Xã hội

Đời sống

Tập trung thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 8.600 nhà tạm, nhà dột nát. Với mục tiêu hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong tháng 6-2025, tỉnh đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện.

Tại huyện Mang Yang, tổng số nhà tạm, nhà dột nát cần hỗ trợ xây dựng, sửa chữa là 639 căn; trong đó xây dựng 508 căn, sửa chữa 131 căn. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện trên 32,7 tỷ đồng (theo định mức hỗ trợ là 60 triệu đồng/hộ/căn khi xây dựng, 30 triệu đồng/hộ/căn khi sửa chữa và các nguồn lực xã hội hóa).

Xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ quan trọng, Ban Thường vụ Huyện ủy Mang Yang đã ban hành Quyết định số 2471-QĐ/HU ngày 28-11-2024 về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện. Đồng thời, chỉ đạo 12 xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát để đẩy nhanh thực hiện ở từng địa phương.

Ông Lê Trọng-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện-cho hay: Bên cạnh nguồn kinh phí của Nhà nước, huyện huy động thêm nguồn lực xã hội hóa, sự đóng góp ngày công của các đơn vị lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, Mang Yang là địa phương có ít công ty và doanh nghiệp lớn đứng chân nên gặp khó khăn trong huy động nguồn lực xã hội hóa.

lanh-dao-ubnd-tinh-gia-lai-cung-lanh-dao-mot-so-so-nganh-cua-tinh-tiep-nhan-nguon-luc-xay-dung-nha-o-cho-ho-ngheo-tren-dia-ban-tinh-anh-mn.jpg
Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh tiếp nhận nguồn lực xây dựng nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.N

Với huyện Chư Prông, địa phương có 1.490 căn nhà tạm, nhà dột nát; trong đó 1.411 nhà cần xây dựng, 79 nhà cần sửa chữa. Đây cũng là địa phương có số nhà tạm, nhà dột nát nhiều nhất tỉnh.

Ông Ksor Việt-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-cho biết: “Địa phương có số nhà tạm, nhà dột nát nhiều, tập trung ở các xã Ia Bang, Ia Me… Thực hiện chủ trương của trên, huyện tiến hành họp Ban Chỉ đạo và phân công cụ thể nhiệm vụ với từng cơ quan, đơn vị, địa phương; quán triệt tinh thần ưu tiên xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình chính sách, người có công trước, rồi đến các đối tượng tiếp theo.

Huyện phát động tiếp nhận nguồn lực ủng hộ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân cùng tham gia góp công, góp sức để chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh (tính đến ngày 10-1-2025), toàn tỉnh có 8.632 nhà tạm, nhà dột nát cần xây dựng và sửa chữa, gồm: 236 nhà ở cho người có công; 5.916 nhà ở cho hộ nghèo; 2.480 nhà ở cho hộ cận nghèo. Tổng nhu cầu kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở là 472,53 tỷ đồng.

Tỉnh đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, đơn vị liên quan sớm phân bổ, chuyển các nguồn kinh phí hỗ trợ để địa phương triển khai thực hiện. Cụ thể, đề nghị Chính phủ sớm phân bổ 19,12 tỷ đồng nguồn vốn vay năm 2024 cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26-4-2022 của Chính phủ để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của tỉnh; sớm phân bổ nguồn vốn sự nghiệp năm 2025 cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó dự kiến 17,963 tỷ đồng để thực hiện Dự án 5-Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Tập đoàn KN... sớm chuyển kinh phí hỗ trợ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho tỉnh thông qua tài khoản Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh.

Với mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong tháng 6-2025, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã và đang khẩn trương triển khai thực hiện. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, tính đến ngày 10-1-2025, có 17/17 địa phương đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương và kế hoạch triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Có 13/17 địa phương đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có công với cách mạng đủ điều kiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở trên địa bàn.

quang-canh-cuoc-hop-cua-ubnd-tinh-de-nam-bat-tien-do-trien-khai-cong-tac-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-tren-dia-ban-tinh-anh-ah.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Ảnh: A.H

Xác định chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, ngày 9-1, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là những vấn đề về thủ tục pháp lý liên quan đến đất xây dựng nhà ở; phương án, cách thức xây dựng, sửa chữa nhà ở; hồ sơ thanh quyết toán các nguồn kinh phí thực hiện chương trình...

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện với tinh thần quyết tâm cao nhất. Vấn đề càng vướng, càng khó thì càng phải tăng cường kiểm tra, giám sát.

Tại phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước diễn ra chiều 12-1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính-Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương-nhấn mạnh: Việc thực hiện thành công chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta với tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”.

Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật kết quả thực hiện theo ngày, tuần, tháng, quý và từ nay đến cuối năm của từng cấp chính quyền cơ sở. Yêu cầu các địa phương chủ động xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên địa bàn theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo đối với những vấn đề vượt thẩm quyền để được tháo gỡ, giải quyết.

Có thể bạn quan tâm