Nghề truyền thống “bén duyên” đất mới
Theo ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Kén tằm Gia Lai: Gia đình ông đã gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm được hơn 30 năm trên mảnh đất Lâm Đồng.
Gần đây, quỹ đất trồng dâu nuôi tằm tại Lâm Đồng không còn nhiều để mở rộng diện tích sản xuất liền vùng, liền thửa. Vì vậy, năm 2022, ông sang Gia Lai tìm cơ hội phát triển nghề truyền thống này.
“Sau một ngày khảo sát đất đai, khí hậu tại thôn Hà Lòng 2 (xã Kdang, huyện Đak Đoa), tôi cùng vợ quyết định mua 10 ha đất liền vùng, liền thửa rồi quy hoạch khu vực trồng dâu, đầu tư hệ thống tưới nước tiên tiến, tiết kiệm, khu vực kỹ thuật sản xuất, trại nuôi tằm, nhà ở cho cán bộ kỹ thuật…
Từ đó, chúng tôi quyết định chuyển cơ sở từ Lâm Đồng sang Gia Lai liên kết cùng nông dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Khi đó, nghề này còn khá xa lạ với bà con nơi đây”-ông Hùng cho biết.
Để trang trại đi vào hoạt động ổn định, ông Hùng đã thành lập HTX Kén tằm Gia Lai với 9 thành viên; đồng thời, mời những người có nhiều kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm từ Lâm Đồng sang làm việc cho HTX với chế độ đãi ngộ tương đối cao.
“Gia Lai có quỹ đất rộng, khí hậu phù hợp với nghề trồng dâu nuôi tằm. Vì vậy, HTX đã đầu tư các khâu cho nông dân, từ hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cung cấp vật tư, giống dâu, tằm giống chất lượng cao và bao tiêu toàn bộ sản phẩm kén của người dân. Từ đó, bà con nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, không lo về đầu ra.
Cách làm của HTX đã thu hút nhiều nông dân trên địa bàn các huyện Đak Đoa, Mang Yang, Kông Chro, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, thị xã An Khê… tìm đến liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao”-Giám đốc HTX Kén tằm Gia Lai chia sẻ.
Mở hướng phát triển kinh tế
Hiện nay, HTX Kén tằm Gia Lai đã đầu tư xây dựng nhà xưởng chuyên sản xuất các dụng cụ nuôi tằm như nia, né tại huyện Mang Yang để cung cấp cho người dân trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, HTX không ngừng đầu tư mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm và liên kết với người dân các địa phương sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Lợi thế của nghề trồng dâu nuôi tằm là chi phí đầu tư thấp hơn các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả, trong khi chu kỳ thu hoạch kéo dài 15-20 năm, thời gian cho thu hoạch nhanh và ổn định, phù hợp với nhiều độ tuổi lao động. Nếu áp dụng tiến bộ kỹ thuật sẽ tăng năng suất, giảm chi phí và công lao động.
Đến nay, HTX Kén tằm Gia Lai đã xây dựng được 3 trang trại trồng dâu nuôi tằm ổn định với diện tích hơn 30 ha. Trong đó, cơ sở tại thôn Hà Lòng 2 rộng 10 ha, cơ sở tại thôn 4 (xã Gào, TP. Pleiku) rộng 11 ha và cơ sở tại xã Ia Phang (huyện Chư Pưh) rộng 9 ha.
Bên cạnh đó, HTX đã xây dựng điểm thu mua tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ, Đak Đoa, Mang Yang, thị xã An Khê và tỉnh Kon Tum.
Hiện nay, bình quân mỗi tháng, HTX cung ứng hơn 3.000 hộp tằm giống cho người dân sản xuất. Sau khi nuôi khoảng 18 ngày, mỗi hộp tằm thu được khoảng 70-80 kg kén. Sản phẩm được HTX bao tiêu toàn bộ theo giá thị trường khoảng 200 ngàn đồng/kg.
Mỗi tuần, HTX thu mua khoảng 30 tấn kén từ người dân các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, hiện nay, HTX giải quyết việc làm cho gần 200 lao động phổ thông với thu nhập ổn định bình quân 7-10 triệu đồng/tháng tùy công việc.
Giám đốc HTX Kén tằm Gia Lai bộc bạch: “Gia Lai có nhiều tiềm năng phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Hợp tác xã luôn đồng hành cùng người dân các địa phương có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Bên cạnh đó, mong muốn của HTX là có thêm quỹ đất để xây dựng nhà xưởng kéo sợi, trang trại nuôi cấy giống tằm chất lượng cao… nhằm mở hướng phát triển kinh tế mới cho người dân trong tỉnh cùng làm giàu từ nghề trồng dâu nuôi tằm”.