Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Chống tham nhũng: Không thể như chém vào vạt áo đang bay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng vừa tổ chức cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến về tiến độ, kết quả, khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử với một số vụ án, xác minh một số vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo xử lý. Một lần nữa, tinh thần quyết tâm đấu tranh đến cùng với nạn tham nhũng của Đảng đã được khẳng định khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu xử sớm một số vụ án tham nhũng lớn.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc với những thành công là cơ bản, tuy vẫn còn một số vấn đề gợi lên không ít băn khoăn đối với cử tri. Đó là hiệu quả thực sự của cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng, khi hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, đối tượng tham nhũng ngày càng ranh ma, quỷ quyệt, luôn tìm cách luồn lách, qua mặt, thậm chí là thách thức cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng của Đảng ta.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Vì thế, khi Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương đưa các vụ án, đặc biệt là vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương ra xét xử trước Tết Nguyên đán và đầu năm sau đã được cán bộ, nhân dân cả nước đón nhận với tâm trạng đầy tin tưởng vào tinh thần quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã tích cực điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp với mức án nghiêm minh, đúng pháp luật, được dư luận đánh giá cao. Nhất là đã xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương, với những bản án thích đáng (gồm 1 án tử hình, 1 chung thân). Qua đó, làm rõ những sai phạm liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Rồi xét xử Châu Thị Thu Nga phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Dự án B5 Cầu Diễn, với bản án chung thân dành cho bị cáo này đã được dư luận đồng tình ủng hộ.  

Thái độ đấu tranh đến cùng với nạn tham nhũng còn được thể hiện khi dưới sự chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư-Trưởng ban Chỉ đạo, vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm “Tham ô tài sản; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam đã được đẩy nhanh tiến độ; nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2, Ban Điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch đã phải tra tay vào còng; Trịnh Xuân Thanh dù cố tình lẩn trốn, cuối cùng cũng phải đến Công an đầu thú, chờ ngày ra trước vành móng ngựa.

Việc nhanh chóng kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được dư luận xã hội quan tâm, trong đó, quyết định đưa ra xét xử công khai, công minh vụ án Trịnh Xuân Thanh tội danh tham ô và cố ý làm trái trước Tết Nguyên đán và tiếp sau đó là vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương trên tinh thần vừa đúng luật pháp, vừa phải tích cực, quyết liệt hơn theo yêu cầu nhiệm vụ, kế hoạch đề ra cho thấy Đảng-Nhà nước ta không khoan nhượng, không chùn bước với tội phạm tham nhũng.

Tuy nhiên, điều Tổng Bí thư chưa yên tâm, cũng là điều mà đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước chưa hài lòng là khâu điều tra, giám định, thu hồi tài sản tham nhũng vẫn chưa thực sự chuyển biến. Nhân dân mong muốn, đã chống tham nhũng là phải làm hết trách nhiệm, không đánh rắn giữa khúc, truy đến cùng để thu hồi bằng được tài sản tham nhũng về cho đất nước. Để cuộc chiến cam go nhưng mang ý nghĩa cao cả vì sự trong sạch của bộ máy, vì sự tồn vong của đất nước này, không thể là “chém vào vạt áo đang bay”-như lời một đại biểu Quốc hội đã ví von khi bàn về dự thảo Luật  Phòng-chống tham nhũng tại kỳ họp vừa rồi!

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm