(GLO)- Phong trào “Chống rác thải nhựa” được Chính phủ phát động trên toàn quốc từ năm 2019. Tại Gia Lai, sau 3 năm triển khai, phong trào đã có sức lan tỏa rộng rãi, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong bảo vệ môi trường.
Bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết: Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động chống rác thải nhựa. Theo đó, các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã thực hiện đúng nội dung cam kết khi nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần; sử dụng cốc thủy tinh, cốc sứ, bình đựng nước dùng nhiều lần khi hội họp, tiếp khách trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động dọn vệ sinh, thu gom, phân loại rác thải để nâng cao ý thức, thay đổi hành vi của người dân trong chống rác thải nhựa. Không chỉ gương mẫu thực hiện, mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động đã vận động người thân, hàng xóm, cộng đồng cùng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông trong sinh hoạt và sản xuất.
Ông Lê Tấn Hiếu-Trưởng phòng TN-MT huyện Chư Prông-cho hay: Bên cạnh việc quán triệt hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần tại các cơ quan, đơn vị, chúng tôi còn phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép trong các buổi tập huấn về chống rác thải nhựa; ra mắt 17 câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa” với hơn 1.000 hội viên tham gia. Mỗi năm, ngành nông nghiệp huyện thải ra 5 tấn bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Do đó, UBND huyện đã xây dựng Đề án thu gom bao gói bảo vệ thực vật sau sử dụng đến năm 2025. Đến nay, huyện đã cấp kinh phí xây dựng 421 bể chứa bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật tại 12 xã, thị trấn; đồng thời, Phòng TN-MT phối hợp đơn vị thu gom 2 lần/năm để giảm thiểu tác động của rác thải đối với môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thu (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) tận dụng các bình nhựa đựng nước đã bỏ đi để trồng rau, kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Nhật Hào |
Đặc biệt, Sở TN-MT và Hội LHPN tỉnh đã ký cam kết phối hợp thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”. Bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-cho biết: Qua công tác phối hợp, Hội LHPN các cấp đã không còn sử dụng các sản phẩm nhựa một lần trong các hoạt động Hội. Ngoài ra, các cấp Hội còn thu gom hơn 44.000 tấn rác thải các loại, khơi thông trên 63 km cống rãnh, vệ sinh 2.557 giếng nước, 112 điểm giọt nước, đào gần 7.400 hố rác, di dời 1.817 chuồng trại gia súc ra sau nhà ở; tổ chức 430 đợt tuyên truyền và 45 chiến dịch truyền thông, phổ biến đến 47.240 lượt hội viên, phụ nữ về nguy cơ ô nhiễm nhựa và túi ni lông; hướng dẫn cách thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần trong đời sống, sinh hoạt bằng sản phẩm thân thiện với môi trường...
Ngoài ra, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì có hiệu quả 178 mô hình, câu lạc bộ liên quan đến phong trào “Chống rác thải nhựa” với gần 6 ngàn hội viên, phụ nữ tham gia. Điển hình như các mô hình: “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, “Nói không với túi ni lông và rác thải nhựa”, “Giảm thiểu rác thải”, “Đoạn đường không rác”, “Tổ phụ nữ tự nguyện thu gom rác”... Bà Trần Thị Hiền-Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tân An (huyện Đak Pơ) cho hay: Hội đã thành lập mô hình “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa” ở tất cả các thôn, làng. Các hội viên được tặng sọt đựng rác và làn nhựa để đi chợ nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông. Nhờ đó, nhiều hội viên đã trở thành tuyên truyền viên tích cực về hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần. Ngoài ra, Hội LHPN xã còn hướng dẫn các hội viên phân loại rác thải và thành lập 4 tổ thu gom rác ở các thôn, làng để góp phần gìn giữ môi trường xanh-sạch-đẹp.
Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã thành lập được 178 mô hình, câu lạc bộ liên quan tới phòng-chống rác thải nhựa. Ảnh: Nhật Hào |
Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: thói quen sử dụng sản phẩm từ nhựa, túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày vẫn còn phổ biến; việc phân loại rác thải nhựa, tỷ lệ thu gom, tái chế thấp; sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần chưa được phổ biến, giá thành còn cao. Ngoài ra, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” có lúc, có nơi còn hình thức, chưa thường xuyên; hiệu quả hoạt động của một số câu lạc bộ chưa rõ nét. “Thời gian tới, Sở TN-MT tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đặc biệt là với Hội LHPN tỉnh trong tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về môi trường; đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa”; duy trì, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả; phát hiện và khen thưởng kịp thời gương cá nhân, tập thể thực hiện tốt phong trào “Chống rác thải nhựa”-bà Vinh thông tin.
NHẬT HÀO