(GLO)-Huyện Chư Prông, Gia Lai là một trong những địa phương thường xảy ra hạn hán. Vì vậy, ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2017-2018, huyện Chư Prông đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để chủ động phòng, chống hạn cho cây trồng. Đến nay, hầu hết các địa phương đã đảm bảo nguồn nước tưới.
Tại xã Ia Piơr và xã Ia Lâu, nông dân đều làm theo khuyến cáo của chính quyền địa phương, các ngành chức năng đã điều chuyển thời vụ, xuống lúa đồng loạt sớm từ 15-20 ngày. Đồng thời, sử dụng giống lúa thuần thích nghi với điều kiện của địa phương. Vụ Đông Xuân này, nhằm tránh hạn vào mùa khô, nông dân tại 2 xã tiến hành thu hoạch sớm và đã gặt xong 500 ha lúa, năng suất đạt 45-50 tạ/ha. Anh Bùi Văn Khánh (thôn 1, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) cho biết: “Để chủ động chống hạn, tôi đã gieo sạ sớm theo lịch gieo trồng của huyện khuyến cáo. Hiện nay, tôi đã thu hoạch gần xong 5 ha lúa, cây trồng cho năng suất cao”.
Tại các địa phương có hồ chứa nước, nông dân tưới luân phiên, theo lịch để tiết kiệm nước. Ảnh: N.T |
Không chỉ chống hạn trên cây lúa, đối với các cây trồng khác như rau, đậu đỗ các loại... cũng được huyện vận động, hướng dẫn nông dân tập trung gieo trồng ngay sau khi thu hoạch vụ mùa để tranh thủ độ ẩm của đất, giúp cây sinh trưởng phát triển nhanh, mạnh ngay từ đầu. Trên đất chuyển đổi lúa sang trồng màu, nông dân chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, sử dụng hiệu quả nguồn nước. Đối với cây công nghiệp dài ngày như tiêu, cà phê... nông dân cũng cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh bền vững, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Tăng cường tủ gốc giữ ẩm ngay từ đầu vụ, che chắn để hạn chế sự thoát hơi nước mạnh trong giai đoạn khô hạn...
“Vì rẫy cà phê, tiêu của nhà tôi nằm gần ngay suối nên tôi không lo lắng nhiều trong mùa khô hạn này. Tuy nhiên, để phòng chống hạn cho 600 gốc cà phê, tiêu, gia đình tôi thực hiện tưới tiêu nội đồng, tưới luân phiên và tiết kiệm. Đảm bảo những rẫy cà phê của những hộ xung quanh cũng được đủ nước tưới”. Ông Tống Ngọc Ngoan (thôn Grang 2, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) cho hay.
Để chủ động phòng, chống hạn, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông đã xây dựng, bổ sung, cập nhật phương án chống hạn, phối hợp với chính quyền địa phương cảnh báo diễn biến thời tiết về thông tin khô hạn, thiếu hụt nguồn nước trên sông suối, ao, hồ, đập để điều chỉnh kịp thời việc cấp nước phục vụ sản xuất phù hợp với từng khu tưới, vùng tưới của từng địa phương. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để có lịch gieo trồng cụ thể, vận động nông dân gieo trồng, hạn chế thấp nhấp thiệt hại do thiên tai gây ra. Đối với những địa phương không chủ động được nguồn nước tưới hoặc không có công trình thủy lợi cho cây trồng cần áp dụng biện pháp tưới nước nhỏ giọt, tưới phun, tưới ẩm, tưới luân phiên, tủ ấm đảm bảo tiết kiệm nguồn nước.
Ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông cho biết: Hiện tại, các vùng trồng lúa vụ Đông xuân đã kịp thời thu hoạch, đảm bảo năng suất lúa. Thời điểm này, toàn huyện chưa xảy ra hạn hán vì thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều cơn mưa nhỏ giải khát cho cây trồng trên một số địa bàn có nguy cơ hạn hán. Tuy nhiên, trong hoảng 20 ngày tới mà không có mưa, thì cây trồng toàn huyện sẽ phải chịu khô, hạn. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân tiếp tục sử dụng những biện pháp tưới nước tiết kiệm, luân phiên theo từng tuyến kênh, khu tưới theo kế hoạch và lịch tưới của các công trình... Đồng thời, hướng dẫn nông dân xây dựng, nhân rộng các mô hình tưới nước tiết kiệm để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất…
Ngọc Thu