Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Chủ động, sáng tạo tìm lợi thế phát triển ngành nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 4-1 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Dự và chủ trì có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các bộ, ngành liên quan. Tại đầu cầu Gia Lai có ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
 

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: N.D
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: N.D

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong năm 2017 ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thách thức thiên tai bão lũ xảy ra liên tiếp và kéo dài khắp các vùng trong cả nước gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản. Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng nông sản tiếp tục đối mặt với nhiều rào cản thương mại… Vượt qua những trở lực này, ngành nông nghiệp đã nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước.

Theo đó, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp trong năm 2017 tăng  3,16% so với năm 2016. Trong đó, trồng trọt tăng 2,23%; chăn nuôi tăng 2,16%; lâm nghiệp tăng 5,17%… GDP nông lâm thủy sản tăng 2,9%.

Tại Gia Lai, trong năm qua giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 25.641,5 tỷ đồng (theo giá năm 2010), đạt 99,1% so với kế hoạch, tăng 6,73% so với cùng kỳ năm 2016. Ngành nông nghiệp tỉnh đã kiến nghị và đề xuất với Trung ương như: ưu tiên bố trí vốn thực hiện Đề án nâng cao năng lực PCCCR giai đọan 2017-2020. Có Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 38/2016/QĐ-CP về một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư kết cấu hạ tầng, xem xét quyết định phê duyệt báo cáo tiền khả thi dự án hỗ trợ đầu tư Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2020. Hỗ trợ đầu tư xây dựng khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tiếp tục bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP và Quyết định38/2016/QĐ-TTg về chính sách bảo vệ và phát triển rừng…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong năm 2017 mặc dù gặp rất nhiều thiên tai nhưng ngành nông nghiệp đã nỗ lực vượt qua những khó khăn đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Một số ngành như rau, củ, quả, lương thực, chế biến gỗ… phát triển tốt. Phòng chống cháy rừng có nhiều tiến bộ, hệ thống phòng chống thiên tai đã phát huy tác dụng. Nhiều doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp đóng góp lớn vào bức tranh sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập như: tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa mạnh mẽ. Vi phạm trong lĩnh vực nông, lâm thủy sản còn lớn, tình trạng phá rừng tự nhiên và năng suất lao động còn thấp, sản xuất nông nghiệp còn bị động. Hạ tầng nông nghiệp còn bất cập, chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất tốt. Một bộ phận nông dân ở các vùng bị thiên tai, vùng núi vẫn còn rất nhiều khó khăn…

Trong năm 2018 ngành nông nghiệp triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương để tạo chuyển biến về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng  ứng dụng công nghệ cao. Nâng tầm sản xuất nông nghiệp cao hơn nữa, xây dựng các chỉ tiêu cụ thể của ngành. Quan tâm xử lý những bức xúc trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Sự vào cuộc của các cấp, ngành vào ngành nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sạch và thông minh. Chuyển đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nhân rộng những cách làm hay của nông dân và doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ vật tư nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông lâm thủy sản. Chủ động phòng chống tiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, ngành nông nghiệp các địa phương cần chủ động, sáng tạo tìm lợi thế để phát triển nông nghiệp và tập trung lo tết cho nông dân ở các vùng thiên tai…

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm