng, võng để ngả lưng, chợp mắt. Bởi những chiếc lều bạt dã chiến, những chiếc giường đều dành để sẵn sàng tiếp nhận người dân về cách ly. Có lẽ hơn ai hết, các chiến sĩ đều hiểu rằng, lúc này đây, vì sự bình yên của nhân dân, mỗi người đều phải vượt qua những khó khăn thường nhật để làm tốt nhiệm vụ phòng-chống dịch. Chiến sĩ dân quân Nguyễn Văn Kỳ (xã Ia Púch, huyện Chư Prông) bày tỏ: “Ngay khi có lệnh điều động của xã, chúng tôi đã có mặt tại chốt để cùng các lực lượng tuần tra, kiểm soát, chốt chặn nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Chúng tôi cũng đã dự lường về những khó khăn nên đều yên tâm bám biên, sẵn sàng phòng-chống dịch và các tệ nạn khác”. Nói thêm về vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Danh Vỹ-Chốt trưởng Chốt kiểm soát 383 (Đồn Biên phòng Ia Púch) chia sẻ: “Bảo vệ biên giới là nhiệm vụ của người lính. Do đó, tất cả cán bộ, chiến sĩ trên chốt đều nêu cao quyết tâm, tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để các đối tượng vượt biên tránh dịch”.
Đồng lòng chống dịch
Cùng với việc tăng cường cán bộ, chiến sĩ tại các trạm, chốt và trực 24/24 giờ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các đồn Biên phòng còn phối hợp dựng 10 lán trại, lều bạt dã chiến ở 7 vị trí để sẵn sàng tiếp nhận công dân Việt Nam ở Campuchia về nước và thực hiện cách ly bước đầu. Xung quanh các khu vực lán trại, lều bạt dã chiến, các đơn vị đã tiến hành phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột và trang bị nhiều vật tư y tế như: nước rửa tay sát khuẩn, nước muối, khẩu trang, găng tay, thiết bị đo thân nhiệt, mặt nạ khử độc... nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ và người dân. Trung tá Lê Mạnh Lực-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông) cho biết: “Đơn vị đã triển khai 3 tổ công tác gồm 2 tổ chốt chặn trên khu vực biên giới và 1 tổ cơ động để thực hiện nhiệm vụ, kịp thời xử lý các tình huống. Công tác triển khai nhà bạt để tiếp nhận công dân cũng được chuẩn bị chu đáo”. 
Đại tá Vũ Trung Kiên-Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: “Dẫu việc ăn, nghỉ dọc tuyến biên giới còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ đều nêu cao quyết tâm thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ, đó là bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới và phòng-chống dịch Covid-19”.
Trong khu vực lán trại, các lực lượng cũng bố trí đầy đủ bàn, ghế, giường, nước uống... để đáp ứng nhu cầu của công dân trong thời gian cách ly tạm thời chờ đưa về khu vực cách ly y tế tập trung. Sự chuẩn bị chu đáo, tiếp đón ân cần, tận tâm của các lực lượng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những công dân đang cách ly. Anh Lê Văn Phong (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Tôi làm cơ khí bên tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia. Sau khi nhập cảnh về nước qua khu vực cửa khẩu, tôi được các lực lượng kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn rất nhiệt tình. Tôi nghĩ việc cách ly sẽ tốt cho bản thân, gia đình và cộng đồng trong giai đoạn hiện nay. Do đó, chẳng có lý do gì để tôi không chấp hành nghiêm”. Tương tự, ông Lê Đức Sinh (đường Trần Kiên, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) đang làm công nhân cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Campuchia, vì gia đình có việc nên trở về. Biết rằng khi về nước sẽ thực hiện cách ly 14 ngày song ông Sinh vẫn vui vẻ và cho rằng: “Chỉ cần mỗi người đều tự giác chấp hành thì tôi tin sẽ nhanh chóng dập được dịch”.
Việc nấu nướng giữa rừng trở nên vô cùng khó. Ảnh: A.H
Việc nấu nướng giữa rừng trở nên vô cùng khó. Ảnh: A.H
Ngoài sự đồng thuận của người dân khi tiếp nhận cách ly ban đầu thì trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, điều khiến các lực lượng nơi tuyến đầu cảm thấy ấm lòng và như được tiếp thêm sức mạnh ấy là sự cảm thông, động viên, khích lệ của các tổ chức, cá nhân. Những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã kêu gọi ủng hộ vật tư y tế, nhu yếu phẩm gửi tặng các cán bộ, chiến sĩ. Bà Trần Thị Ái Vân-Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai-chia sẻ: “Đến tận nơi, chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi mới hiểu phần nào những khó khăn, vất vả mà các anh đang phải vượt qua để giữ gìn, bảo vệ biên cương. Trước mắt, chúng tôi gửi tặng các anh những phần quà gồm mì tôm, nước uống. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kêu gọi thêm các nguồn hỗ trợ, động viên và chung sức cùng các anh chống dịch”. Còn ông Ngô Công Đoan-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất-kinh doanh giỏi tỉnh thì cho hay: Câu lạc bộ phối hợp với Hội doanh nhân TP. Hồ Chí Minh đã trao tặng 6.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn, trong đó có 2.000 chiếc tặng cho lực lượng Campuchia, 3.000 chiếc hỗ trợ cho khu vực cách ly của tỉnh và 1.000 chiếc trao cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Thông qua đó, Câu lạc bộ mong muốn động viên cán bộ, chiến sĩ trong cuộc chiến cam go chống dịch Covid-19.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm