(GLO)- Những năm gần đây, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã đưa nghề dệt thổ cẩm vào chương trình dạy nghề và tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Duyên nợ với thổ cẩm
Chúng tôi đến thăm khi bà Yõi (làng Mor, xã Đak Tơ Ve) đang ngồi phía đầu hồi nhà sàn dệt thổ cẩm. Tuy đã 66 tuổi nhưng bà vẫn nhanh nhẹn, chuẩn xác từng động tác. Từ đôi tay của bà, tấm thổ cẩm với những nét hoa văn độc đáo dần hiện ra. Bà đang dệt tấm chăn đắp để tặng con gái vừa sinh con đầu lòng.
Làng Mor có 120 hộ nhưng số phụ nữ theo nghề dệt thổ cẩm như bà Yõi không nhiều. Bà Yõi hồi nhớ: “Trước đây, con gái lấy chồng thế nào cũng phải có bộ quần áo thổ cẩm mẹ cho, coi như của hồi môn và bộ quần áo biếu cha mẹ chồng để tỏ lòng kính trọng đấng sinh thành. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều khung dệt bỏ không, thấy tiếc lắm”.
Bà Yõi (làng Mor, xã Đak Tơ Ve) đã có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Đinh Yến |
Bà Yõi được mẹ truyền nghề dệt từ năm 12 tuổi. Ngày ấy, khi nào mẹ ngồi vào khung dệt là bà lân la ngồi bên cạnh và được chỉ cho từng li từng tí từ lắp khung dệt đến xe chỉ và dệt. Đến chỗ dệt hoa văn khó nhất, bà được mẹ hướng dẫn cách tạo hình, phối màu công phu. Khó nhưng được mẹ chỉ dạy tỉ mỉ, bà lại tháo vát nên vài lần thử là biết dệt ngay. “Tôi mong truyền nghề cho con cháu trong nhà để sau này lớn lên chúng biết dệt váy, chăn sử dụng, biết nâng niu, quý trọng nghề truyền thống ông cha để lại”-bà Yõi bày tỏ.
Tương tự, bà Rơ Châm Wo (làng Mrông Yố, xã Ia Ka) được nhiều người biết đến với những sản phẩm khác biệt, có hoa văn, họa tiết rất đặc sắc. Bà chia sẻ: “Giá trị của mỗi tấm thổ cẩm không chỉ ở chất liệu mà còn phải tinh xảo. Nhiều người nhìn thấy tấm thổ cẩm mình dệt là thích và mua ngay”.
Chỉ vào tấm thổ cẩm do mình làm ra, bà Wo cho biết chất liệu của nó hoàn toàn tự nhiên. Bông hái từ rừng về, phơi, xe thành sợi rồi nhuộm bằng nước màu lá rừng. Nếu thích màu xanh thì ngâm với lá cây, màu nâu thì ngâm với củ nâu, màu chàm thì ngâm với vỏ ốc suối, màu đỏ thì ngâm với quả rừng. “Dệt được một tấm thổ cẩm mất rất nhiều công đoạn. Từ khi hái bông, xe sợi, nhuộm màu đến lúc dệt mất hàng tháng trời. Tấm thổ cẩm giá trị nhìn vào thấy màu sắc đẹp, sờ thì mịn màng, họa tiết hoa văn tinh tế”-bà Wo chia sẻ.
Bảo tồn nghề truyền thống
Ông Cao Phi Văn-Chủ tịch UBND xã Đak Tơ Ve-cho biết: Nghề dệt thổ cẩm ở địa phương đang bị mai một dần. Nguyên nhân là lớp trẻ có phần xem nhẹ nghề này cũng như việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Bên cạnh đó, những người lớn tuổi hoặc có tay nghề cao cũng ít có điều kiện để kèm cặp, chỉ bảo cho lớp trẻ. Sản phẩm thổ cẩm làm ra chỉ để dùng trong gia đình chứ chưa bán rộng rãi ra thị trường. “Xã có kế hoạch rà soát số chị em còn theo nghề dệt thổ cẩm để vận động họ duy trì nghề, bồi dưỡng thêm cho lớp trẻ. Mặt khác, phối hợp tìm đầu ra và hướng đi phù hợp để thổ cẩm đến được với khách du lịch, tạo nguồn thu nhập cho chị em. Để gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, rất cần sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành”-ông Văn bày tỏ.
Bà Rơ Châm Wo (làng Mrông Yố, xã Ia Ka) tỉ mẩn dệt ra những tấm thổ cẩm có hoa văn rất đẹp. Ảnh: Đinh Yến |
Trong khi đó, bà Rơ Châm Ngoan-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ka thì cho biết: Cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể rất quan tâm đến việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trên thực tế, nhiều giá trị văn hóa được khôi phục, gìn giữ như cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, hát dân ca, múa xoang, làm nhà rông và nhà sàn. “Xã đã thành lập 2 câu lạc bộ dệt thổ cẩm. Sắp tới, xã vận động thành lập thêm ở những làng còn lại, tạo điều kiện cho chị em cải thiện thu nhập, lưu giữ nghề truyền thống”-bà Rơ Châm Ngoan chia sẻ.
Trao đổi vớ P.V, ông Nguyễn Minh Đức-Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chư Păh-cho biết: Thời gian qua, UBND huyện đưa dệt thổ cẩm vào chương trình dạy nghề và tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ tại các xã, thị trấn. Từ đó, nhiều chị em có ý thức tốt hơn về nghề truyền thống, đa phần đều biết dệt thổ cẩm sau khi được đào tạo. Tuy nhiên, người dân chỉ dệt thổ cẩm để phục vụ trong gia đình chứ chưa thể sống bằng nghề này do sản phẩm chưa tìm được đầu ra ổn định. “Chúng tôi đang nỗ lực thành lập tổ hợp tác nghề thổ cẩm nhằm tạo thương hiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm. Hy vọng, tổ hoạt động hiệu quả để địa phương tiếp tục nhân rộng trên địa bàn. Có thị trường tiêu thụ thì người dệt thổ cẩm có thể sống được với nghề”-ông Đức nói.
ĐINH YẾN