Thời sự - Bình luận

Chống lừa đảo từ 'ngọn'?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đó là câu hỏi nhiều người đặt ra khi nhìn vào cuộc chiến chống lừa đảo trên mạng đang ngày càng bùng phát hiện nay.

Nổi bật nhất có lẽ là ngành ngân hàng với hàng loạt giải pháp từ cảnh báo, tăng bảo mật và đặc biệt là sinh trắc khuôn mặt, loại các tài khoản rác song song với lên danh sách các tài khoản đáng ngờ, nghĩa là có dấu hiệu gian lận. Thế nhưng các giải pháp này cũng bó tay nếu chính chủ tự tay chuyển tiền cho kẻ gian. Nhưng làm thế nào chính chủ lại bị lừa để đích thân chuyển tiền cho kẻ gian? Đó chính "nhờ" vào cuộc gọi lừa đảo mà chúng ta, những chủ thuê bao di động nhận hằng ngày, thậm chí hằng giờ. Và mấu chốt, gốc của việc này chính là lộ, lọt thông tin cá nhân tràn lan khắp nơi.

Vấn đề này đã nói đến nhiều năm qua, nhưng theo báo cáo về tình hình nguy cơ mất an toàn thông tin tại VN do hệ thống Viettel Threat Intelligence của Công ty An ninh mạng Viettel công bố, thì trong nửa đầu năm nay ghi nhận hơn 61 triệu tài khoản bị lộ lọt, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023 (hơn 41 triệu tài khoản). Mạng xã hội, ngân hàng, giao dịch trực tuyến, giáo dục, y tế… là những lĩnh vực có số lượng bản ghi thông tin cá nhân bị đánh cắp nhiều.

Từ "nguồn" thông tin bị lộ lọt này, nạn cuộc gọi rác, tin nhắn rác không chỉ còn làm phiền chúng ta lúc nửa đêm gà gáy, chen ngang cuộc họp quan trọng, xen vào các sinh hoạt đời sống hằng ngày một cách vô duyên, vô lý... mà còn trở thành phương tiện hỗ trợ cho những đối tượng lừa đảo giả danh công an, cán bộ thuế, điện lực, ban tổ chức các trò chơi trúng thưởng, mời gọi đầu tư tiền ảo... giăng bẫy, hăm dọa người dân, từ đó lừa đảo lấy tiền của họ. Đã có rất nhiều người sập bẫy, có người mất đến vài tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng mà cả đời tích cóp.

Cũng như việc lọt lộ thông tin, vấn nạn SIM rác, cuộc gọi - tin nhắn rác đã nói rất nhiều lần, nói bao năm qua, các nhà mạng cam kết hứa hẹn cũng không ít...; thế nhưng không những không dẹp được mà ngày càng biến tướng, càng trở nên nguy hiểm đến tài sản của người dân.

Ở thời điểm hiện tại, tất cả các cơ quan bị mạo danh vẫn lên tiếng cảnh báo đều đặn với người dân, bác bỏ các thông tin lừa đảo, khuyến cáo không nhấp link, không nghe dụ dỗ đầu tư... Thế nhưng đây chỉ là cái ngọn. Cái gốc của nạn lừa đảo mà không một biện pháp bảo mật nào có thể ngăn chặn được, đó chính cặp bài trùng: lộ lọt thông tin và SIM rác. Không giải quyết được cặp bài trùng này thì rất khó để hạn chế, ngăn chặn lừa đảo và nhiều người sẽ còn sập bẫy, mất tiền.

VN đang bước vào kỷ nguyên của kinh tế số nên các thách thức về bảo vệ an ninh dữ liệu cá nhân trước các vụ tấn công mạng sẽ trở nên khó khăn hơn. Khi người sử dụng càng cung cấp nhiều dữ liệu cá nhân lên không gian mạng; các tổ chức, doanh nghiệp thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử, bất động sản, bán lẻ… ngày càng sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ phân tích dữ liệu khách hàng để tối đa hóa dịch vụ, lợi nhuận, thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải đối mặt với các nguy cơ lộ lọt, rò rỉ, cố ý xâm hại, mua bán, trục lợi. Vì thế, rất cần sự phối hợp thiện chí của tất cả các nguồn, từ người dân, doanh nghiệp, nhà mạng, các cơ quan an ninh mạng, các chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân... để bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình.

Chống lừa đảo trên không gian mạng, phải từ gốc chứ không chỉ khuyến cáo hay gia tăng các biện pháp bảo vệ tài khoản của người dùng.

Theo Nguyên Minh (TNO)

Có thể bạn quan tâm