Đưa chúng tôi đi tham quan vườn cà phê của hội viên nông dân, ông Hoàng Việt Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Nhin-cho biết: Thời gian qua, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, xã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Việt Tiến để liên kết với các doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đến nay, toàn xã có 530 ha cà phê của 470 hộ dân được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn 4C và được cấp mã số vùng trồng.
“Việc sản xuất theo tiêu chuẩn 4C góp phần nâng cao năng suất cà phê lên 4-5 tấn nhân/ha. Đặc biệt, giá cà phê được doanh nghiệp thu mua cao hơn thị trường 300-500 đồng/kg. Năm 2023 và 2024, sản phẩm cà phê của người dân bán với giá 100-130 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người dân lãi khoảng 200-250 triệu đồng/ha”-ông Thắng thông tin thêm.
Anh Rơ Châm Kríp (làng Bàng, xã Ia Nhin) phấn khởi cho biết: Gia đình anh có 5 sào cà phê canh tác theo tiêu chuẩn 4C. Anh chủ yếu sử dụng phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Nhờ đó, vườn cà phê phát triển tốt, năng suất đạt cao. “Dù vườn cà phê của gia đình mới bước vào thu hoạch năm thứ 2 nhưng sản lượng đạt 1,5 tấn nhân. Với giá bán 125 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 100 triệu đồng”-anh Kríp nói.
Ngoài sản xuất cà phê, hiện nay, người dân trên địa bàn huyện Chư Păh còn mở rộng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Vũ Văn Tuấn (làng Amơng, xã Ia Mơ Nông) cho hay: Tháng 5-2024, gia đình anh trồng 3 ha chuối già Nam Mỹ theo tiêu chuẩn VietGAP. Đầu tháng 2-2025, gia đình anh thu hoạch gần 100 tấn quả. “Sản phẩm chuối của gia đình tôi được các doanh nghiệp đến kiểm tra chất lượng để thu mua xuất sang Hàn Quốc và các nước Trung Đông. Với giá bán 10-12 ngàn đồng/kg, tôi thu được hơn 1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 300 triệu đồng”-anh Tuấn nói.
Ông Hoàng Anh Tuệ (thôn Đại An 2, xã Ia Khươl) có 2 ha sầu riêng được trồng từ năm 2022. Sau đó, ông trồng xen chanh dây để lấy ngắn nuôi dài. Từ tháng 6-2024, được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện, ông chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ. Theo đó, ông sử dụng phân trùn quế kết hợp với các loại đạm tôm, đạm cá bón cho sầu riêng và chanh dây; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. “Khi canh tác theo hướng hữu cơ, đất tơi xốp và giàu dinh dưỡng nên cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại. Đặc biệt, chanh dây cho quả cứng, bảo quản được lâu. Tôi đang làm chứng nhận sản xuất hữu cơ cho 2 loại cây trồng này để đảm bảo thuận lợi cho đầu ra sản phẩm”-ông Tuệ cho hay.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Toàn huyện hiện có hơn 37,4 ngàn ha cây trồng các loại, chủ yếu là cà phê, cây ăn quả, bời lời, lúa nước… Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tích cực phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, Phòng tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân chuyển đổi sang phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
“Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 677 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, VietGAP và 12 ha chuối, sầu riêng, dưa lưới sản xuất theo hướng VietGAP. Điều này đã tạo thuận lợi cho người dân trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân và quy trình kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước; đồng thời, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân mở rộng diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn để nâng cao giá trị sản phẩm gắn với đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để tạo thuận lợi cho đầu ra sản phẩm, đặc biệt là mở rộng thị trường xuất khẩu”-ông Sơn thông tin thêm.