(GLO)- Liên tục có nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị khởi tố, triệu tập tới tòa sau khi các bị cáo trong vụ án Hà Văn Thắm khai ra hàng loạt khoản tiền chi lãi ngoài, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) hàng ngàn tỷ đồng. Xã hội nhận ra rằng, khi chưa cảm nhận được nguy cơ bị trừng phạt của pháp luật, các đối tượng phạm tội sẽ che giấu cho đồng bọn đến cùng. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng ta lãnh đạo vì thế cũng hết sức khó khăn.
Vụ án Hà Văn Thắm và đồng bọn can tội “cố ý làm trái” đã bước sang tuần xét xử thứ ba. Con số gần 2.000 tỷ đồng thiệt hại mà lãnh đạo OceanBank gây ra bắt đầu được làm rõ đường đi, cửa nhận. Tuy mới là “lời khai của một phía” nhưng ai cũng hiểu rằng những người được cho là đã nhận nhiều tỷ đồng tiền chi lãi ngoài của OceanBank chắc chắn đã có mối quan hệ “trên mức quà cáp bình thường”.
Ảnh minh họa |
Bởi lẽ, chủ trương chi lãi ngoài của Hà Văn Thắm được cấp dưới thực hiện trong suốt 4 năm, từ hội sở chính đến các chi nhánh. Đó là lý do tại sao trong tuần qua, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Liên doanh Vietsopetro và tuần này là 4 lãnh đạo chủ chốt của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn phải có mặt tại tòa để giải trình về những khoản tiền tỷ “chi lãi ngoài” mà họ được cho là đã nhận từ OceanBank dưới hình thức “chi phí chăm sóc khách hàng” như các cựu lãnh đạo ngân hàng này lý giải. Trước đó, từ lời khai của các bị cáo, 5 lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã bị khởi tố về tội cố ý làm trái gây thiệt hại cho Nhà nước 800 tỷ đồng.
Chắc chắn con đường dẫn đến hành vi sai phạm của họ ít nhiều cũng có phần góp sức của những túi quà bằng hàng chục ngàn đô la mà OceanBank biếu xén mỗi dịp lễ, Tết, liên hoan tổng kết cuối năm. Bởi trong số hàng trăm tỷ đồng chi lãi ngoài, hiện mới chỉ có 19 khách hàng thừa nhận có nhận với số tiền khoảng 3 tỷ đồng. Vậy phần lớn số tiền còn lại đã đi đâu? Ai là người đã tiếp tay cho số tiền này biến mất khỏi ngân hàng?
Theo dõi diễn biến phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng bọn, người ta mừng vì thấy những cái bắt tay trong bóng tối của các ông chủ ngân hàng và doanh nghiệp khi dùng đủ chiêu trò để chiếm đoạt tiền Nhà nước dần dần được bóc tách, những kẻ vi phạm pháp luật dần lộ mặt để chịu sự phán xử của pháp luật. Thế nhưng quá trình này cũng cho thấy một thực tế khác đang ngấm ngầm chống đối nhằm vô hiệu hóa cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Đó là, những tập đoàn vi phạm pháp luật sẽ ngoan cố tới cùng, chừng nào còn che giấu được thì chúng vẫn kiên quyết không khai ra những mắc xích tội phạm, nhằm thực hiện ý đồ thà hy sinh một vài mắc xích để cứu cả đường dây. Khai cứ khai, chối cứ chối. Vì tiền quà cáp, có ai viết giấy biên nhận bao giờ. Vậy nên việc lãnh đạo Vietsopetro và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn từ chối, không thừa nhận đã nhận tiền của OceanBank cũng lã lẽ bình thường!
Nói vậy để thấy rằng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng và các nhóm lợi ích, sẽ không có chuyện tự giác, tự nhận thức, tự đấu tranh sửa chữa sai lầm. Thế mới biết, câu nói vui “kính thưa các đồng chí chưa bị lộ” không phải vô duyên vô cớ lại được nhiều người xem như lời đúc kết về sự ngoan cố và thủ đoạn của những đường dây tham nhũng. Điều đó cũng cho thấy thực tế là vì sao cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng, dù được xác định là đấu tranh với giặc nội xâm, mang tinh thần quyết tâm cao độ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; được tổ chức quán triệt từ trung ương đến cơ sở, nhưng qua thời gian, các vụ án tham nhũng lớn hầu hết lại do người dân và báo chí phát hiện, chứ không phải do cán bộ, đảng viên phát hiện.
Sau 10 năm thi hành, Luật Phòng-chống tham nhũng đã bộc lộ một số bất cập so với đòi hỏi của thực tiễn và các chuẩn mực quốc tế về phòng-chống tham nhũng mà Việt Nam đã cam kết. Sự lạc hậu, lúng túng trong tư duy chính trị-pháp lý về tham nhũng và phòng-chống tham nhũng có nguyên nhân từ tính hình thức, thiếu đồng bộ của các quy định về phòng ngừa, xử lý tham nhũng. Vì vậy, trước yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung một cách căn bản và toàn diện Luật Phòng-chống tham nhũng, đòi hỏi cơ quan soạn thảo và người có trách nhiệm phải có cách tiếp cận “mở”, từ khái niệm tham nhũng, chủ thể của hành vi tham nhũng, phạm vi và khách thể xâm hại của hành vi tham nhũng…
Đồng thời, cần xác định chính xác những vấn đề thực tiễn mà Luật Phòng-chống tham nhũng và các văn bản pháp luật khác cần đối mặt để giải quyết triệt để, gắn công tác phòng-chống tham nhũng với quản trị tốt; gắn giáo dục đạo đức liêm chính với phát huy vai trò của xã hội trong phòng-chống tham nhũng; tăng cường tính độc lập của cơ quan chuyên trách phòng-chống tham nhũng, kiên quyết truy đến cùng đối tượng tham nhũng từ trong hang ổ, bắt chúng phải lộ mặt và chịu sự trừng trị của pháp luật.
Nguyễn Vân