Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Păh nhân rộng cánh đồng lúa một giống chất lượng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để giúp người dân nâng cao năng suất lúa, vụ mùa 2022, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã triển khai mô hình cánh đồng sản xuất lúa một giống chất lượng cao. Diện tích lúa tham gia mô hình cho năng suất 6-6,5 tấn/ha, cao hơn 0,5-1 tấn/ha so với lúa sản xuất thông thường tại địa phương.

Hàng năm, huyện Chư Păh gieo trồng 1.540 ha lúa Đông Xuân, 2.342 ha lúa vụ mùa và 150 ha lúa rẫy. Tuy nhiên, do người dân thường sử dụng các loại giống đã thoái hóa, giống lúa địa phương và chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất đạt thấp. Để nâng cao năng suất, chất lượng lúa, vụ mùa 2022, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên-Huế triển khai mô hình cánh đồng lúa một giống chất lượng cao (J02, HN6, ĐT100) trên địa bàn các xã Ia Ka, Ia Mơ Nông, Ia Phí và Ia Khươl. Mô hình có quy mô 371,4 ha với 1.392 hộ tham gia. Người dân tham gia được hỗ trợ 100% giống lúa (tương đương 100 kg lúa giống/ha), 200 kg vôi bột/ha để cải tạo đất và hướng dẫn kỹ thuật canh tác.

Người dân huyện Chư Păh thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Nam


Ông Siu Lẽo-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Broch (xã Ia Khươl) cho biết: Sau khi nhận được thông báo của UBND xã về việc triển khai mô hình cánh đồng lúa một giống chất lượng cao, 24 hộ dân trong làng đã đăng ký tham gia trồng hơn 12 ha. Vừa được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, vừa được hỗ trợ lúa giống nên người dân rất phấn khởi. Hiện tại, các hộ tham gia mô hình đã thu hoạch xong với năng suất lúa đạt cao hơn nhiều so với cách làm trước đây. “Nhà tôi cũng tham gia trồng 0,5 ha lúa giống ĐT100. Trước kia, cũng diện tích này, gia đình chỉ thu hoạch được 35-36 bao (khoảng 50 kg/bao). Nhưng trồng giống lúa ĐT100, tôi vừa thu hoạch được 52 bao. Giống lúa mới cho gạo mềm, cơm ăn rất ngon. Vụ tới, gia đình tiếp tục trồng giống này để nâng cao thu nhập”-ông Lẽo vui vẻ nói.

Còn ông Rơ Châm Nglai (làng Mrông Ngó 3, xã Ia Ka) thì cho hay: Trước đây, gia đình ông thường sử dụng giống lúa địa phương nên năng suất không cao, mỗi vụ chỉ được hơn 1 tấn/3,5 sào. “Tham gia mô hình, gia đình tôi được hỗ trợ giống lúa HN6 và được hướng dẫn kỹ thuật nên cây lúa phát triển tốt. Tuy nhiên, khi lúa chuẩn bị cho thu hoạch thì bị ảnh hưởng bão số 4 làm ngã đổ một ít. Vừa rồi, gia đình thu hoạch được khoảng 1,2 tấn lúa, cao hơn vụ trước hơn 2 tạ”-ông Nglai thông tin.

Mô hình cánh đồng lúa một giống chất lượng cao sử dụng các giống lúa J02, HN6 và ĐT100 gieo trồng trong vụ mùa có thời gian sinh trưởng 110-115 ngày, tương đương với thời gian sinh trưởng của các loại giống khác hiện có ở huyện Chư Păh. Năng suất trung bình giống J02 và HN6 đạt 6-6,5 tấn/ha (cá biệt có một số hộ đạt 7 tấn/ha); giống ĐT100 đạt 6,5-7 tấn/ha (một số hộ đạt 7,5 tấn/ha), cao hơn so với giống chủ lực HT1 đang trồng tại địa phương khoảng 3-5 tạ/ha và cao hơn năng suất trung bình của toàn huyện 5-10 tạ/ha.


Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Trước đây, trên cùng cánh đồng, người dân thường sử dụng nhiều giống lúa để canh tác, thời gian xuống giống khác nhau, không theo khuyến cáo lịch thời vụ của cơ quan chuyên môn dẫn đến sâu bệnh hại và khó áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa. Vì vậy, huyện xác định việc đầu tư xây dựng mô hình cánh đồng lúa một giống chất lượng cao là bước đột phá trong phát triển nông nghiệp. Việc này cũng góp phần làm đa dạng chủng loại giống chủ lực, đáp ứng nhu cầu thị trường, làm thay đổi tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số, thay thế dần các giống lúa chất lượng thấp ở địa phương. Qua thử nghiệm, các giống lúa ĐT100, HN6, J02 bước đầu rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa bàn các xã. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao hơn so với giống lúa của người dân địa phương.

“Thời gian tới, chúng tôi phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng mô hình này. Qua đó, huyện tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo chất lượng cao của địa phương; vận động các hợp tác xã tham gia liên kết với người dân triển khai sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn OCOP”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin thêm.

 

 LÊ NAM
 

Có thể bạn quan tâm