(GLO)- Thực hiện Quyết định số 922/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai, các địa phương đã chủ động cân đối ngân sách để mua vắc xin tiêm phòng cho gia súc và hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, tại một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện những ổ dịch tả heo châu Phi nhưng được cơ quan chuyên môn xử lý kịp thời, không để lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển mùa như hiện nay, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, nhất là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đặc biệt, bệnh dịch tả heo châu Phi chưa có vắc xin tiêm phòng.
Cán bộ thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn bò. Ảnh: Nguyễn Hồng |
Cùng với đó, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phòng-chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản năm 2022. Theo quyết định này, các địa phương phải chủ động xuất ngân sách mua đủ số lượng các loại vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng, dịch tả heo, bệnh dại chó mèo; đồng thời, tự mua hóa chất tiêu độc khử trùng phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia súc. Trên cơ sở quyết định của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-SNNPTNT về triển khai các giải pháp thực hiện. Cụ thể, đợt 1 tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng trên đàn trâu, bò từ tháng 4 đến tháng 5; tụ huyết trùng trâu, bò tiêm 1 lần vào tháng 5 và 6. Đối với đàn heo, tiến hành tiêm phòng vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn và dịch tả heo 1 lần vào tháng 5 và 6.
Ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho biết: Kông Chro có đàn gia súc lớn thứ 2 của tỉnh. Những năm trước, toàn bộ vắc xin, kinh phí trả công tiêm phòng và hóa chất đều được UBND tỉnh hỗ trợ. Năm nay, huyện phải xuất ngân sách mua các loại vắc xin, hóa chất phòng-chống dịch bệnh, trong khi điều kiện kinh tế của huyện còn nhiều khó khăn. “Dù vậy, chúng tôi sẽ huy động nguồn lực để phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia súc nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi”-ông Ẩn thông tin.
Tương tự, huyện Krông Pa cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện Quyết định số 922 của UBND tỉnh. Ông Âu Thành Trung-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho hay: “Kinh phí mua các loại vắc xin, hóa chất để tiêm phòng cho đàn gia súc lên đến 9 tỷ đồng, quá lớn so với ngân sách dự phòng của huyện. Vì vậy, nguy cơ vỡ kế hoạch tiêm phòng theo đúng thời gian quy định là rất lớn. Chúng tôi rất mong tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí mua các loại vắc xin tiêm phòng đảm bảo theo kế hoạch”.
Nhằm đảm bảo an toàn phòng-chống dịch bệnh cho gia súc, một số địa phương đã chủ động cân đối một phần ngân sách để cấp cho cơ quan chuyên môn triển khai mua các loại vắc xin chuẩn bị tiêm phòng đợt 1 bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò. Theo đó, huyện Đak Đoa đã xuất 450 triệu đồng mua vắc xin và hóa chất hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách tiêm phòng một phần cho đàn gia súc của gia đình. Huyện Đak Pơ cũng đã xuất ngân sách hơn 1 tỷ đồng để mua các loại vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc.
Theo ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh: Tổng kinh phí mua các loại vắc xin phòng-chống dịch bệnh cho đàn gia súc trên địa bàn huyện khoảng hơn 2 tỷ đồng. Trước mắt, huyện dự kiến hỗ trợ khoảng 5.000 liều vắc xin để tiêm cho đàn gia súc của hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động những hộ dân có điều kiện kinh tế chủ động mua vắc xin, huyện sẽ hỗ trợ công tiêm phòng.
Trao đổi với P.V, ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Chi cục tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng-chống dịch bệnh trên động vật. Đồng thời, khuyến khích các hộ xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường tiêu độc khử trùng ứng phó với điều kiện bất lợi của thời tiết. Hy vọng, thời gian tới, việc tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc được các địa phương đẩy nhanh tiến độ, góp phần ngăn chặn dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.
NGUYỄN HỒNG