Điểm đến Gia Lai

Chư Mố huyền bí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi khi đến thung lũng sông Ba, như một phản xạ có điều kiện, tầm mắt tôi lại lia thẳng về phía có ngọn Chư Mố. Mặc dù chỉ là lướt qua hay sẽ vượt sông sang bên ấy thì những câu chuyện về núi Mố huyền bí lại hiện về trong tôi.

Chư Mố là ngọn núi nhỏ, nằm lẻ loi trên một vùng đất bằng phẳng ở bờ Bắc sông Ba, thuộc huyện Ia Pa. Cuối năm 1983, xã Ia Tul được được chia tách để thành lập thêm xã mới Chư Mố (lúc đó thuộc huyện Ayun Pa). Thế là Chư Mố trở thành tên của một xã, nơi sinh sống của các cộng đồng Jrai hình thành từ làng gốc Plei Pa nổi tiếng khắp vùng vì có nhiều con gái đẹp.

Các bạn trẻ trong hành trình chinh phục đỉnh Chư Mố năm 2018. Ảnh: Chí Hào

Các bạn trẻ trong hành trình chinh phục đỉnh Chư Mố năm 2018. Ảnh: Chí Hào

Theo Ơi Phôk (buôn Biah, xã Ia Tul), người Jrai trong vùng giải thích việc núi Mố đứng một mình cũng rất thú vị. Chuyện là, một vị thần chẳng may có con bị chết. Thương con, thần phải đi lấy đất từ phía Tây về để đắp mộ cho con ở gần núi Jú. Khi bay ngang qua đây, thần làm rơi một ít đất, tạo thành ngọn Chư Mố tròn như cái bát úp cạnh sông Tul.

Dù chỉ cách Ayun Pa 7 km nhưng đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, dòng sông Ba hiền hòa, thơ mộng vào mùa khô, lại là lát cắt hung dữ, nghiệt ngã, ngăn cách vùng Plei Pa với thị trấn sầm uất ở bờ Nam sông trong mùa lũ.

Bến đò Chư Mố nhỏ nhoi, bất lực chứng kiến mỗi mùa mưa, dòng sông mang đi ít nhất một mạng sống, mà dân làng tin rằng, đó là những người bị Yang Ia (thần Nước) bắt đi. Nhưng có lẽ cũng vì sự cách trở mà đến lúc ấy, mảng chuyện ly kỳ, huyền bí vẫn ăm ắp ở nơi này.

Người Plei Pa quanh núi Mố tự hào với niềm tin Chư Mố là một ngọn núi anh hùng. Thuở xưa, núi đã từng đi chiến đấu, đánh nhau và chiến thắng núi Hdrung (Hàm Rồng) trên cao nguyên Pleiku, lấy được một góc của Hdrung đắp vào núi Mố. Vì vậy mà sau này, Hdrung thì bị khuyết một miếng; còn núi Mố dù nằm giữa vùng đất phù sa ven sông nhưng trên đỉnh lại có một phần là đất đỏ bazan.

Trong ánh lửa bập bùng, huyền ảo nơi góc nhà sàn, bên cạnh những lời ru thể hiện mơ ước của người Plei Pa mà chú Ksor Krơn (Nguyễn Văn Sỹ) lúc sinh thời vẫn nói với chúng tôi: “Mẹ sinh con trai đẹp như cà trắng, như người thầy giáo, như con trai Kinh” thì nhiều câu chuyện được kể trong đêm của những thầy cúng như ông Rơ Ô Nêm (Ơi Phôk), Hiao Chul (Ơi Thoại)… xen tiếng củi nổ tí tách, tiếng gió thầm thì… đưa chúng tôi vào với thế giới huyền bí của thần linh cũng có sức hút lạ lùng.

Theo lời của người già nơi đây, bà con Jrai trong vùng tin rằng, ở núi Mố có 4 vị thần cai quản ở 4 hướng. Lần lượt là: Mố ở phía Tây Bắc, Săk ở phía Tây Nam, Dyung ở phía Đông Nam và H’Djô ở phía Đông Bắc.

Thứ bậc linh thiêng của các vị thần này được thể hiện trong lời khấn lần lượt từ Mố, Săk, Dyung và cuối cùng là H’Djô. Trong số 4 vị thần cai quản núi Mố thì Săk và Dyung là nam thần; còn Mố và H’Djô là nữ thần. Người dân trong vùng tin rằng, họ đã từng nghe tiếng giã gạo trên núi Mố của các thần.

Mố-tên của vị thần ở núi này không chỉ có nghĩa là “vợ” trong ngôn ngữ Jrai (cũng hàm nghĩa của tên ngọn núi, đối diện với một núi khác người Jrai gọi là Chư Ung-núi Chồng) mà còn có ý là “cưng”, “yêu” để chỉ một phụ nữ không chồng. Từ này cũng được người Jrai trong vùng dùng để “nựng” những bé gái như kiểu người Việt gọi là “cưng”.

Ngoài những vị thần nói trên, ở núi Mố còn có 2 vị thần mà theo người địa phương là ít quan trọng hơn: Yang War Kơbao (thần chuồng trâu) ở đỉnh núi và Yang Ia Mun (thần giếng nước) ở chân núi phía Nam.

Ngày xưa, trên sườn núi Mố còn có con voi đá cũng rất linh. Có một toán người Việt đã tìm cách lấy nó đi. Họ buộc con voi vào một cái gậy để khiêng. Xuống đến chân núi, những người khiêng voi cảm thấy như họ đang bị lún sâu xuống nước. Họ phải buông con voi ra, quẫy cựa để thở. Rồi họ đi như bơi, sau đó ngã xuống đất, tự cào cấu vào ngực mình cho đến chết.

Năm 1961, khi nghe người Jrai nói về việc này, Dournes (một linh mục người Pháp ở Cheo Reo) đã vào Plei Pa bắt đầu cuộc kiếm tìm. Ở đây, ông nghe Ama Khe kể rằng: Năm 1920, khi còn nhỏ, Ama Khe và những đứa trẻ chăn trâu thấy một con voi đá bị chôn một nửa dưới đất và đào nó lên. Một cậu bé Jrai nghịch ngợm đã nhảy lên lưng voi, thế là bị ốm ngay. Sau việc này, trong vùng có rất nhiều người ốm và một trận hạn hán đã xảy ra.

Người Jrai cho rằng, vì họ đào con voi đá lên mà gây ra sự rủi ro này, vì vậy, đã chôn nó xuống. Dournes đã tổ chức một đoàn đi tìm kiếm ở gần núi Mố và đào được tượng voi bằng đá (sau này được xác định là di vật của người Chăm) có kích thước 50 x 50 x 20 cm rồi đem về nhà. Tháng 4-1970, tượng voi được ông giao lại cho Viện Bảo tàng Quốc gia ở Sài Gòn.

Có thể bạn quan tâm