(GLO)- Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa mưa bão năm nay diễn biến khó lường, có thể xuất hiện nhiều đợt áp thấp nhiệt đới, bão nối tiếp nhau nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng trên địa bàn tỉnh. Do đó, các cấp, các ngành và người dân cần chủ động triển khai biện pháp ứng phó với mưa bão nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Nhiều rủi ro khi mưa to, gió lớn
Ông Nguyễn Văn Huấn-Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên) cho hay: Dự báo trong năm 2022, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến khó lường. Tổng lượng mưa trung bình năm 2022 không cao hơn so với trung bình nhiều năm nhưng mùa mưa đến sớm và kết thúc muộn hơn so với mọi năm. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, thậm chí kéo dài sang tháng 1-2023, lượng mưa dự báo xấp xỉ hoặc cao hơn so với trung bình nhiều năm và có số ngày mưa lớn, trên diện rộng. Do đó, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở những vùng trũng, người dân cần chú ý đề phòng.
Điển hình như đợt mưa kéo dài trên diện rộng bắt đầu từ ngày 7-8 vừa qua đã gây ngập lụt cục bộ tại một số địa phương trong tỉnh. Mưa lớn nên lượng nước từ đầu nguồn các sông, suối đổ về nhiều khiến một số cầu tràn qua suối bị ngập sâu gây chia cắt về giao thông. Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) cho biết: Đợt mưa kéo dài khiến mực nước qua các cầu tràn suối Khôn, suối Mỹ, suối Do dâng cao, gây chia cắt một số nơi nhưng may mắn không gây thiệt hại về người và tài sản. “Ngay từ đầu mùa mưa, xã đã huy động các hội, đoàn thể, lực lượng dân quân, Công an phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh những khu vực dân cư thường xuyên xảy ra ngập úng. Nhờ đó, trận mưa lớn vừa qua, các khu vực này đã hạn chế được tình trạng ngập úng”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr thông tin.
Huyện Đak Pơ huy động lực lượng khắc phục điểm sạt lở trên đường vào xã Ya Hội. Ảnh: Quang Tấn |
Rút kinh nghiệm từ những mùa mưa bão trước, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương sẵn sàng ứng phó với các hiểm họa có thể xảy ra. Theo đó, huyện đã chỉ đạo các địa phương cắt cử lực lượng trực tại các ngầm tràn thường xuyên xảy ra ngập ở các xã: Đak Hlơ, Kông Pla, Sơ Pai, Krong, Kon Pne, Sơn Lang. Đặc biệt, để ứng phó với mưa lớn nguy cơ sạt lở dọc tuyến đường Trường Sơn Đông, đường ra khu sản xuất làng Srắt (xã Sơn Lang), đèo Kon Pne…, UBND huyện chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên đi lại khi có mưa lớn và lắp đặt biển cảnh báo. Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Bước vào mùa mưa lũ năm nay, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phòng-chống thiên tai. Trong đó, huyện tập trung kiện toàn Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; xây dựng lực lượng xung kích ở các xã, thị trấn, chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó thiên tai theo từng cấp độ. “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện chưa có thiệt hại lớn do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, các cấp, ngành không chủ quan, tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra”-ông Tình nói.
Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 và từ đầu năm 2022 đến nay là hơn 315,5 tỷ đồng. Cụ thể, trong năm 2021, thiên tai làm 7 người chết, 6 người bị thương; 326 nhà dân bị sập, tốc mái, ngập nước; hơn 1.800 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị thiệt hại; nhiều tuyến đường tỉnh, huyện, xã và cầu, cống bị sạt lở, hư hỏng. Từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai khiến hơn 1.991 ha cây trồng các loại bị thiệt hại; 219 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng, ngập; 1 người chết do bị sét đánh và một số cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi bị ảnh hưởng.
Chủ động ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”
Để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết có xu thế bất thường và cực đoan, công tác phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo ngay từ đầu năm. Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, chính quyền địa phương chủ động ứng phó với mưa bão theo nguyên tắc “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” và phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Quán triệt chỉ đạo của UBND tỉnh, ngay từ đầu mùa mưa bão, UBND huyện Đak Pơ đã tập trung triển khai kịp thời các biện pháp chủ động ứng phó thiên tai đến tận thôn, làng, tổ dân phố. Theo ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Hiện nay, UBND huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời ban hành kế hoạch phòng-chống thiên tai theo từng cấp độ. Đồng thời, huyện chủ động nhân lực và phương tiện máy móc theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng khắc phục kịp thời khi có sạt lở đất xảy ra, đảm bảo lưu thông đi lại thuận lợi, hạn chế thiệt hại. Nhìn chung, thời tiết trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay diễn biến khá thuận lợi. “Từ nay đến cuối năm, Phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng chính quyền địa phương các cấp theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó với thiên tai, giảm thiệt hại về người và tài sản”-ông Hiệp thông tin.
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu các chủ hồ thủy lợi, thủy điện xây dựng quy chế phối hợp trong vận hành xả lũ với địa phương khu vực hạ du nhằm giảm thiểu thiệt hại do việc xả lũ. Ảnh: Quang Tấn |
Để đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa bão năm 2022 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư sửa chữa 6 hồ chứa nước bị xuống cấp, hư hỏng với kinh phí 60 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm triển khai Dự án nâng cao an toàn đập và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới mà UBND tỉnh đã đăng ký tham gia giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí khoảng 553,2 tỷ đồng nhằm đảm bảo an toàn các hồ chứa trong mùa mưa lũ. |
Còn ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện thì cho biết: Huyện đã tổ chức rà soát, điều chỉnh bổ sung phương án, kế hoạch chuẩn bị vật tư, trang-thiết bị, lương thực, thực phẩm, phương tiện, lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” sát với thực tế. Cùng với đó, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo thiên tai, bảo đảm thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền đến từng thôn, làng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa để người dân sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai; tập trung rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở... để triển khai phương án sơ tán; thường xuyên thông báo tình hình mưa lũ để người dân chủ động ứng phó, hạn chế đi lại trong vùng nguy hiểm.
Trao đổi với P.V, ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến, các hình thái cực đoan của thời tiết để có giải pháp ứng phó, phòng-chống phù hợp. Bên cạnh đó, Sở cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra an toàn hồ đập; đôn đốc các chủ hồ thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn hồ, đập theo quy định của Chính phủ; giám sát chặt chẽ việc vận hành xả lũ các hồ chứa thủy điện theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên hệ thống sông Ba và sông Sê San. Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các chủ hồ thủy lợi, thủy điện xây dựng quy chế phối hợp trong vận hành xả lũ với địa phương khu vực hạ du nhằm giảm thiểu thiệt hại do việc xả lũ. Cùng với đó, Sở đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo thiên tai, bảo đảm thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền đến từng thôn, làng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa để người dân sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai nguy hiểm; tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các dự án, di dời dân cư vùng ven sông, suối thường xuyên bị ngập lũ, vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn.
QUANG TẤN - NGỌC SANG