(GLO)- Bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khuyến nông, thời gian qua, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã trình diễn được một số mô hình chuyển đổi cây trồng, xen canh, tưới nhỏ giọt giúp bà con nông dân tăng thu nhập. Tuy nhiên, một số mô hình đầu tư còn dàn trải, chưa đi vào chiều sâu.
Hiệu quả bước đầu
1,6 ha cà phê trồng xen với hồ tiêu của ông Đỗ Đình Thơ (làng Lân, xã Ia Kly) đã bước vào thời kỳ kinh doanh. Năm 2017, ông Thơ được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt cùng với phân bón. “Nhờ trồng xen kết hợp tưới nhỏ giọt nên ít tốn công chăm sóc, ít sinh bệnh so với trồng thuần một loại cây. Vụ vừa rồi, năng suất cà phê đạt gần 5 tấn nhân/ha”-ông Thơ cho hay.
Vườn cà phê trồng xen hồ tiêu của gia đình ông Đỗ Đình Thơ (làng Lân, xã Ia Kly). Ảnh: Huỳnh Lê |
Ông Thơ là 1 trong 3 hộ được hỗ trợ từ mô hình này. Ông Lưu Hoài Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Mô hình được triển khai từ năm 2017 trên diện tích 3 ha với tổng kinh phí trên 72 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp khuyến nông huyện. “Đến thời điểm này, cả 3 hộ tham gia đều thu hoạch cho năng suất cao hơn cách trồng thuần 20%. Mô hình này đang được nhân rộng tại các xã có trồng cà phê, hồ tiêu”-ông Hưng nêu.
Để giúp bà con nông dân thay đổi tư duy canh tác, từ tháng 3-2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp tục triển khai mô hình thâm canh cây lúa nước vụ mùa. Mô hình được triển khai trên diện tích 17 ha với 101 hộ đồng bào dân tộc Jrai tham gia. Từ ngày 30-6, các hộ đồng loạt xuống giống lúa Lộc Trời 1 (do Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cung cấp). Các hộ được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hàng tuần, cán bộ xuống kiểm tra, hướng dẫn về kỹ thuật canh tác. Tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 220 triệu đồng. Ông Rơma Tôk (làng Klũ Klãh, xã Ia Boòng) chia sẻ: “Vụ này, bà con được Nhà nước hỗ trợ giống, phân và cán bộ xuống hướng dẫn cách gieo sạ. Hiện 1 sào lúa của nhà mình lên xanh mướt, bụi nở nhìn rất phấn khởi”.
Đầu tư còn dàn trải
Giai đoạn 2017-2020, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khuyến nông, huyện Chư Prông đã triển khai thực hiện 8 mô hình trình diễn về sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí 682,8 triệu đồng. Có 16/20 xã triển khai mô hình với diện tích 39,5 ha. Trong đó, 7/8 mô hình trình diễn thuộc lĩnh vực trồng trọt và 1 mô hình chăn nuôi (không kể mô hình trồng lúa vụ mùa đang triển khai trên diện tích 17 ha).
Trên cánh đồng lúa vụ mùa làng Klũ Klãh, xã Ia Boòng. Ảnh: Huỳnh Lê |
Năm 2017, huyện triển khai mô hình tưới nước bán tự động trên diện tích 5 ha cà phê, hồ tiêu với kinh phí 95,87 triệu đồng; mô hình trồng hồ tiêu xen cà phê tại xã Ia Drăng và thị trấn với 3 ha, kinh phí 72,413 triệu đồng; mô hình sản xuất lúa nước chất lượng cao tại xã Ia Piơr với 5 ha, kinh phí 36,09 triệu đồng; mô hình nuôi heo rừng lai tại xã Ia Phìn và thị trấn với quy mô 15 con, kinh phí 50,527 triệu đồng. Năm 2018, có mô hình sản xuất lúa nước chất lượng cao tại xã Ia Lâu với 10 ha, kinh phí 63 triệu đồng; mô hình trồng điều ghép cao sản tại 3 xã biên giới Ia Mơr, Ia Púch và Ia Piơr với 12,5 ha, kinh phí 143,91 triệu đồng. Năm 2019-2020, triển khai mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ia Ga với 2 ha, kinh phí 105,5 triệu đồng; mô hình trồng na hoàng hậu tại xã Ia Vê và Ia Bang với 2 ha, kinh phí 115,495 triệu đồng.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Hoài Hưng thẳng thắn thừa nhận: Thời gian qua, quy mô đầu tư cho một số mô hình còn manh mún, nhỏ lẻ nên chỉ đánh giá quá trình sinh trưởng mà chưa đánh giá toàn diện về hiệu quả kinh tế cho cả quá trình. Các mô hình chủ yếu tập trung trong lĩnh vực trồng trọt, trong khi các mô hình về chăn nuôi còn đầu tư rất hạn chế. Sau khi kết thúc mô hình, do không còn hỗ trợ nên người dân tự chuyển đổi sang cây trồng khác. “Trong khi đó, nguồn kinh phí khoa học công nghệ hàng năm với số tiền tương đối lớn lại được giao cho đơn vị không đảm bảo chuyên môn để thực hiện các dự án về sản xuất nông nghiệp như hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, quy trình sản xuất… dẫn đến phát huy hiệu quả chưa cao, thậm chí gây lãng phí trong sản xuất”-ông Hưng thông tin.
HUỲNH LÊ