Kinh tế

Chủ động tháo gỡ những hạn chế để phát triển năng lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Đó là một trong những nội dung quan trọng mà ông Bùi Văn Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Gia Lai thực hiện tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) với tỉnh Gia Lai vào ngày 21-7 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh.


Cánh đồng điện gió Ia Pết (huyện Đak Đoa). Ảnh: Hà Duy
Cánh đồng điện gió Ia Pết (huyện Đak Đoa). Ảnh: Hà Duy

Phát huy tốt tiềm năng, lợi thế

Gia Lai là địa phương được thiên nhiên ưu đãi nhiều tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (như: thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối). Với vị trí nằm ở trung tâm của khu vực Tây Nguyên, hầu như tất cả các đường dây 500 kV từ Bắc vào Nam đều đi qua địa bàn nên Gia Lai là một tỉnh có vị trí rất quan trọng của cả nước về truyền tải điện. Thực hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước “Phát triển năng lượng phải đi trước một bước, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”, Gia Lai đã quan tâm kêu gọi các nhà đầu tư tiến hành khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch và triển khai các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.

Theo đó, toàn tỉnh hiện có 88 dự án năng lượng tái tạo được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch với tổng quy mô công suất 4.347,89 MW (trong đó, đã đưa vào vận hành khoảng 3.005 MW), gồm: 60 dự án thủy điện với tổng công suất gần 2.331 MW; 9 dự án điện mặt trời với tổng công suất 787 MWp; 17 dự án điện gió với tổng công suất hơn 1.242 MW; 2 nhà máy điện sinh khối từ bã mía với tổng công suất gần 130 MW; 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 480 MW. Tỉnh đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan xem xét, đưa vào trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, có xét đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) đối với 135 các dự án nguồn năng lượng tái tạo và lưới điện truyền tải có tính khả thi, với tổng công suất khoảng 15.566 MW nhằm huy động các nguồn lực để phát triển với chất lượng ngày càng cao. Trong giai đoạn 2016-2021, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nhà máy thủy điện và các nhà máy năng lượng tái tạo khác khoảng 40.096 triệu kWh.

Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Bùi Văn Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội làm trưởng đoàn làm việc với tỉnh Gia Lai về phát triển năng lượng. Ảnh: Hà Duy
Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Bùi Văn Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội làm trưởng đoàn làm việc với tỉnh Gia Lai về phát triển năng lượng. Ảnh: Hà Duy

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đã khai thác được tiềm năng, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, bảo đảm hiệu quả đầu tư, tăng kết cấu hạ tầng nông thôn, ít gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và góp phần chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thu hút một số lượng lớn vốn đầu tư vào tỉnh (trung bình 30 tỷ/1 MW thủy điện, 25 tỷ/1 MW điện mặt trời nối lưới, 35 tỷ/1 MW điện gió, 20 tỷ/1 MW điện sinh khối). Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh còn góp phần phát triển du lịch của địa phương, bảo đảm an ninh năng lượng, tăng sản lượng điện hằng năm cho lưới điện quốc gia (hiện đóng góp khoảng gần 8 tỷ kWh/năm) nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung (bình quân tăng 15%/năm).

Liên quan đến hệ thống lưới điện của tỉnh, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương cho hay: “Lưới điện tại Gia Lai đã được quan tâm đầu tư, cơ bản hoàn thiện với nhiều cấp điện áp, 0,4-500 kV, có quy mô, khối lượng tương đối lớn, góp phần bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải của tỉnh, công suất truyền tải giữa lưới điện của tỉnh với các tỉnh lân cận và với hệ thống điện quốc gia ở mức cao, bảo đảm khả năng giải phóng công suất của các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai xây dựng lưới điện, do có sự kiểm tra, rà soát chặt chẽ của các đơn vị chức năng có liên quan nên các dự án năng lượng khi triển khai đầu tư đều không gặp khó khăn, vướng mắc lớn liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh”.

Nhiều kiến nghị để gỡ khó

Bên cạnh kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cũng đang “trì níu” sự tăng trưởng, làm hạn chế thu hút đầu tư trong phát triển năng lượng. Trong đó, những vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án điện gió là vấn đề được đề cập nhiều tại buổi làm việc, bởi vấn đề này đến nay vẫn chưa thể giải quyết, xử lý, nhất là đối với việc bồi thường, hỗ trợ diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn của cột tháp gió.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có nhiều kiến nghị về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát. Ảnh: Hà Duy
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có nhiều kiến nghị về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát. Ảnh: Hà Duy

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị: “Gia Lai vẫn còn một số dự án điện gió đã hoàn thành nhưng chưa thể vận hành được, đề nghị các bộ, ngành Trung ương có những văn bản hướng dẫn cụ thể để địa phương có cơ sở triển khai, tạo điều kiện để các dự án này được hoạt động.Về các chính sách hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng xảy ra chủ yếu ở các dự án điện gió, nhưng ở cấp địa phương không thể có quy định tạm thời để hỗ trợ cho người dân. Chúng tôi đề nghị Trung ương, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan có những quy định, hướng dẫn để địa phương có cơ sở thực hiện”.

Ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Người dân yêu cầu cần có sự đối thoại giữa doanh nghiệp với người dân để có tiếng nói chung, nhưng doanh nghiệp không thực hiện, cũng không báo với chính quyền địa phương, điều này cho thấy sự phối hợp chưa tốt. Đối với các dự án điện gió chưa đưa vào vận hành, để thuận lợi cho doanh nghiệp về mặt thời gian để Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiệm thu, đưa vào sử dụng, chúng tôi đã tạo điều kiện hết mức là gia hạn thủ tục theo thẩm quyền, nhưng chúng tôi cũng chưa được thông báo bao giờ nghiệm thu. Đề nghị cần có sự phối hợp tốt hơn giữa EVN, doanh nghiệp với chính quyền địa phương. Ngoài ra, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, cán bộ và nhân dân chưa hình dung ra được mức độ, tác động, quy mô của các trụ điện gió, nên sau đó mới phát sinh những vướng mắc liên quan đến mặt bằng, tiếng ồn”.

Còn ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về năng lượng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau chưa được ban hành đồng bộ, đầy đủ và kịp thời theo thực tế triển khai, nên các địa phương còn vướng mắc, khó khăn triển khai thực hiện, như: chưa có các quy định, hướng dẫn về thực hiện đấu thầu, đấu giá mua điện các dự án điện mặt trời, điện gió; chưa có quy định về công tác vận hành và bảo trì (O&M), quy định về an toàn, phòng cháy, chữa cháy cho các dự án điện gió, điện mặt trời; chưa có quy định về kiểm soát chất lượng và bảo đảm xử lý môi trường đối với các tấm pin mặt trời; chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn của cột tháp gió…”.

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Một số kiến nghị, đề xuất khác cũng được đại diện các sở, ngành thuộc tỉnh đưa ra tại buổi làm việc, như: kiến nghị Quốc hội chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, trong đó có quy định về hợp tác đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải công suất các dự án điện để địa phương có cơ sở đề nghị các nhà đầu tư tham gia góp vốn triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định. Đồng thời kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương xem xét rà soát, cập nhật tiềm năng, hiện trạng phát triển và danh mục các dự án năng lượng tái tạo đã được đề xuất quy hoạch trên địa bàn tỉnh Gia Lai vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII để triển khai đầu tư phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Sau khi nghe ý kiến đánh giá cũng như những thắc mắc của các thành viên trong Đoàn Giám sát cũng như những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, ông Bùi Văn Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của tỉnh trong thực hiện chính sách, pháp luật, ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền của địa phương đối với phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh. “Cũng như nhiều địa phương khác, trong công tác phát triển năng lượng thời gian qua, Gia Lai cũng có những hạn chế, tồn tại cần tập trung giải quyết. Tôi cho rằng, nếu những tồn tại, hạn chế thuộc thẩm quyền mà tỉnh có thể giải quyết thì nên chủ động tập trung để giải quyết. Chúng tôi ghi nhận những kiến nghị của tỉnh và sẽ báo cáo lại để kịp thời tháo gỡ. Còn đối với thời gian tới, tôi đề nghị khi cấp quyết định chủ trương đầu tư các dự án, cần tính đến tính hiệu quả, khả thi của dự án; Gia Lai cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý, đảm bảo an toàn các đường truyền tải điện, an toàn cho các nhà máy điện, an toàn hồ đập thủy điện. Đồng thời tiếp tục quan tâm cải cách thủ tục hành chính, số hóa trong quản lý nhà nước; có định hướng tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh; quan tâm hơn nữa đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo sinh kế cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong vùng dự án”.

Có thể bạn quan tâm