Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Păh đẩy mạnh phát triển cây ăn quả đặc sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, cấp ủy, chính quyền huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã vận động, hướng dẫn người dân đầu tư phát triển các loại cây ăn quả để nâng cao thu nhập.

Giai đoạn 2021-2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh đã triển khai mô hình trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê vối kết hợp tưới tiết kiệm nước với diện tích 43 ha. Là 1 trong 6 hộ được hỗ trợ giống sầu riêng để trồng xen trong vườn cà phê, ông Phạm Hữu Thạch (thôn 2, xã Nghĩa Hưng) cho biết: Năm 2022, gia đình ông được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ 70 cây sầu riêng giống, một phần phân bón và tập huấn kỹ thuật để tham gia mô hình. Sau khi trồng 2 năm, cây sầu riêng phát triển tốt, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng ở đây. “Trước đó, năm 2018, tôi cũng đã trồng thử nghiệm 24 cây sầu riêng trong vườn cà phê thì thấy rất phù hợp. Hiện số cây sầu riêng này đã bắt đầu cho thu hoạch”-ông Thạch chia sẻ.

Ông Phạm Hữu Thạch (bìa trái, thôn 2, xã Nghĩa Hưng) được hỗ trợ cây giống sầu riêng để trồng xen trong vườn cà phê. Ảnh: L.N

Cây sầu riêng phát triển khá mạnh trong khoảng 4 năm trở lại đây trên địa bàn các xã: Ia Ka, Ia Khươl, Ia Mơ Nông, Ia Nhin, Nghĩa Hòa, Hòa Phú và thị trấn Phú Hòa, Ia Ly. Huyện Chư Păh hiện có 753 ha sầu riêng (tăng 603 ha so với năm 2019), trong đó, diện tích đang kinh doanh là 153 ha, năng suất bình quân 9-10 tấn/ha.

Ông Nguyễn Hữu Hùng (thôn 2, xã Ia Ka) cho hay: Năm 2017, ông trồng thử nghiệm hơn 100 cây sầu riêng xen trong vườn cà phê. Thấy cây sầu riêng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên ông tiếp tục trồng thêm 100-200 cây/năm. Khi cây sầu riêng khép tán, ông chặt bỏ dần cà phê để khoảng trống cho cây phát triển. Đến nay, gia đình ông có hơn 900 cây sầu riêng trồng thuần trên diện tích 5 ha. “Năm nay, 250 cây sầu riêng cho thu hoạch hơn 25 tấn quả, bán với giá hơn 78 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi lãi khoảng 1,7 tỷ đồng”-ông Hùng phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Hữu Hùng (thôn 2, xã Ia Ka) thu hoạch sầu riêng. Ảnh: L.N

Cùng với sầu riêng, cây chanh dây cũng được phát triển mạnh trên địa bàn huyện. Nếu như năm 2019, toàn huyện chỉ có khoảng 100 ha chanh dây thì đến nay đã tăng lên khoảng 500 ha. Ông Trần Văn Miền (làng Kó, xã Chư Đang Ya) cho hay: Năm 2022, gia đình ông cùng với mấy anh em góp vốn trồng 3,5 ha chanh dây xen trong vườn nhãn, vải đang trong thời gian kiến thiết cơ bản. “Để đầu tư 1 ha chanh dây từ khi trồng đến lúc bắt đầu cho thu hoạch hết khoảng 150 triệu đồng. Sau đó, chi phí bình quân chăm sóc cho lứa thu hoạch thứ 2 và 3 khoảng 50-70 triệu đồng/ha. Hiện nay, giá chanh dây đã tăng trở lại. Mới đầu vụ mà giá chanh xuất khẩu đi châu Âu đạt 20-26 ngàn đồng/kg, còn chanh xô giá khoảng 7-8 ngàn đồng/kg. Vừa rồi, chúng tôi thu hoạch lứa chanh đầu tiên được 40 tấn, bán với giá 25 ngàn đồng/kg. Với 3,5 ha, sau khi thu hoạch lứa đầu tiên và trừ chi phí đầu tư, chúng tôi lãi khoảng 400 triệu đồng”-ông Miền nhẩm tính.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh, hiện nay, toàn huyện có 1.783 ha cây ăn quả (tăng hơn 1.236 ha so với năm 2019) gồm: 753 ha sầu riêng, 500 ha chanh dây, 100 ha mít, 150 ha bơ, 162 ha chuối, 118 ha chôm chôm, nhãn, vải, xoài, đu đủ, vú sữa, dừa, dưa lưới… Năm 2023, sản lượng đạt khoảng 30.509 tấn, tăng 19.227 tấn so với năm 2019. Chư Păh hiện có 22,5 ha cây ăn quả được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP (17 ha sầu riêng, 3 ha na, 2,5 ha dưa lưới); khoảng 1.000 ha áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước. Huyện cũng đã được cấp 4 mã vùng trồng sầu riêng, 3 mã số vùng trồng chanh dây, 1 mã số vùng trồng chuối.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Huyện xác định cà phê vẫn là cây trồng chủ lực. Song thời gian qua, người dân đã đẩy mạnh trồng xen cây ăn quả vừa làm cây che bóng, chắn gió cho cà phê, vừa hạn chế rủi ro về giá cả và biến động của thị trường. Theo đánh giá, một số diện tích cây ăn quả như sầu riêng, chanh dây, dưa lưới, chuối mang lại thu nhập cao và ổn định hơn so với các loại cây trồng khác.

“Kế hoạch của huyện đến năm 2025 có 2.957 ha cây ăn quả (sầu riêng 1.000 ha, bơ 150 ha, mít 100 ha, chuối 200 ha, bưởi 20 ha, nhãn 5 ha, chanh dây 1.000 ha và 500 ha cây ăn quả khác), định hướng đến năm 2030 mở rộng diện tích cây ăn quả lên 3.820 ha (sầu riêng 1.500 ha, bơ 200 ha, mít 300 ha, chuối 200 ha, nhãn 20 ha, quýt đường 50 ha, bưởi 50 ha, chanh dây 1.000 ha và 500 ha cây ăn quả khác). Quy hoạch tầm nhìn đến năm 2040, huyện tiếp tục duy trì và phát triển diện tích cây ăn quả chủ lực là 4.350 ha (sầu riêng 2.000 ha, bơ 200 ha, mít 300 ha, chuối 200 ha, nhãn 100 ha, chanh dây 1.000 ha và 550 ha cây ăn quả khác)”-ông Sơn thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm