Thời sự - Sự kiện

Chủ động phòng-chống sạt lở, bảo đảm an toàn cho người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 9-8, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 2116/UBND-NL gửi các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị về việc tập trung ứng phó với mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập trên địa bàn.

Trước đó, ngày 4-8, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 725/CĐ-TTg về tập trung ứng phó với mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập tại các tỉnh Tây Nguyên. Nhằm thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm nhiệm vụ được phân công tại Công văn số 1836/UBND-NL ngày 14-7-2023 của UBND tỉnh về chủ động ứng phó với sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân trước và trong mùa mưa lũ và Kế hoạch số 830/KH-UBND ngày 12-4-2023 của UBND tỉnh về tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2023.

Mưa lớn khiến đất bùn bồi lấp ruộng lúa của người dân ở xã A Dơk (huyện Đak Đoa). Ảnh: Phương Vi

Mưa lớn khiến đất bùn bồi lấp ruộng lúa của người dân ở xã A Dơk (huyện Đak Đoa). Ảnh: Phương Vi

Đồng thời, các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại nhà máy, xí nghiệp... ven sông suối, khu vực sườn đồi, sườn dốc và các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt khi có mưa lớn, nhất là các khu vực dân cư lân cận và hạ du các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tiềm ẩn nguy cơ sụt lún, sạt lở đất, ngập lụt, lũ quét... Xây dựng phương án, triển khai lực lượng chủ động phòng-chống sạt lở, sụt lún, ngập lụt, lũ quét và kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người dân, hạn chế thiệt hại về tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt, chủ động thực hiện phương án di dời dân, ổn định nơi tránh trú, ổn định đời sống cho các hộ dân khi thực hiện di dời. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở để huy động sức mạnh của người dân trong việc phát hiện, thông báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; chủ động ứng phó khi có sự cố nhằm hạn chế thiệt hại…

Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông-Vận tải, Xây dựng và các địa phương có trách nhiệm phối hợp rà soát các khu vực có nguy cơ sụt lún, trượt lở đất, kiểm tra những hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn; nghiên cứu giải pháp xử lý, khắc phục các vị trí có nguy cơ sạt lở, kịp thời cảnh báo, yêu cầu các địa phương thực hiện công tác di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm có khả năng xảy ra tình trạng sụt lún, sạt lở đất, ngập lụt, lũ quét nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị bảo trì đường bộ thực hiện nghiêm công tác trực, tuần đường, báo cáo diễn biến thiên tai; kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đá; lũ quét để có phương án phân luồng từ xa; chuẩn bị nhân lực, vật tư, trang-thiết bị, máy móc sẵn sàng xử lý, khắc phục giao thông khi có lũ quét, sạt lở đất, đá, trôi cầu, đứt đường xảy ra.

Cùng với đó, kiên quyết đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không đảm bảo an toàn hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến dòng chảy, hành lang thoát lũ theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm tra, rà soát công tác quản lý đô thị và hoạt động xây dựng để hạn chế xảy ra sạt lở; nghiên cứu, đề xuất giải pháp để khắc phục tình trạng ngập cục bộ tại các đô thị, các khu dân cư khi xảy ra mưa lớn…

Các đơn vị quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước trong tỉnh tăng cường kiểm tra mức độ ổn định, an toàn của các đập, hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện đang thi công hoặc được giao quản lý khai thác; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và Kế hoạch số 830/KH-UBND của UBND tỉnh.

Có thể bạn quan tâm